Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm thế nào để Trọng tài Việt Nam là chỗ dựa của doanh nghiệp? (Phần 1)

Pháp luật Việt Nam thừa nhận khá sớm vai trò của Trọng tài trong giải quyết tranh chấp. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, thì trọng tài đã từng được thừa nhận trong pháp luật An Nam từ cuối thế kỷ thứ 19. Chẳng hạn, trong một tranh chấp về đất đai giữa Dương Thị Lành và Võ Văn Thụ, hai bên đã thỏa thuận yêu cầu một chuyên gia nước ngoài làm trọng tài. Liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài, Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã xét rằng “trọng tài được thừa nhận trong pháp luật An Nam” (1).

Pháp luật Việt Nam thừa nhận khá sớm vai trò của Trọng tài trong giải quyết tranh chấp. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, thì trọng tài đã từng được thừa nhận trong pháp luật An Nam từ cuối thế kỷ thứ 19. Chẳng hạn, trong một tranh chấp về đất đai giữa Dương Thị Lành và Võ Văn Thụ, hai bên đã thỏa thuận yêu cầu một chuyên gia nước ngoài làm trọng tài. Liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài, Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã xét rằng “trọng tài được thừa nhận trong pháp luật An Nam” (1).

Hiện nay, văn bản pháp luật quan trọng nhất về trọng tài là Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng “đối với Việt Nam, Trọng tài thương mại trong con mắt của các nhà kinh doanh vẫn coi là còn mới mẻ, chưa phổ biến” (2). So với thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng trước Tòa án thì số lượng tranh chấp giải quyết trước Trọng tài Việt Nam là quá ít. Trong năm 2006, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ giải quyết khoảng hơn 20 vụ tranh chấp.

Tại sao chúng ta lại có một con số khiêm tốn như vậy khi Pháp lệnh Trọng tài năm 2003 đã có hiệu lực? Làm thế nào để Trọng tài thực sự là một phương thức giải quyết tranh chấp bên cạnh Tòa án? Chúng ta có thể tìm được câu trả lời khi phân tích pháp luật thực định của Việt Nam về Trọng tài từ góc độ của những nhà xây dựng văn bản (I) và từ góc độ từ những nhà áp dụng văn bản (II).

I- Những việc nhà xây dựng văn bản nên làm

A- Tăng niềm tin đối với Trọng tài

Một số quy định hiện nay của Pháp lệnh Trọng tài năm 2003 (gọi chung là Pháp lệnh) cho thấy, chúng ta chưa có nhiều niềm tin đối với Trọng tài. Xin dẫn ba trường hợp.

1) Bất đồng về thẩm quyền của Trọng tài

Quyền xác định thẩm quyền. Khi được yêu cầu giải quyết, Trọng tài đánh giá xem mình có thẩm quyền hay không ngay cả khi có một bên phủ nhận thẩm quyền của họ. Bởi theo Khoản 1, Điều 30 Pháp lệnh “trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, nếu có đơn khiếu nại của một bên về việc Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp; vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, Hội đồng Trọng tài phải xem xét, quyết định với sự có mặt của các bên, trừ trường hợp các bên có yêu cầu khác. Bên khiếu nại đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì được coi là đã rút đơn khiếu nại. Hội đồng Trọng tài tiếp tục xem xét giải quyết vụ tranh chấp”. Như vậy, sau khi nghiên cứu, Trọng tài có thể cho là mình có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không.

Can thiệp của Tòa án. Nếu một bên không đồng ý với quyết định của Trọng tài về thẩm quyền thì, “trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng Trọng tài, các bên có quyền yêu cầu Tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định xem xét lại quyết định của Hội đồng Trọng tài. Bên có yêu cầu phải đồng thời thông báo việc này cho Hội đồng Trọng tài” (Khoản 2, Điều 30 Pháp lệnh).

Với quy định trên, nếu Trọng tài cho rằng mình có thẩm quyền thì một bên có thể yêu cầu Tòa án xem lại vấn đề thẩm quyền này. Quyết định của Toà án có thể là khẳng định hay phủ định thẩm quyền của Trọng tài. Và “trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, vụ tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu thì Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp” (Điều 30 Pháp lệnh).

