Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gian lận trên TTCK: Nhà đầu tư nhỏ cần cẩn trọng và tỉnh táo

Thị trường chứng khoán đối diện với rủi ro
(Theo Cẩm Vân-Đại An // báo Lao động )

Rủi ro chứng khoánThị trường chứng khoán đang mất phương hướng, tâm lý lúc này rất dao động vì những diễn biến xảy ra trong  tuần qua hầu như trái với suy nghĩ thông thường của đa số các nhà đầu tư.

Thị trường (TT) đang ngày càng khốc liệt, NĐT ngày càng “cáo già” và  phân hóa mạnh, nên rất khó ăn. Lúc TT như thế này, trường phái “câu” cổ tức có lẽ là an toàn nhất.

Thị trường dễ vỡ

Nhiều dự báo chính sách sẽ thay đổi theo hướng khắc nghiệt hơn do: Nợ công tăng đến mức nguy hiểm; CPI tháng 3.2010 tăng bất thường ngoài thông lệ; lãi suất (LS) huy động có chiều hướng tăng để chống lạm phát dẫn đến LS cho vay tăng làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng (đánh đổi tăng GDP sang giảm để ngăn ngừa lạm phát đang được cho là có thể diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9.2010); USD vẫn thiếu dù được bù đắp nhiều từ nguồn vốn FDI giải ngân tăng vọt so với cùng kỳ.

Thông tin kinh tế vĩ mô do các cơ quan quản lý cập nhật chậm, thiếu phân tích, cung cấp kịp thời cho báo chí nên dễ bị dư luận phân tích theo nhiều hướng khác nhau. Các báo cáo về kinh tế VN của các tổ chức nước ngoài thì lại không có một chuyên gia có đẳng cấp nào của VN bình luận (mặc cho TT hiểu thế nào thì hiểu).

Nhiều DN niêm yết cũng vẫn thiếu trách nhiệm, thậm chí không xem trọng việc công bố thông tin của mình khiến cho những tin đồn sai biệt có đất sống; bị một số phần tử xấu lợi dụng đánh xuống để gom hàng hay đánh lên để xả hàng (thông tin chưa được phản ánh đúng vào giá).

Chủ thể tham gia đổi vai

Trước đây, các NĐT cá nhân đa số là ngắn hạn (lướt sóng). Điều này phù hợp với tiềm lực tài chính, khả năng phân tích, thông tin nhận định và các hạn chế khác của họ. Nhưng nay, nhiều NĐT cá nhân đang bị biến thành các NĐT trung hạn một cách bất đắc dĩ vì bị kẹp.

Các NĐT tổ chức là thành phần tạo lập TT và là chủ thể chính của TT lại đang biến mình thành các NĐT lướt sóng siêu hạng vì họ có nhiều lợi thế về thông tin (do nằm trong HĐQT của DN niêm yết; lợi thế trường vốn, trong tay luôn có hàng sẵn sàng tham gia TT khi có sóng.

Mặc dù phải công bố thông tin nếu lượng CP họ nắm giữ trên mức mà UBCKNN quy định, nhưng nếu họ chỉ nắm dưới tỉ lệ phần trăm/vốn của DN mà không phải công bố thông tin mua bán thì không ai biết được khi nào họ vào hay ra, đó là chưa kể những liên minh hợp tác rất khó "chỉ mặt đặt tên" nhằm thao túng giá.

Từ nhận xét trên suy ra với một TTCK mà tính lướt sóng là chủ đạo thì tính đầu cơ của TT tăng lên so với tính đầu tư khiến cho TT sẽ bất ổn, làm ảnh hưởng chung tới sự huy động vốn của xã hội cho phát triển của nền kinh tế.

An toàn thì chọn "câu” cổ tức

Phương pháp "câu" cổ tức có thể giải thích như sau: Nếu một người  có tiền lúc này chọn cách gửi tiết kiệm 1 năm cho an toàn thì được lãi 12%. Bỏ tiền ra mua cổ phiếu thì phải được 12% mới gọi là hòa vốn, trên mức đó thì có lãi, được  20% thì xem như lãi to nếu thời gian NĐT nắm giữ cổ phiếu từ 1 đến trên 2 tháng. Sau ngày chia cổ tức, nếu NĐT mua cổ phiếu đó vùng giá thấp; khi bán giá lại lên thì còn ăn thêm về giá nữa.

