Phạm nhân Artalyta Suryani trong căn phòng “5 sao” tại nhà tù Pondok Bambu - Ảnh: AFP |
Chuyện này không lạ trong hệ thống nhà tù ở Indonesia. Từ nhiều năm rồi, những đồn đãi rằng người có tiền ở tù “sướng như tiên” đã râm ran. Gần đây, lại có than phiền rằng trong nhà tù nữ Pondok Bambu ở phía đông thủ đô Jakarta có 5 tù nhân sống rất sung sướng và tự do, trong khi những người khác chịu điều kiện tồi tệ và nhục hình thường xuyên.
Tù nhân thượng đẳng
Nhóm đặc nhiệm do Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono lập ra để điều tra những cáo buộc tham nhũng trong hệ thống tư pháp, nôm na gọi là “mafia tư pháp”, đã bất ngờ viếng thăm nhà tù Pondok Bambu tối chủ nhật 10.1 và đưa ra ánh sáng một sự thật khó tin. Trong khu nhà giam, ở tầng 3 có một căn phòng rộng 64m2, có máy lạnh, tủ lạnh, giường nệm phủ da, bàn làm việc có máy tính, tivi màn hình phẳng, nhà tắm, nhà bếp, thiết bị chăm sóc sắc đẹp, cùng một người giúp việc. Đó là phòng riêng của nữ tù Artalyta Suryani. Doanh nhân Artalyta, 44 tuổi, bị kết án 5 năm tù hồi tháng 8.2008 sau khi bị bắt quả tang làm trung gian đưa hối lộ 660.000 USD cho một công tố viên cấp cao tại Văn phòng tổng chưởng lý, nhằm làm khép lại cuộc điều tra việc biển thủ tiền nhà nước tại Ngân hàng Dagang Negara Indonesia.
Chưa hết, bà Artalyta có cả xe hơi riêng đỗ trong nhà xe của trại giam và từng hai lần đánh xe ra ngoài gặp nha sĩ và thăm bà con. Không chỉ các nhân viên của Artalyta vô tư ra vào nhà tù báo cáo công việc với bà hằng ngày, khách hàng cũng đến gặp bà tại đây. Khi tổ đặc nhiệm xuất hiện, Artalyta đang được một chuyên gia sắc đẹp chăm sóc da mặt trong căn phòng sang trọng, thay vì ở trong phòng giam cùng các nữ tù khác. Còn ở tầng hai, tù nhân án ma túy Liem Marita - biệt danh Aling - cũng nhàn nhã với căn phòng có máy lạnh, tivi và cả dàn karaoke. Còn 3 tù nhân thượng đẳng khác cũng phạm tội tham nhũng.
Đày đọa có hệ thống
Báo Jakarta Post trong bài xã luận Đằng sau những bức tường nhà tù ngày 13.1 nói rằng sự thật được phơi bày ở Pondok Bambu “không có gì đáng ngạc nhiên”, chẳng qua đây là lần đầu tiên người ta tận mắt nhìn thấy các “tù nhân thượng đẳng” hưởng thụ xa xỉ thế nào thôi. “Đã có nhiều cáo buộc rằng rất nhiều tội phạm có máu mặt, đặc biệt phạm tội tham nhũng, thậm chí muốn vào ra nhà tù bất cứ lúc nào họ muốn”, báo này viết.
Tạp chí Tempo, đã thực hiện phóng sự điều tra về nhà tù Pondok Bambu, từng phản ánh rằng tù nhân Aulia Pohan, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương đồng thời là bố vợ con trai cả của đương kim Tổng thống Yudhoyono, cũng được những đối xử đặc biệt tại nhà tù Kelapa Dua ở tỉnh Tây Java. Còn con trai cố Tổng thống Suharto, “Tommy" Suharto, bị tòa án tối cao kết án 15 năm tù vì tội giết người, thì có đến 4 bể cá cảnh cùng một nhóm phụ tá trong nhà tù, và chỉ thụ án 1/3 thời gian.
Ngược lại, những tù nhân không có tiền để mua sự yên ổn trong nhà tù thì bị “đày đọa một cách có hệ thống”, một cựu tù ở trại giam Salemba ở trung tâm thủ Jakarta kể. Với tên Mr X và bịt kín mặt, cựu tù nhân này đã xuất hiện trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia MetroTV hôm 12.1, kể về sự thật trong trại giam: “Có những tên tù mà chúng tôi gọi là “tamping” (đàn anh). Công việc của họ là chỉ điểm cho đội gác những tù nhân mới. Khi mới vào, tôi bị xin tiền. Tôi không có đồng nào. Kết quả thật đau đớn, tôi bị đánh mỗi ngày”.
Sau đó, Mr X tham gia nhóm “đàn anh” và đi thu phí các tù nhân, đủ loại phí trên đời: “Chỉ riêng phí an ninh, mỗi ngày bọn tôi thu được từ 500 ngàn đến 1 triệu rupiah (1 – 2 triệu đồng), rồi chia nhau với người gác trại. Còn những tiện nghi khác, ai cần gì chúng tôi cung cấp nấy. Có tiền là có tất”. Người này còn cho biết phí sử dụng máy lạnh là đắt nhất, 2 triệu rupiah/tháng, nhưng có thể thương lượng. “Có khi chính chúng tôi chào hàng với tù nhân về những tiện nghi”, Mr X kể thêm.
Hai sự thật được phơi bày ở trên đã làm chấn động nền tư pháp Indonesia vốn gần đây được khen ngợi là có nhiều tiến bộ. Tổng thống Yudhoyono lập tức yêu cầu Bộ Tư pháp và Nhân quyền kiểm tra lại các thông tin và xử lý. Bộ trưởng Patrialis Akbar hôm 12.1 đã cách chức trại trưởng nhà tù Pondok Bambu, đồng thời hứa sẽ luân chuyển cán bộ nhà tù trên toàn quốc, tránh để những người này tại vị quá lâu ở một nơi để “dựng nên cả vương quốc của mình ngay trong nhà tù”.
Tuy vậy, những động thái trên được cho là thiếu tính quyết liệt. Người ta thắc mắc tại sao ông Yudhoyono không chỉ đạo cảnh sát hay chính Ủy ban Loại trừ tham nhũng để điều tra toàn diện các nhà tù. Còn Bộ trưởng Tư pháp Patrialis thì chỉ hứa hẹn sẽ điều tra vụ việc. Chính giám đốc bộ phận sửa đổi luật lệ của bộ này đã bào chữa rằng, những tiện nghi dành cho “tù nhân thượng đẳng” là bình thường và không vi phạm luật lệ nào.
Báo Jakarta Post trong bài xã luận của mình đã nhận định: “Vụ việc rồi sẽ sớm chìm xuồng, trong khi tập quán “thượng đẳng” rồi sẽ tái diễn trước khi người ta tiếp tục phát hiện ra trong lần tới”.
(Theo Thanhnien Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com