Minh họa: Khều. |
Chưa bàn đến việc xét xử có công bằng hay không, chỉ riêng ở khâu đầu tiên - gửi đơn khởi kiện để được thụ lý, đã là cả đoạn trường gian truân. Trong đó, có những trường hợp đơn khởi kiện bị tòa án từ chối thụ lý nhưng lại thiếu vắng một cơ chế thích hợp để bảo đảm quyền khởi kiện của người dân. Đây là lỗ hổng lớn của pháp luật về tố tụng án hành chính hiện nay.
Theo pháp luật về tố tụng án hành chính, điều kiện đầu tiên để một vụ án hành chính được đưa ra xét xử thì người khởi kiện phải nộp đơn và được tòa án chấp nhận vào sổ thụ lý. Tòa án sẽ xem xét trường hợp khởi kiện có thuộc thẩm quyền xét xử của mình hay không để đi đến một trong hai quyết định: hoặc thụ lý vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện. Đây là một thủ tục tố tụng bình thường như bất kỳ loại án nào khác như dân sự-thương mại, lao động... Thế nhưng, nếu so với đương sự trong vụ án dân sự-thương mại thì người khởi kiện vụ án hành chính có phần thiệt thòi hơn trong việc bảo vệ quyền khởi kiện khi bị tòa án trả lại đơn khởi kiện. Pháp luật về tố tụng án hành chính chỉ quy định một điều khoản rằng trong trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại việc đó với tòa án nơi từ chối đơn kiện trong vòng ba ngày làm việc kể từ ngày bị trả lại đơn kiện (*) . Điều đó có nghĩa, nếu tòa án nơi trả lại đơn kiện vẫn tiếp tục từ chối thụ lý thì đương sự hết cơ may khởi kiện vì luật không quy định cơ chế xem xét khiếu nại ở cấp cao hơn. Trường hợp dưới đây là một điển hình. Năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành một số quyết định thu hồi gần 50 héc ta đất để xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc). Không đồng ý với việc thu hồi đất nói trên, một số hộ dân đã làm đơn khiếu nại và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định giải quyết khiếu nại sau đó. Mặc dù tỉnh thừa nhận có sai sót nhưng việc giải quyết vẫn chưa thỏa mãn nên các hộ dân khởi kiện vụ việc ra tòa án. Việc khởi kiện này là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo cũng như pháp luật về tố tụng án hành chính. Tức là trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của chủ tịch UBND tỉnh, đương sự có quyền: hoặc khiếu nại tiếp lên cơ quan hành chính chuyên ngành cấp cao hơn (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Ngay trong quyết định giải quyết khiếu nại của mình, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có điều khoản hướng dẫn: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này, nếu không đồng ý, ông (bà)... có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh Lâm Đồng”. Thế nhưng, bất ngờ TAND tỉnh Lâm Đồng thông báo trả lại đơn khởi kiện. Tòa cho rằng theo pháp luật về đất đai, UBND tỉnh không có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất đối với cá nhân, hộ gia đình mà thẩm quyền này thuộc về UBND cấp huyện, thị xã. Do đó, đối tượng khởi kiện trong trường hợp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh?! Cách lý giải của tòa rõ ràng là không ổn. Mặc dù vậy, sau khi có khiếu nại TAND tỉnh Lâm Đồng vẫn từ chối thụ lý vụ án. Việc khởi kiện của các hộ dân đến đây coi như bế tắc. Một trường hợp khác là vụ ông V.Đ.H. kiện UBND tỉnh Đồng Nai do đã ban hành một quyết định hành chính liên quan đến phương án bồi thường không đúng pháp luật. Vụ việc này có tình tiết “éo le” là trước đó ông H. đã khiếu nại đến UBND thành phố Biên Hòa và đã được nơi đây giải quyết (đúng ra, cơ quan giải quyết phải là UBND tỉnh Đồng Nai vì đây là cơ quan ban hành quyết định hành chính). Sau đó ông H. khiếu nại tiếp lên UBND tỉnh Đồng Nai và cũng được giải quyết. Do không đồng ý với cách giải quyết của hai cơ quan, ông Hùng đã khởi kiện vụ việc ra tòa. Thế nhưng, TAND tỉnh Đồng Nai đã từ chối thụ lý vì cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Đồng Nai là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Do đó, đơn của ông H. không đủ điều kiện để khởi kiện. Việc trả lại đơn nói trên về hình thức là không sai vì ông H. đã được hai cơ quan hai lần giải quyết khiếu nại (theo quy định, trừ một số trường hợp đặc biệt đương sự chỉ được khởi kiện vụ án hành chính sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu). Tuy nhiên, về mặt thẩm quyền thì cần phải xem xét lại, bởi không thể coi quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thành phố Biên Hòa là lần thứ nhất vì cơ quan này không ban hành quyết định hành chính nên không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Như vậy, phải coi quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Đồng Nai là quyết định lần thứ nhất, tức là thỏa mãn đủ điều kiện để ông H. được khởi kiện vụ án. Điều này cũng phù hợp với hướng dẫn của TAND Tối cao. Tiếc rằng do không có cơ chế xem xét, giải quyết việc trả lại đơn khởi kiện nào khác ngoài tòa án nơi trả lại đơn khởi kiện nên cũng như những trường hợp tương tự khác, ông H. đành phải chấm dứt vụ việc khởi kiện. ___________________________ (*) Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi năm 2006) Dự luật Tố tụng hành chính đang được Quốc hội thảo luận để thông qua có điểm tiến bộ là đã mở ra cơ chế xem xét lại việc trả lại đơn khởi kiện của tòa. Tức là, trong trường hợp không đồng ý với việc trả lại đơn thì người khởi kiện có thể khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn để được xem xét.Có tiến bộ nhưng vẫn hạn chế
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com