Liên quan đến vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu, chúng ta còn có quy định về hủy quyết định trọng tài. Cụ thể, theo Điều 54, Pháp lệnh thì, Tòa án hủy quyết định trọng tài nếu “không có thoả thuận trọng tài”, “thoả thuận trọng tài vô hiệu”, “vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài”.

Kiến nghị. “Trên thực tế đã xảy ra trường hợp trong khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài, một bên khiếu nại ra Tòa án về vấn đề hiệu lực của thỏa thuận trọng tài cũng như thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Sau khi xem xét, Tòa án ra quyết định (có giá trị chung thẩm) thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp” (3).

Như vậy, theo pháp luật nước ta, khi không đồng ý quyết định của Trọng tài về thẩm quyền thì một bên có thể khiếu nại trước tòa án bằng cách viện dẫn ba lý do trên và việc này có thể mất nhiều thời gian (khoảng 20 ngày nếu tính sơ qua các thời hạn nêu tại Điều 30 của Pháp lệnh). Sau khi Tòa án án chấp nhận thẩm quyền của Trọng tài và khi Trọng tài ra quyết định về nội dung thì một bên vẫn có thể yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài bằng cách viện dẫn các lý do trên. Có thể Tòa án vẫn bác đơn và chấp nhận quyết định của Trọng tài nhưng việc cho phép các bên hai lần khiếu nại cùng một lý do ở hai thời điểm khác nhau (trước và sau khi có quyết định cuối cùng của Trọng tài về nội dung vụ tranh chấp) sẽ làm giảm hiệu quả của hoạt động trọng tài. Đó là cái cớ mà một bên có thể sử dụng nhằm kéo dài vụ việc để không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trong tương lai, sẽ là hợp lý khi chúng ta bỏ những quy định của Điều 30 cho phép các bên yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề thẩm quyền của Trọng tài khi Trọng tài thụ lý giải quyết vụ việc. Về vấn đề này, chúng ta chỉ nên tập trung vào giai đoạn hậu trọng tài, tức là chỉ tập trung vào vấn đề hủy quyết định trọng tài như quy định của Điều 54. Hoặc là chúng ta nên theo hướng chỉ cho phép các bên yêu cầu Tòa án can thiệp khi Trọng tài cho rằng mình không có thẩm quyền. Còn trong trường hợp Trọng tài cho rằng mình có thẩm quyền rồi thì nên đợi đến khi giải quyết vấn đề hủy quyết định trọng tài. Với cách này, chúng ta thể hiện rõ hướng tăng hiệu quả và uy tín của Trọng tài.

2) Danh sách lý do hủy quyết định trọng tài

Điều 54 Pháp lệnh quy định những trường hợp Tòa án được quyền hủy quyết định của Trọng tài Việt Nam, bao gồm 6 trường hợp. Danh sách này nhìn bề ngoài thì không dài nhưng phân tích kỹ thì không phải vậy. Bởi theo Điều 54, Khoản 2, Toà án ra quyết định huỷ quyết định trọng tài nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định trọng tài thuộc một trong các trường hợp “thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này”. Như vậy, liên quan đến hủy quyết định trọng tài, chúng ta không chỉ xem xét các lý do nêu tại Điều 54 mà còn phải xem xét các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu nêu tại Điều 10. Những quy định tại Điều 10 rất dài. Do vậy, danh sách hủy quyết định trọng tài cũng rất dài.