Ví dụ mã NBP (nhiệt điện Ninh Bình); cổ tức năm 2009 mới ứng có 8%. Giá đang 23,6 ; EPS: 4,4; P/E: 5,37. Giá trị sổ sách 14. Về thị giá 3 tháng nay không tăng. Cổ tức chia sẽ là: Cổ tức còn lại năm 2009 + cổ tức năm 2010 chắc chắn lớn hơn 20%. Nếu hưởng cổ tức xong mà thoát hàng ra không bị lỗ giá, như thế đã là thành công rồi, thoát ra mà có lời về giá thì lại càng nhiều lãi hơn.

Những người chơi theo kiểu này là những “con chim bói cá” rất kiên nhẫn. Họ vào hàng từng ít một để không đánh động TT. Họ lãi với xác suất thành công cao vì không mất quá nhiều thời gian để ý đến việc lên xuống của VNI. Cái họ mua là mua công ty, chứ không mua Index.


Thị trường méo mó vì rò rỉ thông tin
(Theo Nguyên Hằng // Báo Thanh Niên )

Đầu tiên là công ty chứng khoán đối thủ, sau đó tới một số "cá mập" chứng khoán và giới chóp bu trên thị trường, đến thời điểm hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã biết rõ bí mật tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK). Thị trường đã và đang méo mó từ sự "rò rỉ" này.

Bí mật trở thành thông tin cộng đồng

Một NĐT cá mập tại TP.HCM kiên quyết không tiết lộ bằng cách nào anh có được bản "Thông tin tự doanh của các tổ chức", nhưng thừa nhận dựa vào các thông tin giao dịch của các CTCK anh "đua" theo và đã thắng được vài phi vụ lướt sóng. Cũng nhờ đó, anh tránh được mấy cú "sóng thần" trên thị trường. "Thông tin mật, đường link gửi đến tôi cũng được ghi chú là không công bố rộng rãi" - anh nói. Nhưng anh cũng thú nhận có "chia sẻ" bí mật này với một số bạn bè thân thiết.

Thời điểm cuối tháng 3, Công ty CP chứng khoán Kim Long (KLS) ào ạt bán ra nhiều mã cổ phiếu. Bản tự doanh "mật" của KLS và các CTCK khác không hiểu bằng con đường nào được "tuồn" ra ngoài khiến những NĐT nắm được việc này và thay đổi hẳn kế hoạch giao dịch của mình. Còn nhớ thời điểm đó, thị trường đang lo sợ lạm phát và tăng lãi suất cơ bản. Vì vậy, việc KLS và một số CTCK khác bán ra cổ phiếu đã tác động mạnh đến tâm lý NĐT. Với các NĐT cá nhân có ý định mua vào ngay lập tức ngưng lại bởi lo sợ việc xả hàng của KLS sẽ khiến cổ phiếu đó giảm giá. Còn với các NĐT lớn, việc bán ra ào ạt của KLS đối với một số mã cổ phiếu mà họ đang nắm giữ sẽ làm thiệt hại lớn đến họ nên đợi đến khi cơn lũ xả hàng vào giai đoạn cuối, họ dồn lực mua vào để đẩy giá đi lên. Chứng khoán bị thao túng vì hiện tượng rò rỉ thông tin tự doanh của các CTCK.

Cũng từ đầu tháng 3 vừa rồi, thị trường xôn xao với tin đồn một số CTCK ký hợp đồng đầu tư "hộ" các NĐT cá nhân với mức lợi nhuận cam kết lên đến 30%. Đến nay, khi việc rò rỉ thông tin tự doanh của các CTCK bị vỡ lở, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nắm được bí mật tự doanh của các CTCK đối thủ là cơ sở dẫn đến sự "liều mạng" của các CTCK có ý định lao vào dịch vụ "đầu tư hộ" kiểu này.

Thực ra, việc rò rỉ thông tin tự doanh của các CTCK đã bắt đầu từ khá lâu và không bị lộ là do những người được hưởng lợi giữ kín việc này. Có thể hình dung "đường đi" của bản "Thông tin tự doanh của các tổ chức" như sau: ban đầu thông tin này chỉ được cung cấp cho một vài CTCK đối thủ của nhau. Nhưng sau đó, bằng cách này, cách kia, một số "cá mập" chứng khoán trên thị trường đã được cung cấp bản thông tin này. Việc "chia sẻ" thông tin như một "cá mập" chứng khoán tiết lộ trên khiến hiện tượng rò rỉ được nhân rộng và đẩy lên thành cao trào khi bí mật tự doanh của các CTCK mà lẽ ra chỉ có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN); Trung tâm Lưu ký (TTLK) và Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) nắm đã trở thành thông tin cộng đồng. Thậm chí, nhiều diễn đàn chứng khoán còn mang ra trao đổi, bình luận, mặc cả... xung quanh bản "Thông tin tự doanh của các tổ chức".

