Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm mạnh thuế nhập khẩu nhiều loại ôtô tải, trong đó “sốc” nhất là đối với ôtô tải nguyên chiếc có tải trọng dưới 5 tấn giảm từ 80% còn 30%. Đề xuất trên khiến nhiều doanh nghiệp choáng váng. Bộ Công thương ngay lập tức có văn bản “phản pháo”.
Trong văn bản của Bộ Công thương gửi Bộ Tài chính do Thứ trưởng Lê Dương Quang ký cho rằng các loại ôtô nhẹ có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5-10 tấn hiện nay trong nước đã sản xuất được. Các ôtô tải loại này đang sử dụng một số phụ tùng sản xuất trong nước như: ăcquy, săm, lốp, kính, ghế, một số chi tiết cao su, nhựa, sơn, hóa chất... Đối với các loại phụ tùng khác trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu với thuế suất 12-15%. Đa số doanh nghiệp sản xuất ôtô tải trong nước mới được thành lập và đi vào sản xuất trong thời gian 4-5 năm trở lại nên giá thành sản phẩm còn cao, áp lực thu hồi vốn đầu tư lớn.
Do đó, áp dụng mức thuế nhập khẩu hiện hành ở mức cao đối với ôtô tải nguyên chiếc là phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu. Việc Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, cũng như việc lắp ráp sản xuất và đầu tư sản xuất phụ tùng linh kiện trong nước.
Đặc biệt, mức giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc vào thời điểm hiện nay là quá sớm so với lộ trình cam kết của VN với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Trường - vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - khẳng định chưa nhận được văn bản của Bộ Công thương. Tuy nhiên, ông Trường cho biết bộ này vẫn phải tham khảo nhiều cơ quan, đơn vị khác trước khi quyết định có nên giảm thuế nhập khẩu ôtô tải. Theo ông Trường, hiện các nhà sản xuất VN chủ yếu tập trung vào sản xuất một số loại xe tải nhỏ, xe buýt, còn một số loại xe tải lớn chỉ lắp ráp là chính.
Trong khi đó, ôtô tải là mặt hàng đầu vào cho rất nhiều doanh nghiệp vận tải. Ông Trường nhận định việc đi đến quyết định giảm thuế nhập khẩu sẽ vấp nhiều ý kiến trái ngược nhau vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp. “Chúng ta cũng có những mục tiêu rất khác nhau như giảm nhập siêu, tăng sản xuất trong nước với giảm bảo hộ, kích thích cạnh tranh...”. Quan điểm của Bộ Tài chính là nên giảm thuế nhập khẩu ôtô tải như văn bản gửi xin ý kiến, tuy nhiên sẽ cân nhắc làm sao để có quyết định cuối cùng. Theo kế hoạch, việc quyết định mức thuế nhập khẩu ôtô sẽ phải được hoàn thành trong tháng 11-2010 để kịp lộ trình công bố theo cam kết WTO.
Nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp
Ông Bùi Ngọc Huyên, tổng giám đốc Công ty CP ôtô Xuân Kiên Vinaxuki, cho biết vừa có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) phản ứng xung quanh đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính. Trong sáu năm (từ năm 2004 đến nay) công ty đã tăng tỉ lệ đầu tư từ 300 tỉ đồng lên gần 1.000 tỉ đồng, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa từ 15-40% cho từng loại xe.
Theo cam kết đến năm 2018 thuế nhập khẩu ôtô từ các quốc gia ASEAN sẽ giảm còn 50%, tuy nhiên đề nghị của Bộ Tài chính rút ngắn hơn lộ trình này bảy năm, theo lời ông Huyên, là “nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp”, bóp chết ngành công nghiệp phụ trợ non trẻ trong nước.
Theo ông Trần Bá Dương - tổng giám đốc Công ty Trường Hải (Thaco), các doanh nghiệp ôtô trong nước chủ yếu đang sản xuất, lắp ráp các xe từ 20 tấn trở xuống và đang trong quá trình đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao tỉ lệ nội địa hóa (tỉ lệ nội địa hóa với nhiều mẫu đã đạt được mức 40%), công việc này không thể diễn ra nhanh mà cần có thời gian.
Trong số hơn 28.000 xe các loại mà Thaco bán ra trong năm 2009, xe tải nhẹ có nội địa hóa tối đa gần 40% như chi tiết khung gầm, nhíp, thùng xe, đồ nhựa hoặc thay thế bằng composite, ghế... Vì vậy, cần thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện nội địa hóa ở các doanh nghiệp lắp ráp ôtô tải trước khi quyết định giảm thuế như đề xuất của Bộ Tài chính.
(Tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com