Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 3: Bị "xẻ thịt"

Thuốc độc

Ngày 23.10.2009 được coi là một cột mốc đáng nhớ nhất đối với không ít "cá mập" khi VN-Index tụt dốc rất mạnh. Nếu như trước đó, “đặc quyền” đòn bẩy tài chính lên tới 70-90% tạo ra các “siêu quyền lực” thì lúc này lại trở thành liều thuốc cực độc cho “cá mập”. Một đại gia chứng khoán tên H. (khách hàng VIP tại một công ty chứng khoán (CTCK) nổi tiếng về đòn bẩy tài chính tại Hà Nội) than thở: "10 ngày, mỗi ngày chị "bong" 1 tỉ, buốt hết cả ruột. Giờ sợ đòn bẩy chết khiếp". “Cá mập” này cho biết, lãnh đạo CTCK nơi chị mở tài khoản có tuyên bố trên báo, không ép nhà đầu tư bán chứng khoán khi thị trường tụt dốc. Nhưng thực tế là họ tự động bán sạch “hàng hóa” trong tài khoản của nhà đầu tư để xiết nợ khẩn cấp. "Cá mập" từ những "siêu thượng đế" trở thành những con mồi mà CTCK khẩn cấp “xẻ thịt” để tránh bị mất vốn cho vay.

Các nhà đầu tư bình thường lo sợ thị trường tụt dốc một thì đối với các "cá mập", nỗi lo này gấp 10 lần. Với những "cá mập" dùng đòn bẩy tới 80-90% (chỉ có 10-20% là tiền thật của nhà đầu tư) thì chỉ cần giá cổ phiếu giảm sàn 2 phiên đã bị CTCK "xẻ thịt" để xiết nợ. Trường hợp thị trường còn giảm tiếp nữa thì tất cả tiền của nhà đầu tư đều "bốc hơi". Cùng thời điểm này, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ra văn bản cảnh báo tới các CTCK về vấn đề không được bán trước T+4. “Đặc quyền” chạy trước của rất nhiều "cá mập" bị tước bỏ. Tại 2 CTCK được coi là ngôi sao đang lên trên thị trường môi giới, từ sau đợt tụt dốc của thị trường ngày 23.10, rất nhiều khách VIP tại đây "đổ máu đầy sàn" (tiết lộ của một "cá mập" chứng khoán thường ngồi ở CTCK T).

“Đội đại gia” tan vỡ

Ngoài việc chịu thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều các nhà đầu tư bình thường, những siêu liên kết của "cá mập" cũng tan vỡ khi thị trường tụt dốc. Phó tổng giám đốc một CTCK có trụ sở chính tại TP.HCM nói với PV Thanh Niên: "Khi thị trường lên thì các đại gia cùng đẩy giá, làm giá, rồi bắt tay nhau rất xôm tụ. Anh em vui vẻ đồng hướng, đồng lòng. Nhưng khi thị trường đảo chiều thì mạnh ông nào ông nấy chạy". Chuyên gia này tiết lộ: đã có không ít vụ đại gia chứng khoán đánh chửi nhau vì không giữ đúng cam kết khi thị trường giảm mạnh. "Những chuyện như thế này chẳng phải xảy ra lần đầu nhưng gần đây thì nó phổ biến hơn", ông này nói.

Trong số các vụ tan vỡ của các "đội đại gia" phải kể đến vụ làm giá KSH (Công ty khoáng sản Hà Nam). Theo tiết lộ của một "cá mập", "đội đại gia" dự kiến sẽ đẩy KSH lên 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng mới đến 82.000 đồng/cổ phiếu thì một “cá mập” lén xả hàng do dự báo thị trường có biến. Và quả nhiên, 2 hôm sau (ngày 23.10) thị trường tụt dốc thật và giá của KSH giờ chỉ còn khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu. Cho tới thời điểm hiện tại, một số "cá mập" bị CTCK xả hàng (do dùng đòn bẩy tài chính lớn) đành cam chịu một cục lỗ to đùng. Một số khác thì ngậm đắng nuốt cay, tiếp tục ôm một lượng lớn cổ phiếu mà một phần trong đó là của "đồng đội" đã bán lén...

Tương tự là vụ làm giá TDH (Công ty nhà Thủ Đức). "Đội đại gia" tại Hà Nội hò hét nhau, bắn tin loạn xạ là sẽ đẩy lên 150.000 đồng/cổ phiếu nhưng lên khoảng 110.000 đồng thì đã bị "lộn cổ". Thời điểm TDH "lộn cổ" cũng trùng với thời điểm 23.10 và "đội đại gia ngày trước vốn khăng khít để giữ giá, thì giờ mạnh ông nào ông ấy chạy", một môi giới chứng khoán VIP tiết lộ.

Nếu như trước đây, các tin tức về việc "làm giá" của các “cá mập” được coi là tin "hot", nhiều nhà đầu tư săn lùng trên thị trường thì nay các tin tức đó bị coi là lừa đảo để rình bán cổ phiếu. Hệ thống truyền tin "làm giá" qua tin nhắn, YM, google talk... bị tẩy chay. Các môi giới cho khách VIP tại các CTCK cũng không còn chơi theo "cá mập" nữa bởi chính họ cũng "tóe máu đầy sàn" (cách nói chỉ việc lỗ cực nặng do giá cổ phiếu giảm) khi đánh đu với "cá mập".

Niềm tin của các nhà đầu tư vào "quyền lực của các đại gia chứng khoán" đã bốc hơi chỉ sau hơn 1 tuần kể từ ngày 23.10. Lý do là trong vài phiên, không ít tin tức được bắn ra rằng thị trường sẽ đảo chiều do đại gia làm giá cổ phiếu này, cổ phiếu nọ. Nhưng đến cuối phiên, nhà đầu tư mới nhận ra đó là do giới “cá mập” tung ra tìm đường tháo chạy.

Giải thích về sự sụp đổ nhanh chóng của quyền lực làm giá do "cá mập" tạo ra, chị T. - một "cá mập" cỡ bự đất Hà thành - tiết lộ: "Trước đây, việc làm giá thành công là nhờ các đại gia nương theo thị trường và kích cho giá một số cổ phiếu tăng mạnh hơn chứ không phải là có thể thao túng tùy thích. Còn khi thị trường đã xấu như bây giờ thì đại gia hay "đại giời" cũng không cứu được giá cổ phiếu. Lúc đó thì chuồn lẹ là tốt nhất chứ chẳng có ai lo cho mình được đâu".

( Tác giả: Hoàng Ly // Báo Thanh Niên )

Bài thuộc chuyên đề: Kiến thức chứng khoán

  • 15 cổ phiếu được Warren Buffett chuộng nhất
  • Quản trị công ty niêm yết: Mới dừng ở mức đối phó
  • Đúng nhưng chưa đủ!
  • Chứng khoán đa cấp
  • Chuyện tình “một chỉ vàng” và trò phù phép chứng khoán Penny
  • Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài 4: Cần một “bàn tay sắt”!
  • Thế giới "cá mập" chứng khoán - Bài cuối: Cần một sân chơi bình đẳng
  • Rủi ro từ các "siêu liên kết" trên thị trường chứng khoán
  • Niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ: Cần bao nhiêu tiền ?
  • Lựa chọn chỉ báo trung bình động SMA thích hợp nhằm xác định thời điểm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
  • Quản lý quan hệ cổ đông ở công ty đại chúng
  • Bán cổ phiếu và những sai lầm cần tránh
  • Kinh nghiệm chơi chứng khoán (1): Cẩm nang cho nhà đầu tư mới vào nghề
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com