Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quyền lợi của NLĐ khi làm cho văn phòng đại diện?

 

Hiện tôi đang làm việc cho văn phòng đại diện của một công ty Trung Quốc. Tôi muốn biết quá trình ký kết hợp đồng giữa văn phòng đại diện và công ty có khác nhau không?

Khi thôi việc tại văn phòng đại diện hoặc văn phòng đại diện giải thể để thành lập công ty thì nhân viên có được hưởng trợ cấp thôi việc, nếu có thì mức hưởng tính theo lương cơ bản hay lương thực lãnh? Có quy định nào quy định việc đề ra mức lương cơ bản cho một nhân viên mới tốt nghiệp và đi làm tại một công ty người nước ngoài không?

(Tư Linh)

- Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật dân sự năm 2005, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện bảo vệ các lợi ích đó.

Văn phòng đại diện không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự do văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

Căn cứ theo quy định trên, khi văn phòng đại diện ký kết hợp đồng (kể cả hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại, lao động) phải được sự ủy quyền của pháp nhân (công ty) và phải phù hợp với phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

Còn theo quy định tại khoản 4 Điều 84 Bộ luật dân sự năm 2005, pháp nhân (công ty) được nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Do đó khi công ty ký kết hợp đồng thì hoàn toàn độc lập.

Điều 42 BLLĐ quy định: khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với người lao động (NLĐ) đã làm việc thường xuyên trong doanh nhiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có).

Khoản 2 Điều 41 BLLĐ quy định: trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật (trái với quy định tại Điều 37 BLLĐ) thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng lương và phụ cấp lương (nếu có).

Theo phần III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, ngày 22-9-2003 của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ, bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Chiếu theo các quy định trên, NLĐ làm việc tại văn phòng đại diện khi thôi việc đúng theo quy định tại Điều 37 BLLĐ, hoặc bị thôi việc do văn phòng đại diện giải thể mà có thời gian làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên thì được văn phòng đại diện trả trợ cấp thôi việc. Mức trợ cấp thôi việc được tính là cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương; tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại phần III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH nêu trên.

Về mức lương cơ bản: Điều 1 Nghị định số: 107/2010/NĐ-CP, ngày 29-10-2010 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam như sau: mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với lao động Việt Nam làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam theo vùng như sau:

1. Mức 1.550.000 đồng/ tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

2. Mức 1.350.000 đồng/ tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

3. Mức 1.170.000 đồng/ tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

4. Mức 1.100.000 đồng/ tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

(địa bàn vùng I, II, III, IV được quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 107/2010/NĐ-CP).

Riêng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 1 Nghị định số 107/2010/NĐ-CP.

Căn cứ theo quy định trên, mức lương cơ bản cho NLĐ mới tốt nghiệp và đi làm tại một công ty nước ngoài được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu nêu trên nhân với hệ số lương theo thang lương, bảng lương của doanh nghiệp tương ứng với vị trí công việc, trình độ chuyên môn của NLĐ.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP
(Văn phòng luật sư Gia Thành)// Theo Tuổi Trẻ

  • Giải đáp về bồi thường chi phí đào tạo
  • Quy định về cấp, đổi thẻ BHYT?
  • Trường hợp nào được tham gia BHXH tự nguyện?
  • Được mang thuốc gì về Việt Nam?
  • "Phân biệt đối xử" khi tính lương hưu?
  • Phụ cấp độc hại như thế nào là phù hợp?
  • Làm sao xin lại bản khai sinh gốc bị mất?
  • Giải đáp chính sách đối với người lao động dôi dư
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com