Trong rất nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ, hoặc lấy ý kiến của giới doanh nghiệp, không ít người đã thẳng thắn nói “những gì được viết ra bởi những người ngồi đút chân dưới gầm bàn trong phòng máy lạnh thì cần phải soi xét rất cẩn thận”.
Điều này xuất phát từ thực tế một số văn bản pháp quy và các văn bản hành chính cách xa thực tế đã và đang làm khó cho doanh nghiệp và cả cơ quan thực thi pháp luật.
Ý kiến của Ban Pháp chế Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam và thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa thật hoàn thiện, nhưng đã “phủ kín” hầu hết các lĩnh vực.
Tuy thế, thực tiễn hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước ở nhiều cấp chính quyền không phù hợp với “luật chơi” của thị trường. Đương nhiên có nhiều việc Nhà nước cần phải theo chức năng của mình, song trong nhiều trường hợp Nhà nước lại không làm hoặc làm không đầy đủ.
Trong khi đó, Nhà nước lại can thiệp vào vai trò chức năng của các chủ thể khác. Một khi không xác định được rõ chức năng, nhiệm vụ của mình ở từng cấp, từng ngành trong quản lý thị trường, thì không thể quản lý có hiệu quả sự vận động của thị trường. Ở cấp độ quản lý kinh tế vĩ mô, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là gì? Đó là định hướng mục tiêu phát triển, dự báo tình hình biến động của thị trường, kiểm soát độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…
Theo các chuyên gia kinh tế, cần phải thay đổi thói quen can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, mà cần sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp để điều tiết thị trường. Bởi vì chính các công cụ gián tiếp mới mang lại hiệu quả quản lý Nhà nước phù hợp với “luật chơi” kinh tế thị trường. Quản lý Nhà nước nền kinh tế thị trường chính là tạo ra khuôn khổ pháp luật phản ánh được mục tiêu, ý muốn chủ quan của Nhà nước. Can thiệp hành chính tức là đưa ra những văn bản chưa đạt đến cấp độ của văn bản pháp quy.
Theo thống kê, hiện nay mức độ ban hành các văn bản hành chính ở các cấp, các ngành nhiều hơn rất nhiều so với trước, không chỉ làm “nhụt chí” các doanh nghiệp mà còn “hành xác” họ. Thị trường tự thân nó là thị trường cạnh tranh và phát triển theo quy luật. Các văn bản hành chính tức là các mệnh lệnh hành chính, không có giá trị pháp lý, bất ngờ, đột biến gây khó khăn, phức tạp và rắc rối cho doanh nghiệp.
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam, dẫn ra hình ảnh so sánh, nhiều khi “đường bóng” thiếu chuyên nghiệp của nhà quản lý và tiếng còi của trọng tài không công minh khiến cho cuộc chơi thiếu công bằng, minh bạch gây bất lợi cho chính đội nhà ngay trên sân nhà, chứ chưa nói tới đấu trường quốc tế. Một ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khuyến nghị, cần đổi mới nội dung và phương thức xác định các chỉ tiêu kinh tế-xã hội hiện nay theo hướng chuyển từ tính chất pháp lệnh sang tính chất chỉ dẫn. Ví như các vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động vốn đầu tư, chỉ số tăng giá… mang tính chất dự báo để định hướng. Không cần và cũng không nên xem đó là những trói buộc trong điều hành nền kinh tế thị trường.
Hiện đang tồn tại hai quan điểm trái chiều nhau: Nhà nước nhỏ, thị trường lớn hay Nhà nước lớn, thị trường nhỏ? Vấn đề không phải là Nhà nước lớn hay thị trường lớn mà ở chỗ Nhà nước can thiệp vào thị trường như thế nào, không làm cho thị trường méo mó, đảm bảo “luật chơi” của thị trường. Mọi cuộc khủng hoảng trên thế giới đều có nguyên nhân từ sự yếu kém trong vai trò điều tiết của Nhà nước.
(Báo An ninh Thủ đô)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com