Hướng dẫn người dân kê khai thuế tại Chi cục Thuế Sơn Tây. Ảnh: Linh Tâm |
- Theo Cục Thuế TP Hà Nội, tính đến tháng 6-2009, đã có hơn 600 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế phải chuyển sang cơ quan công an điều tra, xác minh.
Song hiện vẫn tồn đọng 445 vụ chưa có kết luận cuối cùng. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó có một phần do quy chế phối hợp giữa hai lực lượng thuế và công an còn nhiều bất cập, cần sớm khắc phục. Đây là nội dung được thảo luận tại hội nghị "Đánh giá thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục Thuế TP Hà Nội và Công an Hà Nội trong đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế", diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Vi phạm nhiều, xử lý chậm
Tính đến tháng 6-2009, hai cơ quan thuế và công an đã phối hợp điều tra hơn 900 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, trong đó hơn 700 vụ đã được cơ quan công an cung cấp thông tin cho ngành thuế. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin, tài liệu của ngành thuế, cơ quan công an mới thông báo kết quả xử lý hình sự 2 vụ, xử lý hành chính 63 vụ, quá "khiêm tốn" so với tình trạng gian lận thuế đang ngày càng phổ biến.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả xử lý tội phạm trong lĩnh vực thuế chưa được như mong muốn. Ngành thuế Hà Nội đang quản lý hơn 80.000 DN, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh cá thể và hàng trăm nghìn đối tượng nộp thuế không thường xuyên. Riêng quận Đống Đa, Chi cục Thuế đang quản lý 13.800 DN, hằng tháng lại tiếp nhận thêm khoảng 180-200 DN mới thành lập. Ngoài áp lực công việc lớn do số lượng DN tăng nhanh, cán bộ thuế còn phải đối mặt với những hình thức gian lận ngày càng tinh vi. Ông Nguyễn Văn Tư, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa cho biết, những nhóm đối tượng vi phạm trong lĩnh vực mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gồm DN được thành lập mới với mục đích mua bán hóa đơn bất hợp pháp; DN thay đổi giám đốc và cố tình chuyển địa bàn kinh doanh (sau khi bị cơ quan thuế nghi vấn) để tiếp tục mua hóa đơn. Hầu hết các DN này đều thuê những đối tượng có nhân thân phức tạp, trình độ văn hóa thấp làm giám đốc, trụ sở đặt trong ngõ ngách, tư liệu sản xuất chỉ bày biện để đối phó với cơ quan thuế. Khi làm thủ tục, DN "ma" thường chuẩn bị đầy đủ giấy tờ đúng theo quy định, buộc cơ quan thuế phải xuất bán hóa đơn. Có trường hợp, sau nhiều lần từ chối bán hóa đơn để điều tra, xác minh, cơ quan thuế đã bị DN "ma" dùng áp lực đe dọa, thậm chí gửi đơn, thư khiếu kiện lên cấp có thẩm quyền, vu cáo cán bộ gây khó khăn cho DN. Hậu quả là đến khi sự việc được điều tra rõ ràng, cán bộ thuế đã bị cấp trên khiển trách, kỷ luật do thiếu trách nhiệm với DN.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng PA17, Công an Hà Nội cho biết, số lượng thuế bị thất thoát tại các dự án đầu tư, chuyển đổi hiện trong tình trạng không thể kiểm soát. Đơn cử, có dự án vốn đầu tư ban đầu chỉ hơn 10 tỷ đồng, sau đó được chuyển nhượng với giá hơn 100 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch quá lớn, trong trường hợp này đối tượng nào phải nộp thuế cho Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể. Ngân sách nhà nước cũng dễ dàng bị thất thoát khi DN nhà nước một thành viên được thành phố giao đấtphục vụ kinh doanh, nhưng đã tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất để trục lợi, gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Chế tài xử phạt: Thiếu và yếu
Theo phản ánh của các cán bộ thuế và công an đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế, chế tài xử phạt các đối tượng này còn tồn tại nhiều bất cập. Tại Chi cục Thuế quận Hoàng Mai, các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, khi bị truy tố đều chỉ nhận án treo. Trong khi đó, số tiền thuế Nhà nước bị thất thu do hành vi mua, bán hóa đơn trái luật còn lớn hơn thiệt hại tại các vụ án tham nhũng. Những lỗ hổng lớn gây thất thu tiền thuế của Nhà nước tại các vụ chuyển nhượng dự án, chuyển quyền sử dụng đất bất hợp pháp mặc dù đã xảy ra trên thực tế, nhưng hiện tại cũng chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể.
Việc khởi tố DN "ma" cũng đang gặp nhiều khó khăn khi thu thập chứng cứ, bởi đối tượng vi phạm và phát tán hàng nghìn tờ hóa đơn bất hợp pháp đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, cán bộ công an phục vụ đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực thuế hiện không được hưởng bất kỳ nguồn kinh phí hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước. Nhiều vụ gian lận thuế đã được phá án, truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách, song cơ quan quản lý lại gặp khó khăn khi chi công tác phí cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ. Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa hai cơ quan thuế và công an cũng là một trong những bất cập hiện nay. Đại diện Phòng PC15, Công an Hà Nội thừa nhận, tại cấp xã, huyện, quy trình phối hợp liên ngành thuế - công an hầu như không có, khiến kết quả đấu tranh đòi hỏi phải xử lý chưa phản ánh đúng tình trạng gian lận thuế hiện nay.
Được biết, Cục Thuế Hà Nội và Công an thành phố thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm thuế. Bà Vũ Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho rằng, nếu chỉ xử lý hành chính với tội phạm thuế thì không đủ sức ngăn ngừa, răn đe. Thời gian tới, ngành thuế Hà Nội sẽ tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin cho công an, phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, góp phần quản lý hiệu quả hoạt động thu ngân sách.
(Theo HƯƠNG LY // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com