Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vướng mắc cần tháo gỡ trong hoạt động dịch vụ kế toán

tinkinhte.com
Minh họa: Khều.

Từ khi Luật Kế toán có hiệu lực thi hành, hoạt động dịch vụ kế toán đã được thừa nhận về mặt pháp lý. Năm 2005, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán được tổ chức lần đầu tiên. Ngày 18-12-2009, Bộ Tài chính và Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam (VAA) đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán trong những năm vừa qua.

Báo cáo của VAA cho biết, theo thống kê năm 2009 ở 24 tỉnh, thành phố (chưa bao gồm TPHCM) có 348 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán nhưng chỉ có 26 doanh nghiệp đăng ký hành nghề với VAA. Điều đó có nghĩa phần lớn các doanh nghiệp dịch vụ kế toán được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán nhưng không đăng ký hành nghề tại VAA, không chịu sự kiểm tra, giám sát của VAA và Bộ Tài chính về chất lượng dịch vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Những vướng mắc lớn

Phân tích để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp dịch vụ kế toán không đăng ký hành nghề, không chịu sự kiểm tra, giám sát của VAA và Bộ Tài chính, nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị đã chỉ ra những vướng mắc lớn sau đây:

Thứ nhất, việc sử dụng cụm từ “hành nghề kế toán” như quy định tại Luật Kế toán là không chính xác. Theo Từ điển tiếng Việt phổ thông, “Hành nghề là làm công việc thuộc về nghề nghiệp để sinh sống”. Như vậy, hành nghề kế toán là làm công việc về kế toán để kiếm sống. Do đó, tất cả những người đang làm kế toán, không phân biệt làm ở đâu, đều là những người “hành nghề kế toán”. Tuy nhiên, khoản 11, điều 4 Luật Kế toán lại giải nghĩa “Hành nghề kế toán là hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán của doanh nghiệp hoặc cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện dịch vụ kế toán”. Khái niệm này đã giới hạn phạm vi quản lý việc hành nghề kế toán và từ đó đã có những biện pháp không phù hợp. Có ý kiến cho rằng, khái niệm đó đã được “luật hóa” nên không thể bàn thêm. Song, luật là sản phẩm chủ quan và phải bám sát cuộc sống, nghĩa là không phải luật muốn giải thích như thế nào cũng được. Do đó, thiết nghĩ cần phải sửa đổi Luật Kế toán, ít nhất là ở điều không thỏa đáng nêu trên, để ngành kế toán có điều kiện phát triển tốt hơn.

Thứ hai, sự ràng buộc quá chặt chẽ về điều kiện kinh doanh. Khoản 1 điều 41 Nghị định số 129/NĐ-CP quy định: “1. ...Để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán, trong đó có một trong những người quản lý doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán theo quy định tại điều 57 của Luật Kế toán và điều 40 của nghị định này”. Trong khi đó, tại khoản 13 điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ công ty quy định”. Với quy định trên, dù đã rất khắt khe trong những ngày mới khai sinh, nhưng các doanh nghiệp dịch vụ kế toán vẫn còn có thể cố gắng đáp ứng. Song, khoản 2.3. Thông tư 72/2007/TT-BTC lại quy định: “Đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán:

a) Có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán;

b) Có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, trong đó giám đốc doanh nghiệp phải là người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên”.

Thứ ba, dịch vụ kế toán có quá nhiều lực lượng cạnh tranh không lành mạnh. Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là cung ứng dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ có các doanh nghiệp dịch vụ kế toán đã được thành lập và đủ điều kiện hoạt động. Ngược lại, rất nhiều người không cần chứng chỉ hành nghề, không đăng ký kinh doanh nhưng lại thống lĩnh thị trường. Chẳng hạn, rất nhiều kế toán trưởng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã nghỉ hưu, đã ký hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp để hành nghề kế toán. Đó thực sự là một “doanh nghiệp dịch vụ kế toán” nhưng được thực hiện với quy định của Luật Lao động. Pháp luật không thể can thiệp vào hoạt động của những nhóm cá nhân hành nghề như trên vì Luật Lao động không cấm người lao động đồng thời ký hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp.

Thứ tư, quản lý về đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kế toán ở nước ta đang là một “khoảng trắng” trong công tác quản lý nhà nước. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề kế toán đã ở mức nghiêm trọng với những hành vi như bỏ việc tùy tiện, không bàn giao, giữ chứng từ kế toán để đòi tiền chủ doanh nghiệp, bán thông tin kinh doanh của doanh nghiệp cho đối thủ cạnh tranh...

Vài kiến nghị

Từ những vướng mắc và những điểm đặc thù của hoạt động dịch vụ kế toán, các tham luận tại hội nghị nói trên đã nêu ra nhiều kiến nghị.

