Cho đến thời điểm này, Thông tư 122/2010/TT-BTC về việc đăng ký giá đối với các mặt hàng như sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi, than, giấy in báo, giấy viết… đã có hiệu lực gần một tháng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, phù hợp của một văn bản như Thông tư 122 cũng như hiệu quả đạt được so với mục tiêu mà cơ quan quản lý hướng tới khi ban hành quy định này. TBKTSG xin trích đăng ý kiến của TS. Jonathan Pincus, thuộc Chương trình Giảng dạy Fulbright (Mỹ), với những góc nhìn từ thị trường sữa bột.
Giá sữa sẽ giảm nhờ việc đăng ký giá?
Theo ông Jonathan Pincus, điều này hoàn toàn không thể xảy ra tại một thị trường như Việt Nam. Lý lẽ của ông nằm ở nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, thị trường sữa bột tại Việt Nam là thị trường cạnh tranh với rất nhiều đối thủ tham gia cuộc chơi và nhiều loại hàng hóa khác nhau. Một công ty quốc tế ước tính có đến 286 thương hiệu riêng biệt. Một báo cáo cũng cho thấy, thị trường sữa bột dành cho trẻ sơ sinh tại Việt Nam có sự tham gia của 83 thương hiệu của 50 công ty. Một công ty đã báo cáo rằng, giá trung bình của các loại sữa bột trên thị trường ở mức 244 đồng/gam, thấp nhất là 83 đồng và đắt nhất là 2.669 đồng. Người tiêu dùng đã lựa chọn nhiều nhất đối với các sản phẩm có giá 137 đồng/gam (chiếm khoảng 21%), kế đến là sản phẩm giá 405 đồng/gam. Công ty mạnh nhất trên thị trường là Vinamilk. Theo báo cáo thường niên năm 2009 của Vinamilk, công ty này đang kiểm soát 35% thị trường sữa bột và 55% thị phần thị trường sữa nước. Tuy nhiên, với thị phần lớn, Vinamilk cũng không đủ điều kiện để làm nên sự độc quyền về giá.
Sự đa dạng của thị trường đã cho phép người tiêu dùng có nhiều lựa chọn với nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy, “vấn đề ở đây không phải là thiếu nhà sản xuất mà là thiếu thông tin. Yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký giá có thể làm tăng lượng thông tin trong tay cơ quan quản lý nhưng sẽ không cải thiện được việc người tiêu dùng tiếp cận với thông tin”, ông Jonathan Pincus nói.
Ông Pincus cho rằng Thông tư 122 của Bộ Tài chính đang bao trùm lên quá nhiều công ty và sản phẩm. Ông dẫn lời đại diện một công ty nói rằng khi thực hiện đăng ký giá cho toàn bộ các dòng sản phẩm của công ty, ước tính phải cần tới 400.000 lần đăng ký cho giá nhập vào, bán ra, giá bán buôn, bán lẻ. Giả sử với một lần đăng ký, công ty phải chi ra 100.000 đồng (công lao động), tính ra, tổng chi phí cho việc đăng ký sẽ mất khoảng 40 tỉ đồng! Còn về phía cơ quan quản lý, khó có thể tưởng tượng hết những khó khăn mà họ phải đối mặt khi phải xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ về hàng trăm mặt hàng ở hàng ngàn địa phương trên cả nước. Đó là chưa kể đến việc giá cả được cập nhật hàng ngày.
Có một điều chắc chắn rằng, các công ty sẽ không “giao chiến” với chính sách. Điều khá chắc chắn là nếu không thu về lợi nhuận, những công ty này sẽ rời thị trường, nhẹ hơn là thu hẹp công việc làm ăn, chỉ hoạt động ở một vài sản phẩm hay rút hết các mặt hàng. Khi đó điều gì sẽ xảy ra? Thị trường sẽ ít sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn. Và thực tế đã chứng minh: càng ít cạnh tranh, giá sẽ bị đẩy lên cao!
Một điều cốt lõi cũng cần được nhắc lại là giá cả không được thiết lập bởi các chính sách của Nhà nước mà bởi chính thị trường. Giá của sản phẩm cũng không đơn thuần là phép cộng giữa các con số về nguyên liệu, chi phí sản xuất… Khi đưa ra giá bán của một sản phẩm, các công ty tiến hành nghiên cứu thị trường và tính ra số tiền mà họ nghĩ người tiêu dùng sẵn sàng chi trả. Họ điều chỉnh giá dựa trên yêu cầu của người tiêu dùng và cách hành xử của đối thủ. Trong việc này, có cả chi phí cho xây dựng thương hiệu và sử dụng giá cả như một dấu hiệu. Nếu giá bán quá cao, người tiêu dùng không chấp nhận thì sản phẩm sẽ không bán được và công ty sản xuất, cung cấp sẽ bị loại ra khỏi thị trường. Ngược lại, một công ty ăn nên làm ra sẽ cổ vũ các công ty khác tham gia vào thị trường.
