Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lấp kẽ hở pháp luật

Lao động phổ thông Trung Quốc trên công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ảnh: QUANG CHUNG.

Cánh cửa cho lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam sẽ hẹp hơn khi áp dụng Nghị định 46 (từ 1-8-2011). Đó là quy định của pháp luật còn điều đó có diễn ra trên thực tế hay không là do năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Gần đây ở một số tỉnh của nước ta xuất hiện nhiều “khu phố Tàu” bên cạnh những dự án lớn do nhà thầu Trung Quốc thi công. Con đường trước dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm tấp nập lao động phổ thông nước ngoài vào giờ “tan ca”. Cửa hàng, quán ăn dành cho người Trung Quốc (biển hiệu toàn chữ Tàu) đã “mọc lên” tại đây để đáp ứng nhu cầu... thị trường.

Ở dự án bauxite Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Dak Rlấp, tỉnh Dak Nông) tình hình cũng tương tự. Hàng trăm lao động Trung Quốc đang làm việc tại đây đã tạo nên các “khu phố Tàu”. Còn ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... đi kèm các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đạm do nhà thầu Trung Quốc thi công là hàng ngàn công nhân Trung Quốc. Họ sống và sinh hoạt theo văn hóa của họ nên các “khu phố Tàu” cứ thế mà hình thành.

Kẽ hở pháp luật

Đợt khảo sát mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phát hiện hàng chục ngàn lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dù không có giấy phép lao động. Bộ này cho rằng, do quy định chưa đầy đủ về việc người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các dự án mà nhà thầu nước ngoài trúng thầu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Phần lớn lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc không phép đều bằng thị thực du lịch hoặc được khai báo là có kinh nghiệm trong nghề nghiệp nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Hơn nữa, khi phát hiện lao động nước ngoài không có giấy phép thì cũng chưa có những quy định cụ thể về việc trục xuất họ khỏi Việt Nam.

Báo cáo mới nhất của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố cho thấy lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang tăng nhanh. Nếu như số lượng lao động nước ngoài tăng đều từ năm 2008 đến 2010 (năm 2008 có 52.633 lao động; năm 2009 có 55.428 lao động; năm 2010 có 56.929) thì năm 2011 này số lượt lao động tăng đột biến (hiện nay có hơn 74.000 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam).

Trước tình hình đó, ngày 17-5-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 734 về chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC; trong đó yêu cầu các dự án, gói thầu được triển khai trong thời gian tới phải nghiêm chỉnh thực hiện việc sử dụng và quản lý lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động trên các công trường.

Cùng với chỉ thị của Thủ tướng, từ ngày 1-8 tới, Nghị định 46 sẽ có hiệu lực thì những kẽ hở pháp luật về vấn đề lao động phổ thông nước ngoài được bít lại.

Lấp kẽ hở

Theo Nghị định 46, người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam, thì:

(i) Trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện. Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.

(ii) Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu nước ngoài phải có phương án sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo yêu cầu của chủ đầu tư.

(iii) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan để giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài.

(iv) Nhà thầu nước ngoài phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật trước khi người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

(v) Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trừ các đối tượng quy định tại khoản 1 điều 9 Nghị định 46 mà chưa được cấp giấy phép lao động thì phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại nghị định này.

Tuy quy định là như vậy nhưng pháp luật được thực thi nghiêm túc đến đâu còn tùy các cơ quan thừa hành.

Không nên gây khó cho doanh nghiệp

Theo Nghị định 46/2011/NĐ-CP, trường hợp người nước ngoài muốn gia hạn giấy phép lao động thì ngoài những giấy tờ quy định trước đây nay còn phải bổ sung thêm bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa doanh nghiệp và người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm.

Quy định này hướng đến việc bắt buộc các doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao trình độ tay nghề và ưu tiên sử dụng lao động trong nước nhằm thay thế dần lao động nước ngoài. Mục tiêu có thể là tốt nhưng trong một số trường hợp quy định như trên sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Ví dụ, đối với những vị trí quản lý cấp cao hoặc những công việc mà trong tương lai doanh nghiệp chưa thể tìm được người lao động Việt Nam thay thế thì làm sao ký hợp đồng học nghề để đưa vào hồ sơ gia hạn? Với việc bắt buộc như vậy, tôi e quy định này sẽ khó khả thi và chỉ mang tính hình thức.

(LS. Trịnh Thu Hảo, Công ty Luật P&P)
 
Nghị định 46 dưới mắt người nước ngoài

“Đây rõ ràng là sự bảo vệ cho thị trường lao động trong nước”, ông Eckart Dutz, Tổng giám đốc Cartridge World - người đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm - nhận xét về Nghị định 46. Vị tiến sĩ kinh tế này không đồng ý rằng bất cứ biện pháp thắt chặt nào từ Chính phủ là cần thiết cho thị trường lao động trong nước. “Lao động nước ngoài không cạnh tranh trực tiếp với lao động trong nước”, ông Dutz giải thích lý do tại sao ông cho rằng chính sách thắt chặt này không hiệu quả. “Tự bản thân thị trường sẽ chọn người nào họ muốn”.

Ông Dutz hiểu chính sách này nhằm bảo vệ lao động trong nước nhưng ông cho rằng nó sẽ làm chậm lại nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Glenn Cassells, Tổng quản lý của sân golf Ocean Dunes, lại có ý kiến khác. Ông cho rằng những nghị định hay điều luật liên quan đến quản lý đầu tư nước ngoài và lao động nước ngoài như thế này của Chính phủ là chấp nhận được. Theo ông, nghị định này cũng không đến nỗi quá khắt khe nếu đem so sánh với những quy định ở Úc - quê hương ông.

Có điều cả hai doanh nhân này đều cho rằng nên thúc đẩy hơn nữa sự tương tác giữa lao động trong nước và nước ngoài.

Ông Dutz chỉ ra rằng lực lượng lao động nước ngoài sẽ đem lại nhiều kỹ năng và kinh nghiệm quốc tế được cho là rất có ích đối với sự phát triển của lao động trong nước. Để rồi cuối cùng lao động trong nước sẽ tự đứng trên đôi chân của mình và sau đó là nắm giữ các vị trí quan trọng trong các công ty nước ngoài.

Cuối cùng, hai doanh nhân này chia sẻ kinh nghiệm: lao động trong nước nên trang bị cho mình đầy đủ kinh nghiệm quốc tế để chuẩn bị cho sự cạnh tranh toàn cầu và gần nhất là với lao động của các quốc gia lân cận.

(Jasmin Yiu - Winnie Yiu)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Giá đất vẫn là một câu hỏi
  • Cân nhắc việc tham gia công ước vận tải biển
  • Hoàn thuế GTGT : Vướng vì... khu chế xuất ?
  • “Bóp méo” luật, “sáng tác” điều lệ công ty tại Haiphong Shipchanco
  • Xử lý hàng tồn đọng: Cần đúng người đúng việc
  • Cần luật hóa công bố thông tin
  • Không cào bằng miễn giảm thuế doanh nghiệp
  • Vụ truy thu thuế với các liên doanh ôtô : Trách nhiệm và cách xử lý
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%