Năm 2008, thị trường hàng hóa Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Những sự kiện đó diễn biến dưới nhiều hình thức, trong các lĩnh vực khác nhau. Sang năm mới, “thượng đế” sẽ phải đối mặt với diễn biến
tương lai như thế nào?
Lúng túng trong năm cũ
Thật ra, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong năm 2008 trở nên nổi cộm bởi lẽ nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Thị trường hàng hóa cũng dần trở nên phong phú và phát triển ngày càng mạnh mẽ với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cùng với sức tăng trưởng quá nhanh của thị trường hàng hóa thì các hành lang pháp lý về thương mại, đặc biệt là quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về cạnh tranh vẫn chưa thực sự trở thành “cây đũa thần” để bảo vệ mọi người.
Chỉ nói riêng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm - một trong những đề tài “nhạy cảm” do là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người - các cơ quan quản lý nhà nước dường như vẫn còn khá lúng túng khi xử lý các vụ việc.
Đơn cử như vụ “cơn bão melamine” tràn qua Việt Nam vào tháng 9-2008, dù cơ quan chức trách đã công bố thành công trong việc đảm bảo an toàn thị trường sữa trong vòng 3 tháng kể từ ngày phát hiện vụ sữa nhiễm melamine đầu tiên, nhưng niềm tin của người tiêu dùng thì vẫn chưa lấy lại được.
Tại sao? Bởi lẽ hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen thuộc với tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi không có những “cơn bão melamine” thì mọi người cũng quá quen tai với những vụ “ngộ độc tập thể”, “hàn the”, “rượu độc”…
Ở nhiều nước, khi phát hiện hành vi vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì biện pháp xử lý rất nặng, kể cả việc cách chức các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan hoặc đóng cửa vĩnh viễn các doanh nghiệp sai phạm, thì ở ta, những hành động mang tính răn đe khi xử phạt sai phạm vẫn là những “sự kiện hy hữu”. Ngay như hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu vốn bị lên án như một vấn nạn quốc gia thì các trường hợp phạt nặng vẫn còn hiếm hoi.
Có thay đổi trong năm mới?
Theo phân tích về khoa học pháp lý, những hệ quả phát sinh trên phần nào do chúng ta chậm cập nhật các quan điểm pháp lý mới trong giai đoạn kinh tế hội nhập toàn cầu.
Thử nhìn lại Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - văn bản pháp quy có giá trị cao nhất trong lĩnh vực liên quan - cho thấy đang tồn tại nhiều bất cập, như quy định tại Điều 1: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức” đã thể hiện các yếu tố không chặt chẽ, khó áp dụng.
Nhiều phân tích cho rằng dùng khái niệm “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng…” có thể bị hiểu dưới hai nghĩa khác nhau: “người mua và sử dụng…” (một người vừa “mua” vừa “sử dụng”) hoặc “người mua và người sử dụng…” (hai người hoàn toàn khác nhau). Trong khi trên thế giới, yếu tố “mua” không phải là yếu tố quyết định bởi lẽ người sử dụng hàng hóa, dịch vụ do người khác cho, tặng… vẫn được coi là “người tiêu dùng”.
Hoặc như quy định “… mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức” là không khả thi vì làm sao chứng minh được hành vi “mục đích tiêu dùng sinh hoạt” – một khái niệm hoàn toàn mới mà nhiều người chỉ biết kể từ khi… có Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là chưa kể hàng loạt những quy định khác đầy những “khe hở” mà nếu phân tích, không ít người cho rằng pháp lệnh này chẳng có tác dụng về thực tiễn.
Năm 2009, thị trường bán lẻ trong nước đã rộng mở cho các “đại gia” nước ngoài hoạt động kinh doanh. Những thực tiễn đó càng thôi thúc các nhà lập pháp phải nghiên cứu từ kinh nghiệm thế giới để xây dựng đạo luật hiệu quả hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhưng có thể dự đoán, năm 2009 chưa phải là năm có quá nhiều sự thay đổi bởi vì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội xác định lộ trình “ra đời” vào năm 2010. Điều đó cũng đồng nghĩa những quy định pháp lý trong lĩnh vực này vẫn tạm thời “giậm chân tại chỗ”, và người tiêu dùng thì vẫn phải tập sống chung với tình trạng của năm cũ.
Trên thế giới, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề cực kỳ quan trọng và đạo luật liên quan đến lĩnh vực này là một trong những luật quan trọng nhất vì tính áp dụng rộng rãi. Và bất kỳ hoàn cảnh nào, chính sách quốc gia về người tiêu dùng luôn hướng đến mục tiêu bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thị trường hàng hóa, chống nạn cạnh tranh bất hợp pháp và tạo điều kiện giúp người dân hưởng quyền lợi chính đáng.
Nói cách khác, vấn đề ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo sự công bằng trong hoạt động cạnh tranh thương mại, phát triển bền vững nền kinh tế. Mong rằng các nhà lập pháp sẽ quan tâm hơn đến các khía cạnh này, áp dụng hiệu quả vào việc xây dựng đạo luật liên quan.
(Theo báo Sài Gòn online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com