Tiết lộ chứ không phải rò rỉ

Thị trường chứng khoán (TTCK) VN từ trước tới nay luôn bị đánh giá là thiếu minh bạch, không có sự công bằng giữa các NĐT. Sự việc rò rỉ thông tin này đã khiến những người nắm được thông tin, đoán xu hướng thị trường sẽ có tỷ lệ thắng cao hơn. Những NĐT không có thông tin phải chấp nhận rủi ro lớn hơn.

Theo tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Kế toán - Ngân hàng, Đại học Mở TP.HCM, việc rò rỉ thông tin này đã gây ảnh hưởng xấu lên TTCK. Những người nắm được thông tin sẽ trục lợi được do đánh giá được xu hướng của thị trường.

Vấn đề đặt ra hiện nay là rò rỉ thông tin từ đâu? "Cửa" rò rỉ từ các CTCK gần như được loại trừ vì tự doanh là bí mật kinh doanh của mỗi CTCK nên ngay trong mỗi công ty cũng chỉ có 3 người biết là tổng giám đốc, giám đốc đầu tư và một nhân viên trong mảng này. Nhưng giả thuyết nếu có rò rỉ từ "cửa" này thì cũng chỉ lộ được một danh mục đầu tư của một CTCK. Tuy nhiên, trong bản "Thông tin giao dịch của các tổ chức" đang được phát tán hiện nay lại thống kê chi tiết và chính xác về danh mục, giao dịch từng ngày của tất cả các CTCK. Vì vậy, nghi vấn đang được dồn về 3 đầu mối còn lại nắm giữ thông tin này là UBCKNN, TTLK và Sở GDCK. Theo TS Thuận, việc tìm ra đầu mối rò rỉ không khó vì tài liệu được gửi qua e-mail. Chỉ là muốn tìm hay không mà thôi.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính tại TP.HCM khẳng định, không thể gọi đây là rò rỉ thông tin mà là tiết lộ. Thậm chí, không loại trừ đây là hành vi mua bán thông tin. Ông Hiển phân tích, trên TTCK, vấn đề đáng sợ nhất trước đây là thông tin nội gián. Nhưng hiện tượng tiết lộ thông tin này còn đáng sợ hơn thông tin nội gián vì đây là toàn bộ thông tin thị trường, từ bản tự doanh của các CTCK người ta có thể đoán được xu hướng và lướt sóng trục lợi. Thực tế chứng minh, trong tháng 3.2010 có 5 đợt sóng, mỗi đợt sóng mang lại mức tăng trung bình 5% - 7% thì cả tháng cũng mang lại khoản lợi nhuận khoảng 30%/tháng. Đây là mức lợi nhuận khổng lồ trong một thời gian cực ngắn. Và những người có thông tin từ bản tự doanh, biết được xu hướng thị trường đã bội thu.

Thị trường đang cần một "bàn tay sắt" để dẹp các thao túng kiểu này. 


1001 thủ đoạn trục lợi chứng khoán
( Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn )

đi trên dâyNhững tháng gần đây, các hiện tượng tiêu cực như công ty chứng khoán, cổ đông lớn thao túng thị trường, cổ đông nội bộ giao dịch nhưng không công bố thông tin... đang khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc.

Tại hội thảo "Thị trường chứng khoán 2010, cơ hội và thách thức", nhiều đại biểu đề nghị phải có biện pháp quản lý thị trường gắt gao hơn.

Một đại biểu tại hội thảo đưa ra ví dụ về trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Phương vừa bị Ủy ban Chứng khoán quyết định xử phạt: vào ngày 3-2, bà Phượng chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV của Công ty cổ phần vận tải Xi măng với mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ.

Giá cổ phiếu VTV vào thời điểm này khoảng 40.000 đồng. Đến ngày 24-3, bà Phượng đã bán 557.800 cổ phiếu VTV (chiếm 8,5% khối lượng niêm yết của cổ phiếu này) nhưng không thông báo với Ủy ban Chứng khoán và cũng không công bố thông tin theo quy định.

Giá khớp lệnh trong giao dịch này là 55.000 đồng/cổ phiếu, như vậy bà Phượng đã có lãi 8,3 tỉ đồng chỉ sau một tháng rưỡi đầu tư.

Đa dạng thủ đoạn trục lợi

Theo vị đại biểu này, bà Phượng mua cổ phiếu VTV không phải để nắm giữ mà chào mua công khai để kích giá.