Các nhà sản xuất sử dụng giá như một tín hiệu. Một quy định gần như bất thành văn trong kinh tế là: nếu sản phẩm giá càng cao thì chất lượng càng cao, giá rẻ thì chất lượng thấp. Nghiên cứu hành vi cho thấy, người tiêu dùng vẫn tỏ ra hài lòng khi phải trả thêm tiền để mua một sản phẩm, dịch vụ. Báo chí Việt Nam đã có rất nhiều bài viết phản ánh chuyện nhiều bà mẹ đã chuyển sang dùng loại sữa đắt hơn cho con vì lo ngại sữa rẻ không đảm bảo chất lượng. Một báo cáo cũng cho thấy, khi các hãng sữa tăng giá không hề dẫn đến việc giảm doanh thu mà hoàn toàn ngược lại. Và cách hành xử này là một trong những nguyên nhân chính khiến các công ty sữa không giảm giá khi mà giá nguyên liệu giảm. Họ sợ rằng việc giảm giá sẽ làm “tổn thương” thương hiệu khi người tiêu dùng sẽ hiểu giảm giá đồng nghĩa với kém chất lượng. Nói tất cả điều này để chứng minh một điều chắc chắn và rõ ràng rằng, với thị trường sữa bột như hiện nay của Việt Nam, chính sách quản lý giá bằng cách đăng ký, kê khai giá của Bộ Tài chính sẽ không thể giúp giá sữa giảm như kỳ vọng của cơ quan quản lý khi xây dựng chính sách. Và thực tế cũng đã chứng minh, Thông tư 122 đã đẩy giá tăng thêm một bậc khi các công ty tranh thủ tăng giá trước khi quy định có hiệu lực. Quy định mới cũng đẩy doanh nghiệp vào tình huống phải làm quá nhiều công việc hành chính, tốn rất nhiều chi phí trong khi cơ quan quản lý khó lòng có đủ năng lực giải quyết chính xác một khối lượng thông tin khổng lồ trong cùng một thời điểm. Chính sách nào cho phù hợp? Ông Jonathan Pincus cho rằng vấn đề của thị trường sữa bột tại Việt Nam là người tiêu dùng thiếu thông tin trầm trọng dù thị trường đã cạnh tranh. Một khảo sát của ông Jonathan Pincus và các đồng sự với 25 cửa hàng trong 12 quận, huyện của TPHCM cho thấy, có sự khác biệt rất lớn về giá của các sản phẩm giống nhau giữa các điểm bán khác nhau dù trong một vùng hoặc trong cùng thành phố. Giá tại các siêu thị thì tốt hơn nhiều so với giá tại các cửa hàng bán lẻ. Người tiêu dùng không biết đến đâu để mua được sản phẩm với giá rẻ nhất. Ngoài ra, theo khảo sát của ông Pincus, giá sữa tại Việt Nam không phải thuộc dạng cao nhất thế giới như nhiều người vẫn nghĩ. Giá sữa tại đây vẫn nằm trong khoảng giá trung bình của các nước Đông Á và Đông Nam Á (xem bảng). Vì vậy, chìa khóa để quản lý giá của các sản phẩm sữa tại Việt Nam là giải quyết vấn đề thiếu thông tin trầm trọng của người tiêu dùng. “Một thị trường cạnh tranh có thể hoặc không thể giúp giảm giá sữa tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có giá nguyên liệu sữa nhập khẩu. Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và có khả năng tiếp cận với những sản phẩm có chất lượng cao”, ông Pincus nêu ý kiến.Giải pháp cho vấn đề trên, theo ông Pincus, là thiết lập các tiêu chuẩn an toàn, rõ ràng, chặt chẽ và nâng cao độ tin cậy của công tác thanh tra, kiểm tra đồng thời loại bỏ sự phân biệt về thuế đối với hoạt động quảng cáo và xúc tiến cũng như các trở ngại trong con đường hiện đại hóa lĩnh vực bán lẻ. Cách bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất hiện nay là cung cấp nhiều thông tin hơn về sản phẩm. Đối với các sản phẩm như sữa, việc đánh giá chất lượng hay độ an toàn cần qua một quá trình kiểm định gắt gao. Chính phủ cần ban hành những quy chuẩn về sức khỏe một cách chặt chẽ và công bố những sản phẩm đạt chuẩn cho người tiêu dùng. Còn các nhà sản xuất, muốn chiếm được lòng tin của công chúng thì sẽ phải cung cấp những thông tin, trong đó khẳng định sản phẩm của mình đạt được những tiêu chuẩn về chất lượng. Về hoạt động quảng cáo và khuyến mãi, thay vì không khuyến khích như hiện nay (theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí dành cho quảng cáo không được vượt quá 10% doanh thu), cơ quan quản lý cần phải xóa bỏ rào cản này. Không có quảng cáo hay khuyến mãi, người tiêu dùng sẽ không có những thông tin về đặc tính hay chất lượng của sản phẩm, từ đó sẽ để lại hàng hóa trên giá thay vì mua nó. Còn các doanh nghiệp không thể nhập hàng về mà không đầu tư cho quảng bá thương hiệu. Nếu cấm doanh nghiệp chi tiêu cho quảng cáo thì kết quả là sẽ có ít các sản phẩm trên thị trường. Khi đó giá sẽ càng cao. Cuối cùng, thị trường bán lẻ ở Việt Nam cần phải được hiện đại hóa. Trong một thập kỷ qua, đã có nhiều thay đổi ở Hà Nội và TPHCM về hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thành phố lớn tồn tại thực trạng người tiêu dùng chủ yếu mua bán ở các cửa hàng bán lẻ. Và hậu quả dễ thấy khi thị trường chưa phát triển đồng đều là giá cả thay đổi đáng kể từ nơi này đến nơi khác, ngay cả trong cùng thành phố. Vì vậy, việc phát triển một thị trường bán lẻ hiện đại rõ ràng là cần thiết cho lợi ích của người tiêu dùng.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com