Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã: Quản lý lỏng, vi phạm tăng

 

Nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm bị đưa vào các nhà hàng. Ảnh: Hà Anh

 
Nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp đang là vấn đề nhức nhối, khó kiểm soát khiến nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, làm mất cân bằng sinh thái. Ước tính mỗi năm thị trường nước ta tiêu thụ khoảng 3.400 tấn ĐVHD, trong đó gần 50% tiêu thụ trong nước, số còn lại được xuất khẩu bất hợp pháp qua biên giới.

 

Chỉ 20% số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý

 

Tổng doanh thu hằng năm do buôn bán bất hợp pháp ĐVHD ước tính hơn 66 triệu USD, trong đó 21 triệu USD là tiền lãi. Đây là con số được đưa ra từ năm 2003, đến nay, đã tăng lên gấp nhiều lần. Báo cáo tại hội thảo "Bảo vệ ĐVHD, góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam" do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì vừa được tổ chức với sự hợp tác của Traffic (mạng lưới giám sát buôn bán thú hoang) và WWF (Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên) cho thấy, riêng năm 2008, cả nước phát hiện 15 vụ mua bán trái phép ĐVHD, có vụ buôn bán, vận chuyển với số lượng lớn nhất từ trước tới nay với tổng giá trị lô hàng khoảng 70.000 USD. Năm 2009, tình trạng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp không hề thuyên giảm. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7, Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) đã phát hiện một cá thể voi bị giết lấy ngà tại Đắc Lắc cùng 5 cá thể voi khác bị chết tại Đồng Nai. Ngày 16-7, một xe taxi bị phát hiện chở một cá thể hổ chết đông lạnh cùng 2 bộ xương hổ... Ngày 29-7, cơ quan hải quan phát hiện 511kg ngà voi nhập khẩu vào cảng Hải Phòng từ Kenya... Song những vụ phát hiện, bắt giữ được của cơ quan chức năng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Theo Cục Kiểm lâm, số lượng kiểm tra bắt giữ chỉ chiếm khoảng 20% số vụ thực tế. Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, gần 4 năm qua, chương trình bảo vệ ĐVHD của ENV đã lưu trữ trên 1.600 vụ vi phạm săn bắt, buôn bán ĐVHD. Thống kê từ Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an cho thấy, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 3.400 tấn thịt ĐVHD. Trong đó, 45-50% được tiêu thụ trong nước, chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại được xuất khẩu bất hợp pháp qua biên giới. Theo báo cáo của Hội Động vật học Việt Nam, các loài bị khai thác bất hợp pháp chủ yếu là rắn, kỳ đà, tê tê, hổ, gấu, voi. Tỷ trọng các cá thể được khai thác gồm thú rừng 20%, rắn 45%, rùa 30%... với hơn 66% sử dụng làm thực phẩm. Traffic cho biết, có 47% số người được hỏi thừa nhận đã từng sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD, 50% dùng sản phẩm ĐVHD để tăng cường sức khỏe; 43% đối tượng sử dụng thịt ĐVHD là nhóm doanh nhân, 34% là nhóm cán bộ, công chức nhà nước.

 

Nhiều kẽ hở pháp lý

 

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ra cảnh báo: Việt Nam không chỉ là nơi cung cấp mà còn là thị trường trung chuyển ĐVHD đi các thị trường và nơi tiêu thụ khác, điển hình như vụ bắt 6,2 tấn ngà voi ở cảng Hải Phòng mới đây. Ngoài việc buôn bán, săn bắt, vận chuyển ĐVHD quý hiếm bất hợp pháp thì việc gây nuôi bất hợp pháp ĐVHD nguy cấp, quý hiếm là vấn đề phải có chiến lược giải quyết tận gốc. Các chuyên gia môi trường cũng đã đưa ra một thực trạng đáng ngại đang diễn ra ở nước ta, đó là Luật Cấm săn bắt, mua bán ĐVHD ở Việt Nam còn những kẽ hở để cá nhân có thể lợi dụng. Ví dụ, không có điều khoản nào phân biệt rõ hành vi tàng trữ ĐVHD, buôn bán ĐVHD hay nuôi nhốt ĐVHD dù những hành vi này có mức độ rất khác nhau. Các hình thức xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe, vì thế có những người từng đóng tiền nộp phạt nhưng lại tiếp tục tái vi phạm rồi lại tiếp tục đóng tiền nộp phạt. Theo đề nghị của Traffic, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý thực thi các công ước quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen, có cái nhìn đúng đắn về bảo vệ ĐVHD. GS-TS Đặng Huy Hùng - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam nhận định, với tốc độ săn bắt và nguy cơ đe dọa tuyệt chủng ĐVHD quý hiếm như hiện nay, nếu thiếu các biện pháp bảo vệ chặt chẽ, chỉ trong vòng 5-10 năm nữa, hệ sinh thái nước ta sẽ mất cân bằng nghiêm trọng và sẽ gây ra thảm họa lớn.

(Theo HNM)

  • Sụt lở đập ở Mê Linh: Cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm
  • Dùng giấy tờ giả lập công ty để mua bán hóa đơn
  • 200 lao động Việt sống trong rừng Nga : Xưởng may đen đè mộng làm giàu
  • 2 tấn ngà voi “quá cảnh” cảng Hải Phòng
  • Dự thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng: Dễ đáo tụng đình hơn
  • Vụ điện kế điện tử: Ông Lê Minh Hoàng xin hưởng án treo
  • Cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên xẻ thịt bò rừng?
  • Hai con đập ở Mê Linh (Hà Nội) bị sụt vỡ: Không thể đổ lỗi cho... ông Trời
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%