Hà Nội vừa có quyết định ngừng cấp “tem taxi” từ 1/3/2010. Đây được coi là cái kết không có hậu cho câu chuyện dài kỳ: cấp phù hiệu xe taxi.
Chiếc “tem” be bé trên góc phải của mỗi chiếc xe taxi mới chỉ có đời sống vẻn vẹn gần 3 năm. Nhưng trong chưa đầy 3 năm đó đã có biết bao nhiêu câu chuyện “hỉ, nộ, ái, ố” xung quanh nó.
Số lượng taxi phát triển quá nhanh trong một thời gian ngắn đã góp phần làm cho hệ thống giao thông ở Hà Nội bị quá tải trầm trọng |
Chỉ trong những ngày đầu năm 2010, đã có tới 5 vụ việc lái xe taxi chống người thi hành công vụ bằng cách… hất cảnh sát giao thông lên nóc capo. Không chỉ có vậy, hiện tượng chạy ẩu, đỗ ẩu của các lái xe taxi cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc tại Hà Nội và TPHCM ngày càng trầm trọng - mà đây là 2 thành phố có lượng taxi đông nhất cả nước. Đây cũng chính là những nguyên nhân chủ yếu của việc ngừng cấp phù hiệu taxi từ ngày 1/3/2010.
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, đối với một số doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp đã hoạt động taxi lâu năm ở Hà Nội, phương tiện đã xuống cấp, cũng chưa quan tâm đến chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, hoặc đầu tư quy mô taxi thấp do vậy hiệu quả hoạt động thấp.
Theo ông Linh, nhiều bất cập đã nảy sinh thời gian qua có nguyên nhân từ việc taxi tại Hà Nội phát triển quá ồ ạt, phân bố không đồng đều trên địa bàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại nhiều nút vào giờ cao điểm. Mặc dù, cũng theo ông Linh thì một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi đã buộc phải chuyển sang ngành nghề khác do hiệu quả kinh doanh thấp, nhưng hiện Hà Nội hiện vẫn có 103 doanh nghiệp có gần 9.500 taxi hoạt động, với 12.500 tài xế và 60% trong số đó là người ngoại tỉnh.
Đã vậy, các nhà quản lý nhìn nhận khá nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và giáo dục pháp luật cho taxi, dẫn đến tình trạng các xe tranh giành khách, dừng đỗ tràn lan bất chấp qui định, phóng nhanh, vượt ẩu...
... Tại ả
Nhưng cái chuyện dùng phù hiệu - mà thông thường quen gọi là tem taxi để quản lý taxi, hạn chế lượng phương tiện lưu thông lại bị coi là biện pháp “bắt cóc bỏ đĩa”. Một số doanh nghiệp taxi Hà Nội nhận xét, chỉ vì các cơ quan chức năng quản lý chưa phân biệt được đâu là doanh nghiệp thực sự hoạt động vận tải công cộng, đâu là doanh nghiệp “dởm” chỉ điền thêm chức năng đăng ký kinh doanh vận tải, nên xe của các doanh nghiệp taxi đã phải chịu chung số phận bị đối xử như xe ô tô cá nhân.
Hơn nữa, để trả lời câu hỏi doanh nghiệp có bao nhiêu chiếc taxi thì được gọi là doanh nghiệp taxi thì ngay chính những người trong nghề kinh doanh taxi cũng trả lời: không biết. Theo LS Nguyễn Tiến Sơn - Đoàn LS Hà Nội, doanh nghiệp có thể chỉ cần đăng ký kinh doanh và hoạt động vận tải taxi là có thể được coi là doanh nghiệp taxi, cho dù họ có 1 chiếc hay hàng ngàn chiếc. Cũng theo LS Sơn, điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chiếc taxi “dù”, “cóc” sẽ lại hoàn toàn trở thành hợp pháp khi họ có đăng ký kinh doanh vận tải.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận xét: Chỉ vì chưa có tiêu chí rõ ràng nên đã đẩy các doanh nghiệp vào cơ chế xin - cho. Không ít doanh nghiệp phải khá vất vả để “lo toan” cái tem taxi hàng năm. Giám đốc một doanh nghiệp taxi (đề nghị không nêu tên vì “lý do tế nhị”) cho biết, chiếc taxi nào gọi là chính hãng thì mỗi năm đều phải xin được dán tem một lần. Cứ đến kỳ dán tem hàng năm là một lần doanh nghiệp taxi “vượt cạn”. Câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” được vị giám đốc này chứng minh: các cơ quan chức năng cho rằng việc dán tem là để bảo vệ taxi chính hãng khỏi “taxi dù”. Tuy nhiên, thực tế thì taxi dù chẳng hề giảm. Thậm chí vì là dân trong nghề nên ông đã từng nhìn thấy nhiều chiếc taxi dù vẫn có tem (chẳng thể biết được thật hay giả).
