Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xây dựng chợ Cầu Vồng - Hải Phòng: Liệu có...“đứt gánh”?

Các tiểu thương có kiot kinh doanh mặt tiền chợ Cầu Vồng không chịu di dời

Xây dựng mới chợ Cầu Vồng đã cũ nát, xập xệ là chủ trương của các cấp chính quyền TP Hải Phòng. Nhưng sau hơn 1 năm thực hiện, dự án này đang mắc ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB)... Chính quyền không biết đến bao giờ GPMB xong, chủ đầu tư thì phập phồng lo lắng...

Chợ Cầu Vồng được hình thành từ những năm 1990 theo Quyết định số 336-QĐ/UB của UBND TP Hải Phòng giao cho UBND thị xã Đồ Sơn (nay là Q Đồ Sơn) 5.682 m2 đất để xây dựng chợ. Đến thời điểm này, chợ đã xập xệ, cũ nát, không phù hợp với quá trình phát triển đô thị và không đáp ứng nhu cầu du lịch. Theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, UBND TP Hải Phòng thực hiện công tác xã hội hoá loại hình kinh doanh chợ chuyển đổi mô hình từ BQL chợ sang DN theo hình thức đấu thầu quản lý và khai thác chợ, cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) “Xây dựng và quản lý kinh doanh, khai thác chợ Cầu Vồng” cho Cty CPTM Hải Hưng Thịnh với thời hạn 50 năm.

Vướng GPMB

Việc xây dựng mới lại chợ Cầu Vồng được đa số tiểu thương đang kinh doanh tại chơ ủng hộ. Tuy nhiên cho đến nay, đã gần 4 tháng kể từ ngày UBND TP Hải Phòng ra Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 21/4/2011 về việc thu hồi đất tại phường Vạn Sơn - Đồ Sơn để giao cho Cty CPTM Hải Hưng Thịnh làm chủ đầu tư xây dựng mới và khai thác vẫn chưa thể GPMB, và đến nay UBND quận Đồ Sơn chưa giao nổi mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Theo Giấy CNĐT số 02121000318 do UBND TP Hải Phòng cấp cho Cty CPTM Hải Hưng Thịnh làm chủ đầu tư “Xây dựng và quản lý kinh doanh, khai thác chợ Cầu Vồng”, tổng kinh phí đầu tư dự án là 58 tỉ VND với diện tích 5.379 m2, xây chợ Cầu Vồng đạt quy mô chợ loại 2 bao gồm chợ chính cao 3 tầng, các khu nhà 1 tầng có mái che và các khu phụ trợ khác. Tiến độ bồi thường GPMB trong quý 1/2010 và thời gian hoàn thành dự án là 2 năm (tính từ thời gian chủ đầu được giao mặt bằng sạch). Vậy là, dự án này đã chậm... hơn 1 năm so với GCNĐT !

Đến nay, theo báo cáo của Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chợ Cầu Vồng - Đồ Sơn, công tác GPMB đạt 95%, 258 trường hợp tiểu thương đã đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ. Nhưng vẫn còn 26 trường hợp có địa điểm kinh doanh là mặt tiền của chợ cũ không chịu di dời với lý do không chấp nhận phương án bồi thường, hỗ trợ; yêu cầu phải có đất tái định cư; sau khi chợ mới được xây dựng họ phải được bố trí ở vị trí cũ...

Ông Nguyễn Minh Kính - tiểu thương có điểm kinh doanh tại ô 3 nhà A4 bức xúc: “Gia đình tôi kinh doanh, đóng góp xây dựng chợ theo lời kêu gọi của quận Đồ Sơn từ năm 1990, mức đền bù hỗ trợ hiện nay chưa thỏa đáng, so với công sức và số tiền mà tôi đã bỏ ra trước đây để san lấp ruộng, ao hồ làm chợ”.

Một số tiểu thương không chịu di dời cho biết: Hiện nay, trong 26 tiểu thương không chịu di dời, có 4 trường hợp là người nhà cán bộ Q Đồ Sơn. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc GPMB chậm trễ.