Trong báo cáo giải trình việc giá cổ phiếu VTV tăng trần quá 5 phiên liên tiếp Công ty Vận tải xi măng cũng khẳng định việc mua cổ phiếu của bà Phượng là yếu tố khiến giá cổ phiếu này liên tục tăng.

Đà tăng giá của VTV đã khiến nhiều nhà đầu tư tăng mua vào; khi giao dịch bán ra của bà Phượng thực hiện xong cũng là lúc cổ phiếu VTV đi xuống liên tục, nhiều nhà đầu tư lỗ nặng khi thông tin bán ra hoàn toàn không được công bố.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Lâm Thị Hồng Hoa cho biết trong hai ngày 5 và 6 tháng 11 năm 2009, thanh tra của Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt 10 trường hợp, chủ yếu là không báo cáo thông tin.

Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2009 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng cho biết, qua theo dõi 484 lượt giao dịch của 280 cổ đông lớn, cơ quan này phát hiện 155 trường hợp vi phạm về công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội bộ và 38 trường hợp vi phạm về công bố thông tin khác.

Một đại biểu đến từ ngân hàng Agribank cũng cho rằng, hiện nay hiện tượng thao túng giá trên thị trường chứng khoán là “bình thường”.

Ông đưa ví dụ một công ty chứng khoán muốn đẩy giá một cổ phiếu nhỏ khi thị trường quá im ắng, chỉ cần bỏ ra khoảng vài trăm triệu đồng/phiên để mua vào là giá có thể tăng vọt, đến lúc giá lên cao thì có thể bán ra cả lượng cổ phiếu vừa mua (thường không lớn lắm) cộng với lượng cổ phiếu đang tồn ứ của mình một cách dễ dàng với giá không thấp.

”Thiệt thòi ở đây là các cổ đông nhỏ, vì thấy “sóng” lớn nên chạy theo, để rồi sau đó đành chấp nhận thua lỗ", vị này nhấn mạnh.

Cần kiểm soát gắt gao hơn

Vấn đề đặt ra gay gắt tại hội thảo là vì sao Ủy ban Chứng khoán không kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của công ty niêm yết, để xảy ra các vụ việc như trên, gây ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam?

Bên cạnh đó, việc làm giá cổ phiếu của các nhà đầu tư tổ chức, công ty chứng khoán vì sao lại không được theo dõi và phát hiện mà chỉ khi nhà đầu tư có ý kiến thì Ủy ban mới tiến hành kiểm tra?

Tiến sỹ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán có mặt trong hội thảo cho biết việc vi phạm của các doanh nghiệp niêm yết khi không công bố thông tin của các giao dịch nội bộ hiện nay rất phức tạp.

Khi có tin báo, Ủy ban phải lật lại dữ liệu, và phải phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra. Ủy ban chỉ có chức năng giám sát, thanh tra, và phải từ 3 đến 6 tháng sau khi kiểm tra thì thông tin mới được công bố.

Ông Sơn cho rằng thông tư 09/2010/TT-BTC mới ban hành đã quy định rõ cổ đông nội bộ khi bán cổ phiếu phải báo trước 3 ngày, và thời gian thực hiện không quá 2 tháng. Trường hợp bà Phượng là không báo cáo cho các cơ quan quản lý, vi phạm quy định về hành vi bán ra của cổ đông lớn.

Và dù Ủy ban Chứng khoán cũng đã nhiều lần xử lý các vi phạm "làm giá" của các công ty chứng khoán nhưng ông Sơn cho rằng, hiện nay mức phạt còn quá nhẹ: phạt hành chính cao nhất cho mọi vi phạm vẫn dưới 70 triệu đồng nên chưa đủ tính răn đe.

Ông Sơn cũng cho biết sắp có nghị định mới thay thế nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Nghị định này sẽ nâng mức phạt cao nhất lên 500 triệu đồng và thu lại các khoản thu bất hợp pháp.

Tuy vậy, một đại biểu cũng cho rằng, việc cần làm của cơ quan quản lý, giám sát thị trường là phải hệ thống hóa được dấu hiệu của các tình huống giao dịch bất lợi cho thị trường để tiến hành kiểm tra ngay khi thấy có dấu hiệu vi phạm, chứ “không nên để nhà đầu tư chờ đợi kết luận của thanh tra thường là khi đã quá muộn”.

Ngoài ra, “hai sở giao dịch chứng khoán phải tăng cường giám sát, có cơ chế ngăn chặn hành vi thao túng giá ngay từ lúc manh nha, tạo sự minh bạch trên thị trường”, một đại biểu khác đề xuất.


