Xe lễ tân nhà nước đang được đề xuất cho thuê - Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhận thấy nhiều xe phục vụ lễ tân nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả và cần sửa chữa, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất cho thuê một số xe để phục vụ công tác của các bộ, ngành và xem xét cấp kinh phí hỗ trợ bảo dưỡng xe.
Qua khảo sát, đánh giá thực tế, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sử dụng cũng như một số vướng mắc trong quá trình sử dụng xe ôtô phục vụ lễ tân nhà nước.
Trước đó, theo quy định tại Quyết định số 54/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định mức và thực tế đội xe lễ tân nhà nước được trang bị như sau:
- Nhóm 1: định mức trang bị tối đa 4 xe; thực tế đang có 4 xe Mercedes E280 (3 khoang), sản xuất năm 1994; phục vụ nguyên thủ, phó nguyên thủ quốc gia, chủ tịch quốc hội, thủ tướng chính phủ, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, đại sứ nước ngoài trình quốc thư (Hà Nội có 2 xe, Tp.HCM có 2 xe).
- Nhóm 2: định mức trang bị tối đa 18 xe; thực tế đang có 18 xe Mercedes E280, sản xuất năm 2007; phục vụ phó chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng ngoại giao hoặc tương đương; phu nhân hoặc phu quân của nguyên thủ, phó nguyên thủ quốc gia, chủ tịch quốc hội, thủ tướng chính phủ (Hà Nội có 15 xe, Tp.HCM có 3 xe).
- Nhóm 3: định mức trang bị tối đa 37 xe; thực tế đang có 27 xe Mercedes E200K, sản xuất năm 2007; xe phục vụ các bộ trưởng khác, đoàn viên đoàn cấp cao, đoàn viên các đoàn cấp phó nguyên thủ, thành viên hoàng gia (hoàng tử, thái tử, công chúa..), chủ tịch đảng cầm quyền, các đoàn khách mời mang tính chất nhà nước của bộ, ngành (Hà Nội có 20 xe, Tp.HCM có 7 xe).
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, hiện chất lượng xe nhóm 1 không còn đảm bảo phục vụ các nguyên thủ khi sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2010, Bộ Ngoại giao đã được bố trí kinh phí để mua 4 xe trang bị thay thế. Nhóm xe số 2 và 3 có số lượng nhiều và mới hơn, nhưng lại có tần suất sử dụng xe quá ít. Trong gần 3 năm sử dụng, số km họat động thực tế của hai nhóm xe này chỉ vào khoảng 153 km/xe/tháng với nhóm 2, và 330 km/xe/tháng với nhóm 3, đạt khoảng 50% so với số km được tính trong định mức chi phí đã được phê duyệt.
Tần suất sử dụng ít cộng với khí hậu của Việt Nam có độ ẩm cao nên không thể đảm bảo được kỹ thuật ôtô, xe tự xuống cấp theo thời gian. Hệ thống điện tử công nghệ cao thường xuyên trục trặc khiến đơn vị quản lý xe đã phải tự bù thêm kinh phí ngoài ngân sách để bảo trì, sửa chữa.
Trong khi đó, các bộ, ngành Trung ương, tập đoàn kinh tế và UBND thành phố Hà Nội, Tp.HCM trong nhiều trường hợp đặc biệt lại có nhu cầu sử dụng xe phục vụ công tác đối ngoại, đón tiếp khách quốc tế. Các đoàn khách quốc tế cũng có nhu cầu sử dụng xe tương đương xe lễ tân nhà nước trong quá trình di chuyển, công tác tại Việt Nam.
Vì thế, Bộ Tài chính cùng Bộ Ngoại giao đề nghị Chính phủ cho phép đơn vị quản lý xe là Trung tâm Vận tải đối ngoại V75 và Sở Ngoại vụ Tp.HCM được cho thuê xe thuộc nhóm 2 và nhóm 3, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Đối tượng cho thuê là các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty của nhà nước để phục vụ công tác đối ngoại khi tiếp khách quốc tế, hoặc cho các đoàn khách quốc tế thuê sử dụng trong quá trình công tác tại Việt Nam.
Về nguyên tắc tính giá cước, thì giá cước phục vụ hoạt động chính trị được đề xuất bảo đảm bù đắp các chi phí hoạt động của xe theo quy định, không bao gồm khấu hao cơ bản, sửa chữa lớn tổng thành. Trong khi đó, giá cước cho thuê xe được đề xuất sát với giá thị trường, bao gồm khấu hao cơ bản, sửa chữa lớn tổng thành và các chi phí khác có liên quan.
Số tiền thu được từ việc cho thuê xe, sau khi trừ đi định mức chi phí đã được duyệt, phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đệ trình kiến nghị điều chỉnh một số quy định để cấp kinh phí hỗ trợ kiểm tra và sửa chữa xe cũng như định mức chi phí xe lễ tân nhà nước cho phù hợp.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com