Bà Thái Thị Mỹ Hạnh (hanhthaimy72@ymail.com) đang định cư ở nước ngoài, được mẹ bà di chúc cho căn nhà ở Việt Nam. Bà Hạnh muốn biết bà có được nhận di sản thừa kế đó không?
Về trường hợp của bà Hạnh, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội, tư vấn như sau:
Tại Điều 631, Điều 632 Bộ luật Dân sự Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định :
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Mẹ bà Hạnh ở Việt Nam có quyền lập di chúc để chỉ định cho bà Hạnh đang định cư ở nước ngoài hưởng di sản tại Việt Nam. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được chỉ định trong di chúc nhận di sản là nhà ở tại Việt Nam, thì tùy theo điều kiện mà pháp luật Việt Nam quy định, được nhận di sản theo hai hình thức: bằng nhà ở, hoặc được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Điều kiện được nhận di sản là nhà ở
Theo Luật số 34/2009/QH12 ngày 18/6/2009 của Quốc hội ban hành về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, tại Điều 126 quy định như sau:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
- Người có quốc tịch Việt Nam;
- Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Trường hợp chỉ được hưởng giá trị của nhà ở
Theo quy định tại Điều 72, Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các diện sau đây được thừa kế nhà ở tại Việt Nam thì không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở và chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam cư trú có thời hạn dưới 3 tháng;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện chỉ được sở hữu 1 nhà ở và tại thời điểm được thừa kế đang có sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán nhà ở
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thừa kế nhà ở tại Việt Nam được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán nhà ở khi đã có các giấy tờ sau đây: Giấy tờ về thừa kế nhà ở được lập theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 71/2010/NĐ-CP và pháp luật về dân sự Việt Nam và một trong các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên để thừa kế nhà ở theo quy định sau đây:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp theo quy định của Luật Nhà ở;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 của Chính phủ về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai mà trong nội dung giấy chứng nhận đã có ghi nhận về nhà ở của bên để thừa kế;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Văn bản ủy quyền bán nhà ở được lập theo quy định của pháp luật về dân sự Việt Nam (nếu ủy quyền cho người khác bán nhà ở).
Vấn đề bà Hạnh băn khoăn, bà cần phải đối chiếu các điều kiện và trường hợp nêu trên để biết bà thuộc đối tượng nào: Được nhận di sản bằng nhà ở, hay chỉ được nhận di sản bằng giá trị nhà ở.
Luật sư Trần Văn ToànVPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com