Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Bộ sưu tập” máy bay của AIG có giá?

Không phải ai cũng biết nhà khổng lồ bảo hiểm Mỹ American International Group (AIG) sở hữu một trong những “bộ sưu tập” máy bay lớn nhất thế giới, đến 955 chiếc Boeing và Airbus. Số máy bay này thuộc chi nhánh của AIG, có tên International Lease Finance (ILFC), công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới. Nhiều tập đoàn đang nhắm đến việc mua lại số máy bay này khi AIG phải bán bớt tài sản để tái cơ cấu.

Công ty ILFC do Leslie Gonda và con trai Lous L. Gonda cùng Steven F. Udvar-Hazy thành lập năm 1973. Đến năm 1990, AIG mua lại nhưng vẫn để Udvar-Hazy điều hành. ILFC thực sự là một con bò sữa cung cấp tiền mặt của AIG, đã kiếm được 703,1 triệu USD trong năm 2008, tăng 16% so năm trước đó.

ILFC có một trong những đội máy bay lớn nhất thế giới

Đầu tháng này, ILFC thông báo sẽ tăng số máy bay lên 20%-30% trong vòng 12-18 tháng tới. Nhiều người nghĩ rằng chi nhánh phát đạt này đúng là những gì AIG cần để hỗ trợ bảo đảm giải quyết khoản cứu trợ 180 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ. AIG cũng luôn liệt kê ILFC vào danh sách các chi nhánh kinh doanh luôn có tăng trưởng tốt.

Nếu nhìn vào núi nợ của ILFC, công ty này đang được xem là thiếu tiềm năng. Hiện ILFC gánh nợ khoảng 32 tỷ USD, một số khoản trong đó đã được ấn định thời hạn thanh toán vào tháng 10 tới.

Trên sổ sách kế toán, ILFC có giá trị 7,8 tỷ USD nhưng theo Roger King, chuyên gia phân tích ở CreditSights, các đại gia có tiềm năng mua lại, gồm Thomas H. Lee Partners và Carlyle Group, Onex và Greenbriar Equity, Terra Firma Capital Partners... dường như miễn cưỡng ra giá chỉ được hơn 5 tỷ USD. Cần nói rằng không ai sẽ chạm đến ILFC khi chưa có dạng bảo đảm nào từ Chính phủ Mỹ, một cản ngại đến nay đã làm trì hoãn việc hoàn tất bất kỳ thỏa thuận nào.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã đề nghị cho vay 5 tỷ USD nhưng sẽ không bao gồm khoản tái cấp vốn và nợ trong vài năm tới, trong lúc các khoản này sẽ cần đến xấp xỉ 6 tỷ USD mỗi năm. Tuy ILFC vẫn có thể thanh toán các đơn đặt hàng trong năm 2009 với 168 máy bay (trị giá 16,7 tỷ USD) nhờ khoản bơm tiền mặt hơn 1 tỷ USD từ công ty mẹ AIG, các triển vọng lại không được tốt cho năm 2010 và tiếp sau đó.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích King, ai quyết định tìm cơ hội ở ILFC có thể có kết cuộc tốt. Hiện nay, AIG có nợ nhiều hơn tài sản nhưng trong vài năm tới, dự báo ILFC sẽ “phất” khi các hàng không cần thay thế máy bay cũ nhưng với nguồn vốn hạn chế, nhiều hãng sẽ phải chuyển sang thuê máy bay trong ngắn hạn thay vì mua hẳn để dùng trong 20-25 năm.

Hơn nữa, nhiều hãng hàng không phải cân nhắc việc sắm máy bay riêng vì chưa biết mình có thể còn tồn tại sau 25 năm nữa. Số phận của ILFC còn có ảnh hưởng nhiều hơn cả AIG. Thực tế, vai trò của ILFC với các nhà sản xuất máy bay Boeing, Airbus cùng hàng chục hãng hàng không toàn cầu còn nhiều hơn với AIG. Máy bay của ILFC đang được nhiều hãng hàng không thuê, trong đó có American Airlines, Continental Airlines, US Airways, Delta Airlines, JetBlue Airways,  Southwest Airlines...

(Theo TRI NHÂN // SGGP online/TheStreet)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Dịch vụ cho "quý cô" độc thân đắt hàng tại Nhật
  • Thị trường không cần nước mắt: Ra biển lớn cần thuyền trưởng giỏi
  • Gốm Bát Tràng có còn giữ vững được giá trị tinh hoa của sản phẩm thủ công truyền thống?
  • Celine Dion và câu chuyện hàng giả ở Trung Quốc
  • Trả lương bằng hiện vật: "Kinh tế tự nhiên" trở lại?
  • Ryanair tiết kiệm bằng ý tưởng lạ
  • Các doanh nghiệp Mỹ chuyển sang xe tải chạy điện
  • Mỗi tuần có 52 quán nhậu ở Anh "sập tiệm"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com