Tương tự, những lý do hủy quyết định trọng tài không chỉ giới hạn ở những trường hợp đã nêu cụ thể tại Điều 54 mà cả những quy định của Điều 13. Bởi theo Khoản 5, Điều 54: “Toà án ra quyết định huỷ quyết định trọng tài nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp có Trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của Trọng tài viên quy định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh này”. Những quy định của Điều 13 có phạm vi tương đối rộng nên danh sách của Điều 54 được kéo dài thêm. Cụ thể, theo Điều 13, khoản 2, “Trọng tài viên có các nghĩa vụ sau đây: a) Tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này; b) Vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ tranh chấp; c) Từ chối giải quyết vụ tranh chấp trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh này; d) Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết; đ) Không được nhận hối lộ hoặc có hành vi khác vi phạm đạo đức Trọng tài viên”. Như vậy, Điều 54 dẫn đến Điều 13 mà trong Điều 13 chúng ta thấy Trọng tài có nghĩa vụ “tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này”. Với cách quy định đó thì chỉ cần Trọng tài không tuân thủ một trong các quy định của Pháp lệnh, quyết định của họ có thể bị hủy mà những quy định này trong Pháp lệnh thì rất nhiều. Do đó, bên không chấp nhận quyết định trọng tài có thể viện dẫn nhiều lý do để xin hủy quyết định trọng tài và, ở đây, Tòa án buộc phải xem xét. Ví dụ, theo Điều 40 Pháp lệnh, “bị đơn đã được triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không tham dự phiên họp không có lý do chính đáng hoặc bỏ phiên họp mà không được Hội đồng Trọng tài đồng ý thì Hội đồng Trọng tài vẫn tiến hành giải quyết vụ tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có”. Như vậy, Trọng tài có thể giải quyết tranh chấp vắng mặt bị đơn khi bị đơn “không tham dự phiên họp không có lý do chính đáng”. Điều đó cũng có nghĩa là Trọng tài không thể giải quyết tranh chấp vắng mặt bị đơn khi bị đơn “không tham dự phiên họp” nhưng “có lý do chính đáng”. Việc không tuân thủ quy định này có thể dẫn đến hủy quyết định trọng tài.

Ví dụ, trong vụ tranh chấp giữa Công ty Nghệ An và Công ty Summit, theo Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao, “về việc Hội đồng trọng tài ra Phán quyết trọng tài trong khi bị đơn (có đơn kiện lại) vắng mặt, thì: sau khi ông Nam, người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Summit, xin hoãn phiên họp ngày 06/5/2005 với lý do có hai giấy triệu tập của Tòa án vào ngày 05 và 06/5/2005 nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp nhận, thì ông Nam đã có văn bản xin khước từ làm đại diện cho Summit tại phiên họp 06/5/2005 để tham gia phiên tòa của Tòa án. Đồng thời, Summit có văn bản đề nghị hoãn vì không kịp ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp ngày 06/5/2005. Như vậy, những lý do xin hoãn phiên họp ngày 6/5/2005 từ phía Summit là có lý do chính đáng. Hội đồng trọng tài đã tổ chức phiên họp vắng mặt bị đơn là vi phạm Điều 40 và Điều 29 Pháp lệnh về Trọng tài thương mại”. Từ đó, “căn cứ vào khoản 5, Điều 54 Pháp lệnh về trọng tài thương mại, “Tòa án quyết định hủy Quyết định Trọng tài thương mại của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam” (4).

Kiến nghị. Phần trình bày trên cho thấy danh sách những trường hợp hủy quyết định trọng tài là rất dài. Bất kỳ sơ suất nào của Trọng tài cũng có thể làm cho quyết định của họ bị hủy. Điều đó cho thấy, chúng ta quá nghi ngờ Trọng tài. Đây là một lý do không nhỏ làm nản lòng những ai muốn đưa tranh chấp ra Trọng tài. Do đó, khi xây dựng Luật Trọng tài, chúng ta nên rút bớt danh sách của Điều 54, tức là chúng ta tăng niềm tin vào Trọng tài. ở Pháp, các nhà lập pháp đã giới hạn những trường hợp hủy quyết định trọng tài như trường hợp không công nhận quyết định trọng tài nước ngoài. Họ đánh giá giống nhau các quyết định của trọng tài nước ngoài và các quyết định trọng tài trên đất Pháp, trong khi đó những lý do không công nhận quyết định trọng tài nước ngoài lại rất ít. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học mà chúng ta nên tham khảo. ít ra thì chúng ta không nên đối xử với quyết định của Trọng tài Việt Nam khắt khe hơn quyết định trọng tài nước ngoài.