Giao dịch nội gián
(Theo Mai Phương//Báo Thanh Niên)

Tại VN, giao dịch nội gián không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn nóng bỏng với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Chịu phạt nhỏ, thu lợi lớn

Việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) vừa công bố xử phạt 3 nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tổng cộng 165 triệu đồng vì giao dịch nội gián lại dấy lên mối lo về vấn đề này trên thị trường.

Đó là trường hợp của bà Đào Thị Kiều, cổ đông nội bộ (chính xác là vợ của ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT) của CTCP Tập đoàn khoáng sản Hamico (KSH) đã tiết lộ thông tin nội bộ về việc triển khai dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng của KSH cho bà Nguyễn Thị Nhung và ông Nguyễn Văn Giống (đều ngụ tại tỉnh Hà Nam) để giao dịch cổ phiếu KSH trong tháng 9.2009, trước khi thông tin này được công bố. UBCKNN phạt bà Đào Thị Kiều và ông Nguyễn Văn Giống mỗi người 50 triệu đồng. Riêng bà Nguyễn Thị Nhung, cổ đông lớn của KSH, đã thực hiện giao dịch làm thay đổi vượt quá 1% số lượng cổ phiếu (CP) đang lưu hành của KSH mà không báo cáo nên mức phạt là 65 triệu đồng.

Theo Điều 181b của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2010: Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hoặc phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.


Theo tính toán, giao dịch nội gián kiểu này đã mang lại một khoản lợi nhuận lớn cho những người tham gia. Còn nhớ giá của KSH đầu tháng 9.2009 chỉ là 18.000 đồng/CP nhưng đã tăng liên tục và đạt mức giá 45.000 đồng/CP vào cuối tháng 9 (tăng 150%). Nếu NĐT có 10.000 CP KSH vào đầu tháng 9, trị giá 180 triệu đồng thì đến cuối tháng 9, số tiền mà họ thu được lên đến 450 triệu đồng. Con số 270 triệu đồng trong vòng một tháng quả là siêu lợi nhuận! Trong khi đó, theo các thông tin công bố của KSH thì bà Kiều đã mua vào 67.000 CP của KSH (chiếm 0,57%) từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10.2009. Riêng bà Nguyễn Thị Nhung là cổ đông lớn của KSH với hơn 1% số lượng CP đang lưu hành của KSH thì việc mua vào bán ra cũng đạt khối lượng lên đến hàng trăm ngàn CP. Điều đó có nghĩa là, lợi nhuận mà 3 cá nhân này thu được trong phi vụ này rất cao. Số tiền bị xử phạt thì chỉ là "hạt muối bỏ biển", không đủ sức để răn đe chứ chưa nói đến ngăn chặn. Đặc biệt tháng 9 cũng là thời gian mở đầu cho đợt tăng điểm khá ấn tượng của CP này với 19 phiên tăng trần liên tục. Sau đó, khi KSH chính thức công bố thông tin khai thác mỏ vàng Sa Khoáng thì CP tiếp tục có chuỗi tăng mạnh và đạt đỉnh cao 93.000 đồng. Trong khi đó, hàng loạt NĐT khác đứng ngoài nhìn giá KSH tăng vùn vụt mà không biết vì sao. Nếu ai liều nhảy vào ôm CP đúng "đỉnh" thì thiệt hại cũng không phải là ít.

Đây không phải là vụ xử phạt đầu tiên về giao dịch nội gián trên thị trường chứng khoán. Đầu tháng 12.2009, UBCKNN cũng công bố xử phạt ông Trần Công Phước - là nhân viên của CTCP phát triển nhà Thủ Đức (TDH) và ông Phạm Quốc Thắng 50 triệu đồng/người vì đã sử dụng thông tin nội bộ về việc TDH phát hành CP thưởng theo tỷ lệ 2:1 để mua bán...

Có thể truy tố hình sự  

Cuối năm 2009, thị trường chứng khoán Mỹ đã rúng động khi Giám đốc quỹ đầu cơ Galleon Group - ông Raj Rajaratnam và 5 người khác bị FBI còng tay vì tội tham gia vào một vụ giao dịch nội gián. Raj Rajaratnam đã phải nộp 100 triệu USD để được tại ngoại hầu tra trong khi số tiền thu lợi từ phi vụ giao dịch nội gián ước tính chỉ hơn 20 triệu USD. Các nhà chức trách Mỹ khi bắt giữ Raj Rajaratnam đã khẳng định quyết tâm trong việc triệt phá các vụ gian lận ở cấp cao nhất tại thị trường chứng khoán nước này.

