Dự thảo Luật Thuế môi trường là dự án luật mới và phạm vi điều chỉnh của luật này có tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, có một số người gọi đùa là “siêu luật” vì dự luật chỉ gồm 4 chương vẻn vẹn trong hai tờ giấy A4.
Nhiều ý kiến cho rằng, có một số vấn đề bị bỏ sót hoặc chưa được làm rõ liên quan đến thuế môi trường.
Tính thuế thế nào ?
Theo dự thảo, các sản phẩm pin, ắc quy, thuốc lá, dung môi (dùng trong sản xuất sơn), thuốc trừ sâu, xi măng... không phải chịu thuế. Theo đề nghị của một số đại biểu, nên đưa các mặt hàng này vào diện chịu thuế vì chúng tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách thuế giải thích: “Pin, ắc quy, thuốc lá không được đưa vào diện chịu thuế vì đã có cơ chế thu hồi để tái sử dụng ”.
Có lẽ, vấn đề nằm ở chỗ chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh mức độ gây ô nhiễm của từng nhóm hàng hóa để làm căn cứ tính thuế. Do đó, các nhà làm luật chưa thể thuyết phục được các đại biểu.
Ngoài ra, dự thảo cũng chưa linh hoạt trong việc áp dụng hoặc xét miễn giảm cho từng đối tượng chịu thuế như DN có đầu tư thiết bị sản xuất và xử lý chất thải hiện đại, sản phẩm có tỷ lệ nội địa cao...
Một tranh cãi khác là về cách tính thuế. Mục đích của các nhà làm luật khi đưa ra mức thuế suất tuyệt đối là nhằm tạo điều kiện cho việc tính thuế được đơn giản, đảm bảo ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước và hạn chế tình trạng trốn thuế. Nhưng Thạc sĩ Phan Phương Nam, giảng viên Đại học Luật TP HCM cho rằng, nên áp dụng cách tính thuế tương đối (tỷ lệ % giá vốn x đơn vị sản phẩm). Theo ông, cách tính này không hề phức tạp vì song song với việc nộp thuế môi trường, DN cũng phải nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT. Hơn nữa, có thể lấy giá tính thuế của các loại thuế nhập khẩu, thuế GTGT để tính cho thuế môi trường. Trong trường hợp áp dụng mức thuế suất tuyệt đối, số tiền thu thuế sẽ ổn định qua từng năm. Tuy nhiên, với tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, mục đích của việc thu thuế có thể sẽ không đạt được. Còn nếu áp mức thuế tương đối thì khi giá lên cao, số tiền thu thuế cũng sẽ tăng lên tương ứng. Như vậy, luật thuế mới đủ mạnh để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường.
Mặt hàng nào dễ gây ô nhiễm ?
Theo dự thảo, có 5 nhóm hàng hóa, sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế là xăng dầu, than (trừ than bùn), chất làm lạnh chứa hydro-chloro-fluoro-carbon (dung dịch HCFC), túi nilon (trừ túi sinh học) và thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, đại diện Cty Fotai VN, chuyên sản xuất bao bì nhựa, túi xốp, giấy, cho rằng, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào đánh giá tác động của túi nilon đối với môi trường. Vì thế, việc đánh thuế 20.000-30.000 đồng/ký túi nilon (tương đương 100% giá vốn) là chưa hợp lý.
Đối với nhóm hàng xăng dầu, theo quy định tại Điều 9 Dự thảo về biểu khung thuế môi trường, xăng bị áp mức thuế 1.000-4.000 đồng/lít trong khi mức thuế đối với dầu diesel là 500-2.000 đồng/lít. Điều khiến nhiều đại biểu thắc mắc là tại sao dầu diesel gây nguy hại hơn xăng mà lại áp mức thuế thấp hơn ? “Trên thế giới, để đánh giá mức độ độc hại của nhiên liệu, người ta dựa trên chất ô nhiễm SO2 sinh ra từ việc đốt nhiên liệu để làm căn cứ tính thuế. Như vậy, việc áp mức thuế suất cao hay thấp chủ yếu căn cứ trên hàm lượng lưu huỳnh có trong loại nhiên liệu đó. Tuy nhiên, theo dự thảo, hàm lượng lưu huỳnh trong xăng gần như bằng 0, nhưng lại bị đánh mức thuế cao nhất, trong khi dầu mazut có hàm lượng lưu huỳnh có thể lên tới 3% thì được áp mức thấp nhất. Điều này không hợp lý”.
Luật sư Thái Văn Chung - đại diện Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cũng nhận định rằng, khung thuế suất của nhóm mặt hàng xăng dầu theo dự thảo là quá cao. Điều này sẽ đẩy giá cước vận tải lên cao so với các nước trong khu vực. Mức thuế hợp lý nhất, theo ông Chung, là 1.000-2.000 đồng/lít.
(Theo Ngọc Danh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com