Năm 2009, ước tính có gần 12 triệu chiếc điện thoại di động đã được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Trong số đó, phân khúc máy có giá dưới 2 triệu đồng chiếm 60%, máy 5-10 triệu đồng chiếm 8% về số lượng nhưng đến 25% về doanh thu, còn phân khúc máy trên 10 triệu đồng tuy chỉ chiếm gần 1% về số lượng nhưng lại hơn 10% về doanh thu.
Thị trường điện thoại di động năm 2009 dù tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tăng 20% so với năm 2008. Dự báo năm nay mức tăng trưởng toàn thị trường đạt hơn 30% và sẽ có những xu hướng phân hóa rõ nét hơn trong các phân khúc sản phẩm.
Các cuộc khảo sát tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn cho thấy từ năm 2009, các dòng điện thoại xuất xứ từ Trung Quốc đã tăng nhanh thị phần, chiếm đến 30% so với mức 10% hồi năm 2008. Đây là yếu tố lớn tác động đến thị trường trong năm qua, làm thay đổi thị phần của nhiều nhà cung cấp.
Do sự xuất hiện của dòng sản phẩm này mà các hãng đã liên tục điều chỉnh giá bán để cạnh tranh, đặc biệt ở phân khúc lớn nhất của thị trường – có mức giá dưới 2 triệu đồng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, phân khúc này đã bước vào mức tăng bão hòa, hiện vẫn duy trì ở mức 30% nhưng đã có những điều chỉnh về giá cả, đồng thời chưa có nhiều sản phẩm đột phá trên thị trường so với năm ngoái.
Sự đột phá của kênh sản phẩm này trong năm 2009 đã lấn vào thị phần của các thương hiệu lớn như Nokia, Samsung, Sony Ericsson và Motorola. Hai thương hiệu được ghi nhận có tăng trưởng về thị phần trong năm qua là LG và HTC. Đây cũng là hai thương hiệu được xem có sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong năm nay.
Theo ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, các kênh phân phối như của Thế Giới Di Động hay Viễn Thông A chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, có mức doanh thu trung bình cao, nếu so với mức chung của thị trường chính thống thì doanh thu trung bình của một điện thoại trong năm qua ước tính dưới 2 triệu đồng.
Các dòng điện thoại giá rẻ chiếm tỷ trọng lớn, máy dưới 2 triệu đồng chiếm khoảng 60% số lượng bán ra trên toàn hệ thống. Các dòng máy hai sim hai sóng có chức năng quay phim, chụp hình và hỗ trợ thẻ nhớ được tiêu thụ nhanh đã giúp thúc đẩy khu vực sản phẩm này. Theo ông Huân, trong năm nay các sản phẩm mang thương hiệu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp tỷ lệ đáng kể cho thị trường ở phân khúc này.
Từ đầu năm đến nay dù chưa có sự thay đổi mang tính xu hướng giữa các dòng sản phẩm và thương hiệu nhưng đã có sự bứt phá ở hai phân khúc chính, máy có mức giá 2-4 triệu đồng và máy trên 10 triệu đồng. Đây sẽ là hai phân khúc có mức tăng nhanh về số lượng trong năm nay bởi khách hàng ngày càng có xu hướng sử dụng máy có cấu hình mạnh hơn. Thêm vào đó, sự ra đời của các mạng 3G đang hứa hẹn tác động lên xu hướng sử dụng điện thoại mới.
Mặc dù các dịch vụ về 3G chưa làm khách hàng hài lòng nhưng thị phần của nhóm thiết bị mang công nghệ này đang tăng lên. Trên thị trường hiện có gần 50 mẫu điện thoại 3G của các hãng như Samsung, HTC, Nokia, Sony Ericsson, LG... Hồi giữa năm ngoái, một điện thoại có tích hợp chip 3G được bán với giá khoảng 5 triệu đồng. Hiện nay dẫn đầu về mức tiêu thụ trong nhóm này có thể kể đến Samsung B3210, Nokia E63…
Thị trường cũng chứng kiến nỗ lực của VinaPhone kết hợp với đối tác tung ra mẫu máy Alo 1280 tích hợp gói dịch vụ 3G giá 1,6 triệu đồng. Nokia là hãng đầu tiên cho ra mắt điện thoại 3G giá rẻ 2730 với giá hơn 2,1 triệu đồng, sau đó đã nhanh chóng giảm xuống và nay còn dưới 1,9 triệu đồng. Dù còn nhiều điểm hạn chế như máy có màn hình nhỏ, tốc độ xử lý chậm, hạn chế trong các ứng dụng văn phòng… nhưng việc ngày càng có nhiều sản phẩm 3G giá rẻ sẽ tạo thành kênh giúp phổ biến dịch vụ 3G đến phân khúc tiêu dùng có thu nhập thấp.
Theo bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Công ty Viễn Thông A, năm 2009 các dòng máy 3G chỉ chiếm khoảng 10% số lượng máy bán ra tại chuỗi cửa hàng này, năm nay công ty dự đoán sẽ tăng lên trên 30%. Mức dự đoán này dựa vào yếu tố mạng 3G sẽ ngày càng ổn định và dịch vụ đa dạng hơn, trong khi nhiều nhà sản xuất đang nhắm tung ra nhiều sản phẩm 3G giá rẻ.
Bên cạnh đó, kể từ giữa năm 2009, các dòng điện thoại thông minh, điện thoại màn hình cảm ứng, kết nối Wi-Fi và 3G hỗ trợ nhiều tính năng đã hấp dẫn thị trường. Dòng máy có mức giá từ 5 triệu đến 10 triệu đồng ngày càng rộng và có nhiều sự chọn lựa, dù chỉ chiếm khoảng 8% số lượng bán ra nhưng đã mang lại khoảng 28% doanh thu.
Nhưng cạnh tranh mạnh mẽ nhất hiện nay là dòng máy “siêu cấp” có mức giá trên 10 triệu đồng. Đây là những sản phẩm đặc thù, kén chọn khách hàng nhưng làm nên thương hiệu và mang lại doanh thu lớn cho các hãng. Từ đầu năm đến nay, các hãng đều vào cuộc bằng việc tung ra những “sản phẩm đỉnh” và có chiến lược khuếch trương thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt là sau khi iPhone xuất hiện chính thức tại Việt Nam, diễn biến thương trường càng mạnh mẽ hơn, hứa hẹn cuộc cạnh tranh mạnh nhất trong năm nay sẽ thuộc về phân khúc này.
Cuộc chiến này còn là cách để giành “tín đồ” của các hệ điều hành khác nhau như iPhone, Windows Mobile, Android, Symbian… Cùng với sự xuất hiện đều đặn của các dòng máy của HTC thì mới đây nhất là sự trình làng đầy ấn tượng của Xperia X10 của Sony Ericsson, Milestone của Motorola, N900 của Nokia và dự kiến sắp tới là Samsung phiên bản Wave hay Galaxy S.
(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com