Không chỉ Mỹ, giữa tháng 2.2010 vừa qua, Trung Quốc đã bắt giữ Hoàng Quang Dụ, người giàu nhất nước này thời điểm năm 2008, về tội giao dịch nội gián và hối lộ. Nhiều khả năng Hoàng Quang Dụ sẽ ngồi tù từ 10 - 20 năm.

Trong khi đó tại VN, vẫn chưa có cá nhân nào bị những hình thức xử phạt bổ sung ngoài việc phạt hành chính với một số tiền quá nhỏ. Và sẽ có nhiều người sẵn sàng nộp phạt để thu một nguồn lợi lớn hơn gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng (trường ĐH Mở TP.HCM) - muốn điều tra các hành vi giao dịch nội gián hay "làm giá" cổ phiếu không quá khó. Có thể kiểm tra những tài khoản giao dịch mua hay bán một lượng lớn CP trong thời gian ngắn và thường chỉ tập trung vào một mã CK, là sẽ biết được mục đích của giao dịch này. Đặc biệt cần kiểm tra kỹ tên người được ủy quyền giao dịch có mối liên quan thế nào đến các cổ đông nội bộ tại công ty niêm yết. Bên cạnh đó, mức phạt phải khá cao, thậm chí phải tịch thu toàn bộ số tiền hưởng lợi từ giao dịch nội gián này mới đủ sức răn đe. Còn chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cho rằng cần hoàn thiện hơn nữa các quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời UBCKNN phải đưa ra các giải pháp hữu hiệu để tăng ngăn chặn vấn nạn này.

Trên thực tế, Bộ luật Hình sự có quy định rất chặt chẽ các vụ vi phạm nội gián, trong đó có xử lý hình sự với mức cao nhất lên tới 7 năm tù. Chế tài đã có, thị trường đang chờ UBCKNN mạnh tay hơn với các giao dịch nội gián để làm sạch thị trường chứng khoán, tạo công bằng cho tất cả NĐT.
   

 Bẫy của giới đầu cơ
( Theo Nguyên Hằng // Báo Thanh Niên )

Thị trường đang có những uẩn khúc mà nếu không giải mã, sẽ có những nhà đầu tư (NĐT) bị sập bẫy mà không hiểu lý do vì sao.

Sự sụt giảm khó hiểu

Đang hồ hởi tăng giá bởi thông tin chia cổ phiếu thưởng, chia cổ tức, phát hành thêm... trước mùa đại hội cổ đông, chứng khoán đột nhiên quay đầu giảm liên tục. Không khí trên các sàn giao dịch trở nên nặng nề khi các NĐT truyền tai nhau khả năng lãi suất cơ bản sẽ tăng 0,5% trong tháng 4 tới. Ngân hàng HSBC "bồi" thêm một đòn khá mạnh khi dự báo lãi suất cơ bản sẽ tăng gấp đôi mức này, lên tới 1%... Và chứng khoán liên tục sụt giảm, NĐT hối hả xả hàng vì sợ chậm chân... Chiều ngày 25.3, Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về việc giữ nguyên lãi suất cơ bản 8% trong tháng 4 này. "Câu chuyện lãi suất" đã được hóa giải nhưng thị trường vẫn không thoát lên được dù có tăng nhẹ.

Trên thực tế, việc tăng lãi suất cơ bản không mấy ảnh hưởng đến thị trường. Căn nguyên của nỗi sợ hãi này là tăng lãi suất cơ bản sẽ dẫn đến tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp niêm yết, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh. Nặng hơn là doanh nghiệp sẽ không dám vay vốn để triển khai dự án vì lãi suất cao hơn mức sinh lời từ hoạt động kinh doanh...

Có thể nói, nỗi lo này là thừa vì lãi suất vay trung và dài hạn đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thỏa thuận nên mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện nay cũng lên tới 15 - 18%... Thậm chí, ngay cả trước khi được phép thỏa thuận lãi suất trung, dài hạn thì việc cộng thêm các loại phí, lãi suất cho vay thực tế ở các ngân hàng cũng đã lên tới mức 15 - 18%. Vì vậy, dù không tăng thì lãi suất cơ bản hiện nay cũng đã cao hơn mức 8%. Thế nên, nỗi lo sợ của NĐT về lãi suất cơ bản là hoàn toàn vô căn cớ vì thực tế thị trường đã áp dụng mức lãi suất này trong cả tháng qua.

