Trong cuộc chiến chống lại hàng giả, hàng nhái, từ lâu, người ta coi việc xử lý, trừng phạt người sản xuất, kinh doanh sẽ mang lại hiệu quả vì như vậy là đã “xử lý từ gốc”. Các nhà làm luật tại các nước châu Âu có một cách tiếp cận mới: trong một số trường hợp, người tiêu dùng cũng phải bị xử lý. Việt Nam chúng ta nên như thế nào?
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, theo ước tính của Interpol, gây thiệt hại hàng năm cho nền kinh tế thế giới khoảng 500 tỉ USD và nó có quan hệ chặt chẽ với những vấn nạn khác như tội phạm có tổ chức hay khủng bố vì ngành công nghiệp làm hàng giả, hàng nhái phần lớn do các tổ chức tội phạm kiểm soát, nguồn thu từ lĩnh vực này lại được dùng để tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp.
Thông thường các sản phẩm hay bị làm giả, làm nhái là các mặt hàng có giá trị cao gắn liền với các thương hiệu nổi tiếng hoặc các mặt hàng có mức độ tiêu dùng phổ biến nhưng đã có doanh nghiệp nào đó tạo dựng được ưu thế về chất lượng, uy tín. Nhìn chung, các đối tượng bị làm giả, làm nhái là các đối tượng đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng hay bản quyền.
Trong cuộc chiến chống lại hàng giả, hàng nhái, từ lâu, người ta coi việc xử lý, trừng phạt người sản xuất, kinh doanh sẽ mang lại hiệu quả vì như vậy là đã “xử lý từ gốc”. Các nhà làm luật tại các nước châu Âu có một cách tiếp cận mới về phương thức chống lại hàng giả, hàng nhái: xem người tiêu dùng/người mua hàng giả, hàng nhái như là những tác nhân “tiếp tay” hay thúc đẩy ngành công nghiệp này, do đó đặt yêu cầu cần có những chế tài nghiêm khắc không kém gì đối với người sản xuất hay kinh doanh. Ví dụ, nếu bạn đến Đức và mang theo sản phẩm là hàng giả, hàng nhái với mục đích phi thương mại và giá trị tối đa không vượt quá 430 euro (đối với việc đi lại bằng đường hàng không hoặc đường biển), 300 euro (đối với việc đi lại bằng phương tiện khác), 175 euro (đối với trẻ em dưới 15 tuổi di chuyển bằng bất kỳ phương tiện nào) thì bạn sẽ không bị chế tài nào. Tuy nhiên chỉ cần vượt quá giới hạn này hoặc cơ quan hải quan Đức có lý do, cơ sở nghi ngờ số hàng mang theo là vì mục đích thương mại thì không cần xét đến giá trị, người mua/mang hàng giả, hàng nhái sẽ phải chịu những chế tài nặng nề (không cần biết là bạn có ý thức về việc đó là hàng giả, hàng nhái hay không). Tại Pháp, chế tài thậm chí còn nặng nề hơn với mức phạt có thể lên tới 300 ngàn euro và án tù lên tới ba năm, chưa kể tới việc người mua/mang hàng giả hàng nhái còn có thể bị chủ sở hữu kiện đòi bồi thường dân sự với yêu cầu ở mức rất cao.
Việt Nam chúng ta có thể nói vừa là nước tiêu thụ, sản xuất và cả bị thiệt hại về vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Thoạt tiên người tiêu dùng có thể nghĩ rằng mua được hàng hoá mình mong muốn với giá rẻ hơn là điều tốt cho họ, xong xét về toàn cục thì thiệt hại cho cả nền kinh tế là rất lớn khi tính tới yếu tố như sức khoẻ, môi trường và ảnh hưởng của nó đến nền công nghiệp trong nước.
Đấy là chưa tính đến việc mua hàng giả, hàng nhái có thể tiếp tay cho các hoạt động phi pháp khác. Đã đến lúc chúng ta nên nghiên cứu tới các chế tài nhằm trừng phạt ngay cả người mua, tiêu thụ hàng giả/hàng nhái. Khi người tiêu dùng có ý thức hành vi của mình có thể bị trừng phạt thì nguồn cầu tất sẽ giảm và nguồn cung (nhà sản xuất, kinh doanh loại hàng này) vì thế mà cũng giảm theo. Có lẽ đây mới là biện pháp xử lý từ gốc.
Tuy nhiên việc định ra chế tài đối với người tiêu dùng phải hết sức cân nhắc và tuỳ theo từng lĩnh vực, trường hợp. Ví dụ, nên có chế tài như các nước trong việc xử phạt hành vi mua/mang hàng giả/hàng nhái qua biên giới với số lượng vượt quá nhu cầu sử dụng cá nhân hoặc vì mục đích thương mại.
Ý tưởng manh nha trong việc định ra chế tài đối với người mua/mang/sử dụng hàng giả/hàng nhái được các cơ quan báo chí nói nhiều trong những ngày vừa qua là dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó, điều 14 có đưa ra các mức phạt đối với hành vi sử dụng phân bón không có tên trong danh mục phân bón hoặc không có chứng nhận đăng ký khảo nghiệm đối với phân bón mới. Một số cơ quan báo chí cho rằng dự thảo nghị định này như vậy là đã có các biện pháp chế tài áp dụng đối với người nông dân sử dụng hoặc bị sử dụng phân bón giả. Thực ra hiểu như vậy là chưa chính xác. Phân bón không có tên trong danh mục hoặc không có chứng nhận có thể hiểu là các loại phân bón không được hoặc chưa được phép lưu hành.
Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp như vậy, tôi vẫn cho rằng đưa ra chế tài đối với người sử dụng phân bón/nông dân là chưa hợp lý bởi việc kiểm soát các loại phân bón được phép lưu hành trước hết là trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
(Theo ThS. Lê Xuân Lộc/SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com