Với 48 triệu dân, thu nhập bình quân 20 nghìn USD /người/năm, người tiêu dùng Hàn Quốc đang chuyển từ sản phẩm thực phẩm thông thường sang thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo sức khoẻ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngay phở - một sản phẩm “đặc trưng” của VN thì tất cả thành phần làm nên bát phở tại Hàn Quốc hiện nay lại đều không phải được nhập từ VN mà từ Thái Lan.
Phở Hòa - một tiệm phở Việt nổi tiếng tại Hàn Quốc
Ông Staley Park, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm của Hàn Quốc - Chủ tịch Cty Coman Corp, một trong những Cty lớn của Hàn Quốc chuyên nhập khẩu các loại gia vị, thực phẩm chế biến từ các nước vào Hàn Quốc cho biết, bánh phở, nước phở cô đặc, gia vị phở của hơn 900 hàng phở Việt tại Hàn Quốc hiện nay đều được nhập từ Thái Lan.
Lưu ý từ... cọng rau mùi
Năm 2009, kim ngạch thương mại song phương VN - Hàn Quốc duy trì xấp xỉ 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của VN vào Hàn Quốc đã tăng gần 16% so với năm 2008, tuy nhiên mới chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD. |
Theo ông Staley Park, nguyên nhân khiến phở không được nhập từ VN là bởi thị trường Hàn Quốc đã có mối quan hệ với Thái Lan, còn các DN chưa biết cách nào để vào thị trường này. Staley Park kể lại câu chuyện năm 2005 ông đã đến TP HCM tìm hiểu để nhập bánh phở, bánh đa nem của VN. Ông mang trong mình ba câu hỏi: cần gì, mua gì và bán sản phẩm với giá như thế nào ? Đến đây thì ông nhận thấy rằng, các nhà xuất khẩu VN vẫn quen “ngồi tại chỗ” để khách hàng tự tìm đến, chưa nắm bắt và chủ động tìm đến nhu cầu của khách hàng. Điều đó thể hiện ở việc ông nhìn bánh phở, bánh đa nem của VN dù sử dụng nguyên liệu từ gạo nhưng lại có màu trắng. Như vậy, các sản phẩm này chắc chắn đã được dùng chất tẩy trắng. Đối với một số thị trường, chất này được dùng với hàm lượng nhất định, nhưng với Hàn Quốc thì không, Staley Park cho biết.
Riêng đối với phở, các DN của VN không hiểu rằng, chỉ cần cho rau mùi vào sản phẩm phở thì họ sẽ không bao giờ ăn vì người Hàn Quốc rất ghét mùi vị của rau mùi. Mà thay vào đó, chỉ cần một chút hành Hàn Quốc và mấy lát thịt bò rất mỏng, và người Hàn Quốc cũng không có thói quen dùng bột ngọt, bột canh, không ưa hương vị thịt gà... Staley Park nhấn mạnh, để biết và hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng, không có cách nào khác là DN VN phải tự đi, đến, và tìm hiểu. Đây chính là lý do vì sao phở Việt lại thua Thái Lan trên thị trường Hàn Quốc trong khi VN có những nhà máy lớn. Đây là vấn đề DN VN chưa biết tiếp cận với khách hàng lớn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của chính sản phẩm nông sản VN.
Tiếp cận khách hàng qua nhà phân phối
Bà Lê Hoàng Oanh- Phó Cục trưởng Cục XTTM, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN sang Hàn Quốc có sự đóng góp của các mặt hàng nông sản, thực phẩm như: hàng thuỷ sản, rau quả, cà phê, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc... Tuy nhiên, hiện nay ở Hàn Quốc vẫn duy trì những quy định khá chặt chẽ về quy trình nhập khẩu, về nhãn mác, xuất xứ, về kiểm dịch... đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Do vậy, “nhập gia tuỳ tục” - để có thể tiếp cận thị trường hàng thực phẩm chế biến Hàn Quốc, đòi hỏi các DN VN nắm vững các thông tin, kiến thức về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nhà nhập khẩu Hàn Quốc, cũng như các quy đinh, yêu cầu cụ thể về nhập khẩu của thị trường này.
Người Hàn Quốc cực kỳ khó tính, hay nói đúng hơn là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất được coi trọng. Chính vì vậy, mới có câu chuyện một bà nội trợ mua thực phẩm tôm trong siêu thị bị lẫn hai mẩu tre nhỏ, bà này chụp ảnh thực phẩm lẫn tạp chất và gửi đến Cục quản lý thực phẩm Hàn Quốc và ngay lập tức Cục này gọi DN nhập khẩu cũng như nhà phân phối sản phẩm để “làm việc”, từ đó có giải trình và đền bù thỏa đáng... Đây là điều mà các DN VN phải hết sức lưu ý. Theo Thương vụ VN tại Hàn Quốc, trong 480 triệu USD VN xuất khẩu sang Hàn Quốc hiện nay, đa phần là thuỷ sản tươi sống và chế biến, tôm, cá mực, cá cơm, cà phê, hồ tiêu... Chưa có thống kê đầy đủ nhưng đã có hàng trăm DN đã xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc các mặt hàng này. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa hiểu rằng, cũng như Nhật Bản, kênh phân phối ở Hàn Quốc khá phức tạp. Thị trường có những nhà nhập khẩu chính sẽ cung ứng sản phẩm cho các nhà phân phối. Các nhà phân phối bán sản phẩm vào hệ thống hệ thống siêu thị từ lớn đến bé. Các siêu thị này đảm nhiệm quá trình phân phối hàng hoá mang tính chất khu vực.
Để biết thêm thông tin quy định về thực phẩm của KFDA xin hãy xem tại : http://fa.kfda.go.kr/foodadditivescode.html; và website về thuế của cơ quan Hải quan Hàn Quốc (thuế theo AKFTA) http://english.customs.go.kr/ |
Chuyên gia Staley Park lấy kinh nghiệm từ chính Cty của mình, rằng dù là một nhà nhập khẩu lớn nhưng Cty ông không thể đưa sản phẩm đến được vùng sâu vùng xa, vì vậy, nắm được các nhà phân phối khu vực là điều vô cùng quan trọng. Hiện nay, Hàn Quốc có hai thị trường khác nhau là đại siêu thị và bán lẻ. Và theo các chuyên gia, chúng ta nên áp dụng phương thức hiện đại là tập trung vào thị trường lớn (75%) và bán lẻ (25%). Với kinh nghiệm của Cty Coman Corp, Staley Park cho rằng, sự giao tiếp giữa Cty xuất khẩu và nhà phân phối sẽ tạo nên sự ổn định về thị trường cũng như mở rộng quy mô. Còn nếu các nhà xuất khẩu chỉ làm việc riêng với nhà nhập khẩu thì cũng sẽ rất rủi ro. Và để tìm được các đối tác thực sự cho nhà xuất khẩu, các DN VN không có cách nào khác là phải đến tận nơi, trao đổi trực tiếp, mục sở thị DN, từ cơ sở vật chất, kho tàng, nhà xưởng, bộ máy, nhân lực... Staley Park chia sẻ.
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com