Ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 33 cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự.
Ảnh minh họa |
Theo tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 126 điều của Bộ Luật tố tụng dân sự với nhiều nội dung mới như đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án, xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản, công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở…
Theo tờ trình, cần thiết phải quy định trình tự xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, tiêu chí xác định vụ án để giải quyết theo thủ tục đơn giản và vấn đề hiệu lực của bản án, quyết định giải quyết theo thủ tục đơn giản vẫn có các quan điểm khác nhau.
Theo Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, quy định của dự thảo Luật về thủ tục đơn giản chưa thể hiện rõ được tính chất khác biệt cơ bản giữa thủ tục tố tụng dân sự đơn giản và thủ tục tố tụng dân sự thông thường.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, theo quy định như dự thảo Luật, thủ tục đơn giản chỉ rút ngắn về thời gian xét xử vụ án mà chưa thể hiện được tính đặc thù của các thủ tục tố tụng.
Do đó, nếu bổ sung quy định thủ tục đơn giản như trong dự thảo Luật thì phải bảo đảm được các yêu cầu đơn giản về trình tự tố tụng, thành phần xét xử vụ án.
Quy định về án lệ cũng có một số ý kiến khác nhau. Theo tờ trình, việc đưa án lệ vào công tác xét xử với mục đích khi xét xử, thẩm phán phải có trách nhiệm tham khảo bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án cấp trên để gải quyết vụ việc tương tự nhằm bảo đảm tính thống nhất và tránh mắc sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng mục đích này không phù hợp vì hệ thống pháp luật của ta liên tục được sửa đổi, trong khi các văn bản pháp luật hiện hành chưa công nhận án lệ là một trong các nguồn luật để được áp dụng trong họat động xét xử ở nước ta. Không phải bất kỳ bản án nào của Tòa án cấp trên cũng được coi là án lệ và buộc Tòa án cấp dưới phải tham khảo khi tiến hành xét xử.
Bên cạnh đó, nếu đưa án lệ vào, phải điều chỉnh cả hệ thống pháp luật, chưa kể việc áp dụng án lệ còn phụ thuộc vào cả văn hóa, trình độ.
Ngoài ra, một số vấn đề như thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác; việc công nhận kết quả hòa giải cơ sở, các nguyên tắc đảm bảo quyền tranh tụng, vấn đề cung cấp, giao nộp chứng cớ cũng được các đại biểu thảo luận.
Dự án Luật sử đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự dự kiến sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp tới của Quốc hội.
(Theo Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com