Bỏ quên thông tin tốt

Trong khi rất dễ hoảng hốt vì những điều không thực tế như câu chuyện lãi suất kể trên, thì NĐT lại "bỏ quên" hàng loạt các thông tin tích cực khác. Nếu xét về các yếu tố nền tảng, tháng 3 năm nay là thời điểm thị trường tích lũy rất nhiều thông tin tốt. Đầu tiên, áp lực về lạm phát (CPI), nỗi lo lớn nhất của năm đã không còn nặng như tháng trước vì thời điểm công bố tăng giá điện, giá xăng, giá nước... đã qua. CPI tháng 3 đã được kiểm soát dưới 1%, nghĩa là áp lực về lạm phát cũng đã giảm mạnh.

Cuối tháng 3 là thời điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 1, theo thống kê chưa đầy đủ thì rất nhiều các doanh nghiệp niêm yết đã khởi động rất tốt về lợi nhuận đạt được trong quý đầu tiên năm. Việc Bộ Tài chính cho phép giao dịch ký quỹ và rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ từ T+4 xuống T+2, giúp NĐT quay vòng dòng tiền nhiều lần, thanh khoản sẽ được cải thiện... Còn nhớ thời điểm giữa và cuối tháng 3 năm trước, chứng khoán sôi động với thông tin ngày 31.3 các quỹ đầu tư sẽ "đẩy" thị trường lên để chốt NAV (giá trị tài sản ròng). Tuy nhiên năm nay, thông tin này cũng bị "lờ" đi...

Điều gì đang thực sự xảy ra? Tại sao bất chấp những thông tin tốt, thị trường lại rối ren vì các tin đồn, lao dốc bởi sự hoang mang vô căn cứ...?

Theo ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, thị trường đang bị ghìm xuống bởi bàn tay của giới đầu cơ. Các thông tin bất lợi đang được tung ra, các thông tin tích cực bị ém đi với mục đích "ghìm" chứng khoán xuống. Khi giá cổ phiếu đã xuống tới ngưỡng kỳ vọng, giới đầu cơ sẽ gom hàng. Đến thời điểm "rộ" mùa công bố báo cáo tài chính, các thông tin tích cực sẽ được tung ra, chứng khoán tăng trưởng, họ hốt bạc. Phương pháp không mới nhưng vẫn hết sức hiệu nghiệm do tâm lý của nhiều NĐT quá yếu, dễ bị tác động và họ chính là đối tượng bị "làm thịt" đầu tiên trong phi vụ này.

Theo dự báo, tuần sau chứng khoán sẽ tăng trở lại vì tâm lý NĐT về việc tăng lãi suất cơ bản đã được giải tỏa. Thứ hai tuần tới cũng là ngày cuối tháng 3, thời điểm các quỹ đầu tư chốt NAV nên khả năng thị trường được đẩy lên để làm đẹp báo cáo đã được tung ra từ phiên giao dịch cuối cùng của tuần này... Nếu kịch bản xảy ra đúng như vậy, những NĐT đổ xô bán chứng khoán trong các phiên giao dịch vừa qua đã chính thức bị sập bẫy.

Tâm lý số đông, việc "thẩm thấu" thông tin thiếu phân tích... là những nhược điểm của nhiều NĐT cá nhân mà giới đầu cơ chuyên nghiệp tận dụng tối đa để thao túng thị trường theo ý đồ riêng của mình.


Cẩn trọng với chỉ số
( Theo Mai Phương // Báo Thanh Niên )

 Cẩn trọng với chỉ số
 Nhà đầu tư đừng quá chú trọng đến sự tăng, giảm của chỉ số chứng khoán - Ảnh: D.Đ.M

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phải thay đổi cách tính đối với cổ phiếu của CTCP khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) để giảm tác động “ảo” của cổ phiếu (CP) này đến chỉ số HNX-Index. Điều này đã làm nảy sinh câu hỏi, có nên tiếp tục nhìn theo các chỉ số chứng khoán này để đầu tư nữa hay không?

Từ trước đến nay, hai chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index đều tính theo công thức là tổng giá trị thị trường hiện hành/tổng giá trị thị trường cơ sở rồi nhân với 100. Hiểu đơn giản là lấy tất cả khối lượng niêm yết của CP trên sàn và nhân với giá của từng mã CP tương ứng đang giao dịch sẽ ra tử số. Thông thường mẫu số sẽ không thay đổi (nếu loại trừ việc có thêm CP mới đưa vào giao dịch). Do đó, việc thay đổi giá của các CP trên sàn sẽ làm chỉ số chứng khoán thay đổi. Đặc biệt, những CP có khối lượng niêm yết lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường thì sự tác động càng lớn.

