Đến cuối năm 2008, tổng số thuê bao di động trên cả nước đã vượt qua con số 66 triệu, gấp hơn 20 lần so với cuối năm 2003! Bên cạnh đó, giá cước điện thoại di động (ĐTDĐ) lại giảm đến 50% so với năm 2004. Đây thật sự là những dấu hiệu thuyết phục của một thị trường viễn thông đang bùng nổ, biến Việt Nam thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng viễn thông hàng đầu thế giới.
Nhờ đâu mà nước ta đạt được những thành quả mơ ước này? Dễ dàng thấy rằng, đó là do việc xóa bỏ độc quyền, mở đường cho sự cạnh tranh khá sòng phẳng của các doanh nghiệp (DN) trên thị trường viễn thông.
Trong giai đoạn “sơ khai” của thị trường viễn thông di động VN (trước năm 2004), hơn 90% thị phần thuê bao di động thuộc về hai DN của VNPT là Mobifone và Vinaphone. Thời kỳ này gần như là một “khoảng lặng” của ngành viễn thông di động VN, số lượng thuê bao cũng như giá cước cứ tà tà! May thay, từ năm 2004 đến nay, nhờ được “dỡ rào” mà thị trường này sôi động hẳn lên.
SPT, Viettel, HT Mobile và EVN thi nhau chạy đua với Mobifone và Vinaphone về lượng thuê bao, vùng phủ sóng, giá cước, tiện ích… Kết quả là cả những người nông dân lam lũ ở nông thôn đến tầng lớp sinh viên thiếu trước hụt sau ở thị thành đều “xài” được “dế” hàng ngày!
Những tưởng một ngành quan trọng và “béo bở” như viễn thông mà đã dám đột phá để phù hợp với xu hướng chung thì nhiều ngành khác sẽ noi gương, nhưng thực tế lại còn lắm âu lo. Sau nhiều áp lực của dư luận, tháng 12-2008 vừa qua, Hiệp hội Bảo hiểm VN (AVI) đã phải ra văn bản yêu cầu dừng việc nâng lệ phí bảo hiểm (BH) tiêu chuẩn đối với ô tô mà một số DNBH đã áp dụng khoảng 2 tháng trước đó.
Đây là động thái miễn cưỡng của AVI bởi chính AVI đã “đạo diễn” ra vụ tăng mức phí BH mà các DN vận tải và dư luận cho rằng vi phạm Luật Cạnh tranh! Đầu tháng 10-2008, AVI đã làm “chủ xị” cho 16 DNBH cùng ký kết vào một thỏa thuận nâng mức phí BH tiêu chuẩn ô tô từ 1,3%/năm lên 3,95%/năm với lý do nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh tỷ lệ bồi thường cao?! “Thỏa ước” này đã gây ra phản ứng rất gay gắt ở các DN vận tải bởi càng làm ngành vận tải thêm điêu đứng trong lúc kinh tế suy giảm.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, đây chính là biểu hiện hình thức liên kết độc quyền của các DNBH nhằm triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh theo quy luật thị trường. Vụ việc có dấu hiệu phớt lờ Luật Cạnh tranh này đã và đang được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) điều tra để có hướng xử lý phù hợp.
Trước vụ AVI, cũng đã có chuyện Hiệp hội Thép ấn định giá thép, Hiệp hội Ngân hàng đề ra lãi suất trần… đều gây ra nhiều bức xúc vì có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Tất nhiên nền kinh tế của nước ta cần phải có những DN Nhà nước giữ vai trò “anh hai” nhưng cũng không thể để những “đại gia” này thao túng thị trường, làm lệch lạc quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.
Một nền kinh tế tích cực và lớn mạnh bền vững không thể dựa trên những DN được sự bảo hộ về thuế, giá; ưu đãi về tín dụng và hạn ngạch xuất nhập khẩu; về đặc quyền sử dụng tài nguyên mà phải nhờ có một cộng đồng DN cạnh tranh bình đẳng để ngày càng gia tăng giá trị sản phẩm dịch vụ và làm hài lòng khách hàng.
(Theo báo Sài Gòn online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com