Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chống rửa tiền: không đáng quan trọng hóa

Minh họa: Khều.

Thông tư số 148/2010/TT-BTC (Thông tư 148) hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng được ban hành một cách khá bất ngờ vào ngày cuối tháng 9 vừa qua và có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Trên thị trường chứng khoán, phần lớn các thành viên thị trường tiếp nhận thông tin trên một cách thiếu tích cực, không ít ý kiến phản đối và nghi ngờ về tính khả thi do một số quy định chưa rõ ràng. Tuy nhiên sự việc không đáng phải quan trọng hóa...

Rửa tiền: từ phim... đến thực tế

Cách đây hơn 20 năm, khi bộ phim truyền hình nhiều tập “Con bạch tuộc” của Ý được trình chiếu đã tạo ấn tượng rất mạnh với các khán giả yêu thích màn ảnh nhỏ. Qua bộ phim này có lẽ lần đầu tiên các khán giả Việt Nam biết đến chuyện rửa tiền. Sau này, khi các phương tiện truyền thông phát triển hơn người dân có thể tiếp cận với các câu chuyện rửa tiền từ thực tế như chuyện cựu Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines với nhiều tỉ đô la Mỹ được cất giữ tại các nhà băng Thụy Sỹ; hay chuyện các ông trùm ma túy Nam Mỹ buôn lậu rồi rửa tiền qua hệ thống các sòng bài, nhà hàng, khách sạn...

Theo Tổ chức chống rửa tiền quốc tế Finance Action Task Force (FATF), hiểu một cách đơn giản nhất, rửa tiền là tập hợp các hoạt động được tiến hành một cách cố ý nhằm hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Tại Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 đã quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng chưa sử dụng thuật ngữ rửa tiền. Ngày 7-6-2005, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2005 về phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2005 (đã áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng). Đầu tháng 10-2008, vụ án rửa tiền xuyên quốc gia đầu tiên ở Việt Nam đã được phát hiện, đó là việc hai cá nhân đến từ châu Phi đánh cắp tài khoản ở nước ngoài và thực hiện rút tiền tại hai chi nhánh ngân hàng Việt Nam. Trước đó vào năm 2006, Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng đưa ra cảnh báo, Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền quốc tế do mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn, trong đó khi hệ thống thanh tra, giám sát còn kém phát triển.

Tại sao thị trường phản ứng mạnh?

Đối với đa số người dân Việt Nam, khái niệm rửa tiền gắn với các câu chuyện về thế giới tội phạm trên phim ảnh, sách báo. Phần lớn họ biết rằng hoạt động rửa tiền là vi phạm pháp luật nhưng đó là chuyện ở xứ người, chứ không phải ở Việt Nam, hoặc nếu có thì cũng chẳng liên quan hay ảnh hưởng đến mình. Vì vậy, mới đây nhiều thành viên thị trường chứng khoán cảm thấy không thoải mái khi biết mình sắp là đối tượng chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Bỏ qua yếu tố tâm lý, vướng mắc lớn nhất với các nhà đầu tư cá nhân là quy định “giao dịch giá trị lớn”. Thông tư 148 định nghĩa “giao dịch giá trị lớn” là khi khách hàng là cá nhân thực hiện một hoặc nhiều giao dịch mua hoặc bán chứng khoán bằng tiền mặt trong một ngày có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với các tổ chức, con số tương ứng là 500 triệu đồng). Theo các nhà đầu tư, giới hạn này là quá khắt khe khi trong thực tế, số giao dịch vượt ngưỡng này chiếm khá lớn trên thị trường. Thậm chí ngay lập tức một số nhà đầu tư đã tính đến phương án đối phó bằng cách chỉ giao dịch tối đa 199 triệu đồng/ngày hay nhờ người thân mở nhiều tài khoản nhằm chia nhỏ giao dịch.

Phía các công ty chứng khoán bày tỏ lo ngại về một số quy định mơ hồ, đậm chất định tính như “giao dịch bất thường”, “giao dịch không có lý do hợp lý”, “xếp loại có nguy cơ rửa tiền cao” (điều 9)... khiến họ khó thực thi nếu không có hướng dẫn mới. Một phàn nàn khác là có quá nhiều giao dịch lọt vào khung giám sát khiến cho các công ty chứng hoán thêm công, thêm việc, tăng chi phí.