Giao dịch ít, tác động nhiều

Tuy nhiên trong trường hợp CP SQC, tổng khối lượng niêm yết là 100 triệu đơn vị nhưng trên thực tế, khối lượng tự do chuyển nhượng là 11.253.000 đơn vị, khoảng 1/10 so với tổng khối lượng niêm yết. Số còn lại bị hạn chế chuyển nhượng. Thậm chí, trong nhiều phiên, CP này chỉ giao dịch khoảng 100 đơn vị nhưng với cách tính trên, giá CP SQC tăng thì HNX-Index cũng tăng theo và giá giảm thì ngược lại đã khiến nhà đầu tư (NĐT) "tá hỏa".

Do quy mô của sàn Hà Nội còn nhỏ nên chỉ cần kích giá hay giảm giá CP của SQC là đạt được mục đích kéo thị trường theo ý đồ riêng của mình. Vô hình trung nhiều NĐT muốn tạo ra hiệu ứng trên thị trường đều nhắm vào SQC để thực hiện. Đây là lý do, HNX đã chính thức điều chỉnh giảm khối lượng CP của SQC tham gia tính HNX-Index từ ngày 26.3, nhằm bảo vệ quyền lợi NĐT và đảm bảo chỉ số này phản ánh được thực chất xu thế biến động của thị trường. Theo đó, chỉ tính khối lượng 11.253.000 CP SQC được tự do chuyển nhượng thay vì lấy toàn bộ 100 triệu CP niêm yết trong rổ tính HNX-Index. Đây là lần đầu tiên có trường hợp điều chỉnh giảm khối lượng của CP đưa vào rổ tính chỉ số chứng khoán tại VN.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng (trường ĐH Mở TP.HCM), việc thay đổi chỉ tính theo số lượng CP đang được phép tự do chuyển nhượng là tất yếu. Nhiều nước cũng đã thực hiện theo cách này. "Sắp tới sẽ có những doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đưa vào niêm yết với khối lượng CP lớn như niêm yết toàn bộ CP của Vietcombank, hay MobiFone... thì với cách tính cũ cũng sẽ xảy ra hiện tượng như SQC. Do đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên ban hành quy định rõ và áp dụng cách tính này cho tất cả CP trên thị trường, không phân biệt giá trị vốn hóa thị trường lớn hay nhỏ", TS Thuận nói.

Không "nhìn" chỉ số đoán xu hướng

Ở thị trường nhiều nước, chỉ số chứng khoán còn được các công ty chứng khoán làm nền tảng đưa ra các công cụ chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai, đầu tư theo chỉ số... Vì vậy khi chỉ số chứng khoán bị sai, NĐT sẽ bị rủi ro dẫn đến thua lỗ do kết quả không như dự báo. Khi đó, thậm chí NĐT có thể kiện công ty điều hành sở giao dịch để đền bù thiệt hại vì những sai sót đã gây ra. Tại thị trường VN, do chưa có những công cụ chứng khoán phái sinh này nên tác động trực tiếp của chỉ số chứng khoán chưa có. Tuy nhiên, nhiều NĐT vẫn thường nhìn vào chỉ số chứng khoán để dự báo về xu hướng chung của thị trường, nhất là những NĐT đầu tư theo mô hình kỹ thuật. Chính vì vậy, khi HNX công bố cách tính đối với SQC, không ít NĐT đã phải giật mình.

Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần phải tính đến việc đảm bảo được các chỉ số phản ánh đúng diễn biến giao dịch trên thị trường để giữ được lòng tin của NĐT. Đặc biệt, cần tránh những thiệt hại cho NĐT khi các chỉ số chứng khoán được sử dụng nhiều hơn trong các mô hình phân tích và dự báo trên thị trường.

Bên cạnh đó, chỉ số chứng khoán VN cũng chưa phản ảnh được sức khỏe của nền kinh tế - điều mà chỉ số chứng khoán ở nhiều thị trường khác đã thực hiện được. Lý do là số lượng các công ty niêm yết trên sàn vẫn ít và quy mô nhỏ, chưa phải là đại diện cho các ngành kinh tế. Bản thân các NĐT cũng không nên quá chú trọng vào sự tăng giảm của chỉ số chứng khoán chung mà nên phân tích tìm hiểu kỹ hơn về giá trị, hiệu quả của từng doanh nghiệp để có quyết định đầu tư thích hợp.

( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)

  • 15 cổ phiếu được Warren Buffett chuộng nhất
  • Quản trị công ty niêm yết: Mới dừng ở mức đối phó
  • Đúng nhưng chưa đủ!
  • Chứng khoán đa cấp
  • Chuyện tình “một chỉ vàng” và trò phù phép chứng khoán Penny
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com