Giá cả leo thang chóng mặt, lạm phát cả năm lên tới 11,75% đang tạo nên gánh nặng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Bối cảnh hiện nay đang đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mức thuế cho phù hợp với tình hình mới.
Theo tính toán của Luật Thuế TNCN trước khi xây dựng, năm 2005-2006 (thời điểm lạm phát dưới 1 con số), mức giảm trừ cho mỗi người thu nhập là 4 triệu đồng/tháng, 1 người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện nay lạm phát đã ở mức 2 con số, khiến chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn, làm cho túi tiền của người dân bị teo đi.
Vì vậy, nhu cầu bức thiết hiện nay là Bộ Tài chính có phương án điều chỉnh để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi lại mức thuế suất, giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, những mong muốn trên đang vướng phải nhiều rào cản và khó có thể được thực thi, ít nhất là trong năm 2011. Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong năm 2011 Quốc hội không có chương trình sửa đổi Luật Thuế TNCN. Trong Luật Thuế TNCN hiện hành cũng không quy định khi lạm phát tăng, giá cả tăng bao nhiêu % thì Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi mức thuế này. “Trước khi xây dựng luật, cũng đã thảo luận kỹ có nên quy định hay không. Sau đó, các ý kiến đều thống nhất và quyết định, không quy định điều chỉnh trong trường hợp giá cả có biến động”, ông Tuấn nói.
Bộ Tài chính chưa sẵn sàng cho phương án giảm thuế TNCN, nhưng nhiều chuyên gia, cũng như người nộp thuế cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với từng bối cảnh, điều kiện cụ thể của nền kinh tế. Lạm phát cao nằm ngoài sự mong muốn, dự đoán của tất cả mọi người, khi đã xảy ra rồi thì các chính sách khác phải có sự thay đổi. “Doanh nghiệp xăng dầu khó khăn thì được giảm thuế nhập khẩu 4 lần trong năm 2010, kể cả gas, sắt thép… Lạm phát cao lên tới gần 12%, người dân cũng phải được quyền hưởng những ưu đãi đó, chứ không chỉ là chuyện tăng lương không”, một chuyên gia kiến nghị.
Theo một lãnh đạo Tổng cục Thuế, khó khăn lớn nhất hiện đang tồn tại đối với sắc thuế TNCN, là việc cơ quan thuế không quản lý nổi thu nhập thực tế của người nộp thuế. “Đối với các hộ kinh doanh cá thể, thu theo cơ chế khoán. Nhưng không ai biết được doanh thu của họ hằng tháng là bao nhiêu” - ông nói, và cho biết thêm, dù mỗi cá nhân có một mã số thuế, cơ quan thuế thực hiện khấu trừ tại nguồn, nhưng thực tế có vô số các thu nhập khác không thống kê được. Chính lỗ hổng này đã gây thất thoát cho ngân sách, cũng như chưa có sự bình đẳng giữa người thu nhập cao và thu nhập thấp.
(Báo Thanh niên)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com