Thứ nhất, cần thống nhất về nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Ở mỗi lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nội dung quản lý nhà nước cũng sẽ khác nhau, đó là tất yếu khách quan. Để xác định nội dung quản lý nhà nước đối với dịch vụ kế toán, cần thống nhất những vấn đề sau:

1. Không thể áp đặt nội dung, trình tự và biện pháp để thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán vào lĩnh vực dịch vụ kế toán. Bởi lẽ, đây là hai lĩnh vực khác nhau rất cơ bản từ tổ chức thực hiện đến giá trị pháp lý của kết quả.

2. Để quản lý chất lượng dịch vụ kế toán, trước hết lại phải thực hiện việc quản lý chất lượng công tác kế toán ở tất cả các doanh nghiệp. Có thể nói, chất lượng công tác kế toán ở các doanh nghiệp, bao gồm cả DNNN hiện nay vẫn đang trong tình trạng “báo động”. Báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với các DNNN, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), vừa được công bố đã cho thấy rõ điều đó. Không thể tách riêng các doanh nghiệp dịch vụ kế toán để quản lý chất lượng của công tác kế toán, còn chất lượng công tác kế toán của một số lượng lớn các doanh nghiệp trong nền kinh tế thì lại buông lỏng. Biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác kế toán hiện nay là hướng dẫn đầy đủ hơn, chi tiết hơn về các chuẩn mực kế toán đã ban hành.

Kế đến, cần sửa đổi ngay Thông tư 72 nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc điều hành doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Nội dung sửa đổi là thay điều kiện “trong đó giám đốc doanh nghiệp phải là người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên” bằng điều kiện “trong đó có một trong những người quản lý doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán”. Việc sửa đổi này là hoàn toàn có căn cứ pháp lý vì Thông tư 72 không thể sửa Nghị định 129/2004/NĐ-CP và doanh nghiệp dịch vụ kế toán trước hết phải tuân thủ Luật Kế toán.

Thứ ba, nghiên cứu đánh giá về giá trị thực của chứng chỉ hành nghề kế toán như quy định hiện nay. Từ năm 2005 đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức sáu kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán và cấp được 130 chứng chỉ. Câu hỏi được đặt ra là chứng chỉ hành nghề kế toán được sử dụng để làm gì trong quản lý? Đó không thể là một chứng chỉ xác nhận về chuyên môn của người hành nghề vì nó không thể thay thế bằng tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo. Đó cũng không thể là một chứng chỉ để quản lý đạo đức nghề nghiệp vì việc quản lý đạo đức nghề nghiệp phải được đặt ra với tất cả những người đang làm kế toán hiện nay. Chứng chỉ hành nghề kế toán không giúp gì cho mục tiêu nêu trên. Trong khi đó, quy trình thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán hiện nay tương đương với một kỳ thi tuyển sinh vào đại học, chủ tịch hội đồng thi do một thứ trưởng Bộ Tài chính đảm nhiệm. Đó là những điều không cần thiết. Hơn nữa, hiện nay, chứng chỉ này đã trở thành một “giấy phép con” siêu hạng đối với các doanh nghiệp dịch vụ kế toán.

Thứ tư, cần nghiên cứu để cấp “Thẻ hành nghề kế toán” nhằm quản lý về đạo đức nghề nghiệp kế toán. Thẻ này có những nội dung như: a. Do Hội Kế toán - Kiểm toán cấp cho tất cả những người đã được đào tạo về chuyên ngành kế toán và/hoặc đã, đang làm kế toán ở các tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước; b. Là một trong những điều kiện bắt buộc phải có khi ký hợp đồng lao động làm kế toán tại doanh nghiệp; c. Người được cấp thẻ phải nộp lệ phí duy trì thẻ hàng năm và tham gia lớp cập nhật thông tin, kiến thức mới về nghề nghiệp do Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam tổ chức; d. Thẻ được gia hạn hoặc cấp lại nếu không vi phạm đạo đức nghề nghiệp và tham gia đầy đủ các lớp cập nhật thông tin, kiến thức mới; và e. Người sử dụng lao động được quyền quản lý thẻ trong suốt thời gian người có thẻ làm việc cho doanh nghiệp, phải trả lại thẻ cho người có thẻ khi người có thẻ xin thôi việc đúng quy định của pháp luật và phải thanh toán lệ phí sử dụng thẻ cho người có thẻ.

______________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vụ kiện kính nổi: 2 đấu 100!
  • “Không phải cứ thanh tra là đưa ra xử lý”
  • Đất đang tranh chấp vẫn cấp sổ đỏ
  • Yêu cầu xử lý nhiều sai phạm tại VNPT
  • Quá ưu ái doanh nghiệp của Thành ủy?
  • 19 DN bị xử phạt vì vi phạm về ngoại hối
  • Khung pháp lý cho tập đoàn kinh tế sau 5 năm thí điểm
  • Tiến thoái lưỡng nan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%