3) Hậu quả của việc hủy quyết định trọng tài

Văn bản. Theo Khoản 6, Điều 53 Pháp lệnh, “trong trường hợp Hội đồng xét xử huỷ quyết định trọng tài, nếu không có thoả thuận khác thì các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án”. Như vậy, khi quyết định trọng tài bị hủy thì các bên chỉ có hai lựa chọn. Một là tiếp tục giải quyết vụ việc qua con đường trọng tài và lúc đó phải “có thỏa thuận khác”. Khả năng này rất khó xảy ra vì khi các bên đã đưa vụ việc ra trước Trọng tài và đưa quyết định trọng tài ra trước Tòa án thì các bên khó có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận nào nữa (5). Lúc này, các bên chỉ còn cách là đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án nếu bất đồng vẫn không thể tự giải quyết được.

Phân tích. Quyết định trọng tài có thể bị hủy bởi nhiều lý do. Loại lý do thứ nhất liên quan đến thỏa thuận trọng tài. Đó là trường hợp “không có thoả thuận trọng tài”, “thoả thuận trọng tài vô hiệu”, “vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài”. Ngoài ra, chúng ta còn các lý do khác là “thành phần Hội đồng Trọng tài, tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên”, “trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của Trọng tài viên”, “quyết định trọng tài trái với lợi ích công cộng của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong vụ tranh chấp giữa Công ty Nghệ An và Công ty Summit, các bên đưa tranh chấp ra trọng tài theo thỏa thuận. Nhưng sau đó quyết định trọng tài bị hủy. Từ đó, Công ty Nghệ An đã khởi kiện trước Tòa án. Theo Tòa án, “sau khi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao hủy quyết định của Hội đồng trọng tài VIAC thì Công ty Nghệ An đã thực hiện theo đúng hướng dẫn trong quyết định nói trên là “các bên có quyền đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án” phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 53 Pháp lệnh Trọng tài thương mại” (6). ở đây, quyết định trọng tài bị hủy do trọng tài vi phạm tố tụng trọng tài và không có thông tin nào của bản án cho phép nói rằng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu nhưng các bên không còn cơ hội giải quyết trước trọng tài; khi họ có tranh chấp thì chỉ còn cách giải quyết trước Tòa án và họ đã làm như vậy.

Kết quả này đi ngược lại với ý chí của các bên, đi ngược lại với quyền tự định đoạt của họ thông qua thỏa thuận trọng tài. Đối với những trường hợp dẫn tới hủy quyết định trọng tài không do lỗi của các bên như trường hợp trọng tài vi phạm tố tụng thì tại sao lại buộc họ phải chịu sự chi phối của Tòa án? Một bên không thích giải quyết trước trọng tài mặc dù có thỏa thuận có thể tìm cách để trọng tài mắc sai lầm, rồi xin hủy quyết định trọng tài và yêu cầu Tòa án can thiệp. Với hướng giải quyết như hiện nay, chúng ta tăng sự không lành mạnh trong giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, Hội đồng Trọng tài này mắc sai lầm dẫn đến việc hủy quyết định trọng tài không nhất thiết là Hội đồng khác sẽ cũng mắc sai lầm để dẫn đến hủy quyết định trọng tài như trước. Do vậy, cách quy định như hiện nay là không hợp lý.

Kiến nghị. Thiết nghĩ, chúng ta nên phân biệt hai trường hợp. Khi việc hủy quyết định trọng tài xuất phát từ thỏa thuận trọng tài và “nếu không có thoả thuận khác thì các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án”. Còn khi việc hủy quyết định trọng tài xuất phát từ lý do khác thì giữa các bên vẫn tồn tại một thỏa thuận trọng tài hợp pháp. Do đó, chúng ta cần phải tôn trọng. ở đây, nếu vẫn có tranh chấp, các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài như đã thỏa thuận.

(Theo TS. Đỗ Văn Đại // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Phòng, chống rửa tiền: kinh nghiệm của các nước và bài học cho Việt Nam
  • Dự thảo Luật thuế môi trường: Năm nhóm hàng bị áp thuế
  • Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan : Tiếp tục... cắt giảm
  • Giá sữa có giảm trong thời gian tới?
  • Các biện pháp phòng vệ chống bán phá giá, chống trợ cấp : VN sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện
  • Dự thảo luật Công đoàn: Chủ DN... bị ép!
  • Khắc phục những bất cập trong quản lý phương tiện đường thủy nội địa
  • Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế: Doanh nghiệp còn lúng túng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%