Trong khi đó, theo Luật gia Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty tư vấn VFAM, chủ trương cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các giấy phép con vẫn thường xuyên được Chính phủ đôn đốc và trong những năm qua Việt Nam đã làm khá tốt, nhưng vẫn còn nhiều cơ quan chức năng “luyến tiếc” những biện pháp quản lý hành chính kiểu này. Chuyện cái tem taxi mang dáng dấp của câu chuyện luyến tiếc này!
Sao vẹn cả đôi đường?
Theo LS Sơn, để soạn thảo các tiêu chí doanh nghiệp taxi không phải quá khó khăn. Nhưng để tạo điều kiện cho taxi chân chính làm ăn hiệu quả hơn, người ta vẫn phải làm một công việc khá thủ công, đó là dán tem hàng năm. Giờ viện lý do là thừa taxi để ngừng công việc này lại cũng không ổn. Vì chẳng nhà đầu tư nào lập doanh nghiệp để chịu lỗ cả. Nếu lỗ, đương nhiên họ sẽ tự “biến mất” mà không cần chờ “tem” hết hạn. Điều các doanh nghiệp taxi “kêu” nhất là muốn đủ điều kiện để được dán tem các doanh nghiệp taxi phải có điểm đỗ xe tĩnh cho lái xe giao ca. Nhưng hạ tầng giao thông của Việt Nam còn quá ít điểm “giao thông tĩnh”, vì thế trong số hơn 100 hãng taxi tại TP Hà Nội, số lượng các hãng có điểm đỗ xe tĩnh để giao ca chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để đủ điều kiện, các doanh nghiệp taxi thường ký hợp đồng ngắn hạn thuê địa điểm tạm thời khi đến kỳ dán tem. Theo ông Đỗ Quốc Bình, để đủ điều kiện về điểm đỗ taxi như quy định hiện hành thì rất ít doanh nghiệp taxi đáp ứng được. Mặc dù, phía Sở GTVT cũng đã giới thiệu cho Hiệp hội taxi một số điểm đỗ để thuê. Tuy nhiên, ông Bình nhẩm tính, bãi đỗ taxi vẫn thiếu rất nhiều. Và câu chuyện lại rẽ ra hướng hoàn toàn khác - hạ tầng giao thông. Mà câu chuyện này còn dài kỳ hơn nhiều và tiếc rằng chưa ai tiên liệu được phần kết.
Thiết nghĩ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, muốn xóa bỏ giấy phép con thì phải có một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ. Doanh nghiệp kinh doanh taxi chỉ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện là có thể hoạt động. Nếu vi phạm hoặc không đủ điều kiện vẫn hoạt động thì phạt thật nặng, để không doanh nghiệp nào dám vi pham.
* Để được dán tem chứng nhận (thời hạn 1 năm), taxi phải có đầy đủ điều kiện như niên hạn xe không quá 12 năm, có đầy đủ hộp đèn, lôgô doanh nghiệp, số điện thoại, đồng hồ tính tiền đã được kiểm định, dán tem và hoạt động cho doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ về thuế với Nhà nước và phải có bãi đỗ tĩnh cho lái xe và xe. * UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, lập đề án quản lý hoạt động taxi trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2010 - 2015. Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với công an Thành phố nghiên cứu, có biện pháp kiểm soát, hạn chế phát triển, không làm gia tăng số lượng taxi hoạt động trên địa bàn. |
(Theo Mai Ngọc // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com