Hai dự án luật được coi là sẽ có tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế xã hội đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến trong ngày 23-7. Đó là dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Thuế khác phí bảo vệ môi trường
Hoạt động xuất khẩu than tại Công ty tuyển than Cửa Ông (Quảng Ninh). Ảnh: K.P |
Mặc dù còn có những băn khoăn về ranh giới không rõ ràng giữa thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và phí BVMT, song đại diện cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Thuế BVMT kiên trì quan điểm, phí BVMT áp dụng đối với quá trình sản xuất ra hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, trong khi thuế BVMT “đánh” vào hành vi tiêu thụ sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì thế, có khi một loại sản phẩm chỉ phải chịu thuế mà không phải chịu phí hoặc ngược lại; lại cũng có trường hợp phải chịu cả phí lẫn thuế. Dựa trên nguyên tắc này, khi áp dụng thuế BVMT sẽ bỏ quy định về thu phí xăng, dầu, song mặt hàng khác như than vẫn tiếp tục chịu cả phí và thuế BVMT.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi tán thành sự phân định này, nhưng cũng yêu cầu làm rõ: cùng một mặt hàng nhưng trong quá trình sản xuất gây ra ô nhiễm ít thì chịu phí thấp và ngược lại; nghĩa là “phí thực chất đánh vào công nghệ được áp dụng. Công nghệ lạc hậu, chất thải gây ô nhiễm lớn thì phải chịu phí cao”.
Về đối tượng chịu thuế, tuy hoàn toàn thống nhất với 5 nhóm đối tượng đã được nêu trong dự thảo luật, song nhiều thành viên trong UBTVQH yêu cầu mở rộng thêm một số đối tượng chịu thuế khác, đặc biệt là thuốc lá và thuốc diệt cỏ. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước... tán thành áp dụng điều khoản “quét”, theo đó, khi xét thấy cần thiết thì căn cứ vào đề xuất của Chính phủ, UBTVQH sẽ quyết định việc bổ sung thêm những đối tượng chịu thuế mới.
Được mời phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đề nghị “mở từ từ” đối với các nhóm đối tượng chịu thuế và cho biết, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong việc đánh thuế BVMT. Ông Ninh cũng đề nghị không nên quy định về phân chia nguồn thu từ thuế BVMT giữa trung ương và địa phương ngay trong luật này, vì tất cả các sắc thuế hiện nay đều không ghi rõ tỷ lệ phân chia nguồn thu, mà thống nhất thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước.
Siết lại cấp phép khai thác khoáng sản
Tình trạng khai thác đá quắc zít trái phép tại Lào Cai đang hủy hoại môi trường. |
Theo báo cáo tiếp thu về dự án Luật Khoáng sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ giữ nguyên thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và giấy phép khai thác tận thu của UBND cấp tỉnh; bỏ quy định giao cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản ở những khu vực ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước và ngoài khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia. Đồng thời, điều chỉnh theo hướng tăng cường sự quản lý của trung ương trong việc cấp phép: đối với các diện tích khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ chỉ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép (thăm dò, khai thác khoáng sản) ở các khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố...
Liên quan đến việc chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, “sẽ chỉ cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân có được thông qua đấu giá hoặc dự án đã có đầu tư nhất định trên thực địa. Đối với tổ chức, cá nhân khác có giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng chưa có đầu tư trên thực địa, nếu không tiếp tục thực hiện thăm dò, khai thác thì Nhà nước ra quyết định thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu và có năng lực thực sự”, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đồng ý với quan điểm này, nhưng yêu cầu làm rõ các quy định để tránh “đấu giá thật nhưng làm giả”. Ông Thuận cảnh báo về khả năng xuất hiện những nhà đầu tư “chỉ làm mấy cái cọc cho gọi là có đầu tư rồi kiếm lý do chuyển nhượng cho người khác”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng tán thành việc đấu giá thăm dò, khai thác khoáng sản để tránh tình trạng xin - cho và chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất, nhưng lưu ý: “Cấm hẳn việc chuyển nhượng thì cứng nhắc nhưng không thể dễ dàng cho chuyển nhượng mà phải đảm bảo 2 điều kiện là dự án đã qua đấu giá và có đầu tư nhất định tại dự án đó”.
(Theo ANH PHƯƠNG // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com