Chủ đầu tư gặp khó

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Cty CPTM Hải Hưng Thịnh đã phối hợp với quận Đồ Sơn xây dựng khu chợ tạm tại khu dân cư phường Ngọc Xuyên với kinh phí 4 tỉ VND, tạm ứng cho quận đền bù hỗ trợ GPMB trên 2 tỉ VND và khoảng 3 tỉ VND thưởng cho tiểu thương di dời sớm, an sinh cho tiểu thương bỏ điểm kinh doanh và hỗ trợ tiền cho tiểu thương chuyển điểm kinh doanh ra chợ tạm...

Bà Trương Thị Cư - Giám đốc Cty CP TM Hải Hưng Thịnh lo lắng: “Chúng tôi đã đầu tư một số dự án tại  quận Đồ Sơn như: 2 sân tennis, 3 sân cầu lông, 1 khu phụ trợ nhưng chưa dự án nào thu hồi được vốn. Dự án chợ Cầu Vồng là hi vọng của DN, chúng tôi rất sợ dự án này sẽ bị “ngâm”. Liệu việc xây dựng chợ Cầu Vồng có bị đứt gánh giữa đường vì không giải phóng được mặt bằng ? Nếu tình trạng này kéo dài DN sẽ không trụ vững nữa”.

Ông Bùi Văn Quyền - Trưởng Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chợ Cầu Vồng - Đồ Sơn cho biết: “UBND quận Đồ Sơn đã kiểm kê, lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo đúng trình tự quy định của pháp luật”.

Lý giải những kiến nghị của tiểu thương ông Hoàng Xuân Minh - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho rằng: “Đây là những kiến nghị bất hợp lý. Vì theo thiết kế quy hoạch chợ do UBND TP Hải Phòng phê duyệt, không còn các kiot mặt đường như hiện nay mà đồng loạt được quy hoạch vào phía trong chợ. Và theo Quyết định số 336 của UBND TP Hải Phòng thì chủ sở hữu khu đất chợ Cầu Vồng là thị xã Đồ Sơn cũ nay là UBND  quận Đồ Sơn. Các tiểu thương chỉ được ký hợp đồng thuê đất 15 năm và đến nay tất cả các hợp đồng đều đã hết hạn, các tiểu thương không ký hợp đồng thuê đất tiếp với BQL chợ Cầu Vồng và cũng không đóng tiền thuê mặt bằng đã lâu”.

Ông Minh cho biết thêm: “UBND quận Đồ Sơn đã đồng ý chủ trương sau khi chợ mới đi vào hoạt động, sẽ ưu tiên cho các hộ kinh doanh này bốc thăm trước, trên cơ sở tiểu thương phải thực hiện di dời sang chợ tạm, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ và chấp hành đúng theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ, cũng nêu rõ về trách nhiệm của tiểu thương trong việc nộp giá thuê mặt bằng theo đúng quy định của Nhà nước và cam kết sắp xếp các ngành hàng theo quy hoạch”.

Việc xây dựng và đưa vào khai thác chợ Cầu Vồng nhanh hay chậm tuỳ thuộc sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền quận Đồ Sơn - nên tích cực và quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB để sớm đưa chợ Cầu Vồng vào khai thác, tránh tình trạng ách tắc gây thiệt hại cho chủ đầu tư và ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị của địa phương.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Tem mới - khắc tinh của hàng giả?
  • Xử lý hàng tồn đọng: Cần đúng người đúng việc
  • Lạ đời chuyện hàng nhập không có tên trong danh mục quản lý
  • Sử dụng lao động nước ngoài nhìn từ thủ tục hành chính
  • “Bộ lọc” chính sách chưa hiệu quả
  • Lấp kẽ hở pháp luật
  • Giá đất vẫn là một câu hỏi
  • Cân nhắc việc tham gia công ước vận tải biển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%