Các lo ngại này có cơ sở không?

Trước hết Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên không thể đứng bên lề cuộc chiến chống rửa tiền của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Tại Việt Nam lĩnh vực ngân hàng cũng có hành lang pháp lý chống rửa tiền, vì vậy lĩnh vực chứng khoán có chịu sự điều tiết của văn bản luật cũng hoàn toàn hợp lý. Phản ứng của nhà đầu tư về con số 200 triệu là có lý, nhưng thật ra nếu so với một số lĩnh vực khác, con số này cũng ở mức bình thường. Ví dụ, khi xuất nhập cảnh, cá nhân mang trên 7.000 đô la Mỹ phải xin giấy xác nhận nguồn gốc của ngân hàng và phải khai báo với hải quan. Tại nhiều nước phát triển, khi nộp tiền mặt vào ngân hàng vượt quá 10.000 đô la Mỹ người dân cũng phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số tiền đó.

Người viết đã làm một cuộc khảo sát “mini” với các nhân viên môi giới của một số công ty chứng khoán lớn trên thị trường. Theo ước tính của các nhân viên môi giới có doanh số trung bình, trong điều kiện thị trường bình thường có tới 50-60% nhà đầu tư giao dịch trên mức này. Thậm chí một nhân viên môi giới giỏi nghề còn quản lý doanh số 700 tỉ đồng/tháng của tám nhà đầu tư (tương đương trung bình gần 4,5 tỉ đồng/người/phiên giao dịch)! Như vậy so với thực tế thị trường, mốc 200 triệu là khá thấp.

Còn công ty chứng khoán, liệu có thêm công, thêm việc khi phải tuân thủ quy định này? Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho biết hoạt động của các công ty hiện nay đã được “điện tử hóa” toàn diện, đặc biệt là giao dịch của nhà đầu tư. Bởi vậy, việc truy xuất và lưu trữ các thông tin cá nhân, dữ liệu giao dịch sẽ không thành vấn đề, không quá phức tạp so với trình độ công nghệ thông tin hiện nay.

Vậy liệu nhà đầu tư có mất đi sự riêng tư khi Thông tư 148 có hiệu lực không? Để giải tỏa phần nào sự bức xúc của nhà đầu tư, mới đây đại diện của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (thuộc Bộ Tài chính) đã lên tiếng giải thích thông tư. Theo đó, con số 200 triệu chỉ áp dụng đối với các giao dịch bằng tiền mặt (chẳng hạn trực tiếp mang tiền mặt mua cổ phiếu OTC tại công ty chứng khoán) chứ không phải áp dụng cho các giao dịch bằng những hình thức khác (như việc nhà đầu tư mở tài khoản, đặt lệnh giao dịch qua công ty chứng khoán). Như vậy, khung giám sát đã hẹp hơn, việc thực thi cũng mang tính thực tế hơn.

Dù vậy, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán HSC, vẫn chỉ ra một điểm bất hợp lý trong Thông tư 148, đó là quy trình xử lý các giao dịch đáng ngờ (điều 10). Theo ông Giang, yêu cầu công ty chứng khoán lưu trữ các dữ liệu quy định là đúng nhưng việc giám sát để báo cáo với cơ quan chức năng lại không thuộc trách nhiệm của đơn vị này mà thuộc về cơ quan giám sát.

Cách đây năm năm khi lần đầu tiên hoạt động ngân hàng được điều chỉnh bởi Nghị định 74 chống rửa tiền cũng đã xuất hiện rất nhiều ý kiến quan ngại tương tự hiện nay. Tuy nhiên, thực tế giao dịch tại ngân hàng sau đó đã không có bất cứ sự xáo trộn nào. Việc ban hành Thông tư 148 thiên về giải quyết các vấn đề kỹ thuật phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền trong các lĩnh vực mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Đăng ký giá vẫn không thể kiểm soát giá sữa
  • Dân cứ kiện, tòa cứ việc... không thụ lý!
  • Thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
  • Doanh nghiệp FDI : Những thủ thuật “né” thuế
  • Tránh “lệch pha” trong cấp phép
  • Ngăn việc kinh doanh đặt cược trá hình, bất hợp pháp
  • Thuế GTGT đối với DN viễn thông: Sẽ có hướng dẫn mới
  • Bắt buộc kiểm toán năng lượng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%