Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các hãng đồ hiệu chiều khách VIP Trung Quốc như “vua”

picture
Một trấn đấu polo lạc đà ở Mông Cổ, nơi khách VIP người Trung Quốc của Louis Vuitton được hãng này đưa tới thưởng thức - Ảnh: LV/WSJ.

Cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của thị trường hàng hiệu Trung Quốc, các thương hiệu hạng sang nghĩ ra đủ chiêu trò để cưng chiều các khách hàng quan trọng (VIP).

Theo báo Wall Street Journal, hãng đồ hiệu Burberry của Anh cho biết, hãng này đang nỗ lực phát triển quan hệ thân tình với những khách hàng được xếp vào nhóm “rất quan trọng”. Mới đây, Burberry đã mời một trong những khách hàng người Trung Quốc quan trọng nhất của hãng tới thăm một triển lãm kín của nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng người Peru Mario Testino. Toàn bộ chi phí của chuyến đi từ Thượng Hải tới Bắc Kinh của vị khách này đều do Burberry đài thọ. Thậm chí, Burberry còn sắp xếp để Giám đốc sáng tạo Christopher Bailey có cuộc gặp gỡ và thăm quan cửa hiệu của hãng tại Bắc Kinh cùng vị khách đặc biệt này.

Theo ông Jancu Koenig, Giám đốc marketing của Burberry tại châu Á, công ty này muốn bày tỏ sự đánh giá cao theo cách thân mật và để lại ấn tượng sâu sắc với vị khách hàng VIP. “Dĩ nhiên là chúng tôi cũng đã đem đến những cơ hội đặc biệt cho các khách hàng khác trên khắp thế giới. Nhưng ưu đãi nói trên là dành riêng cho vị khách VIP người Trung Quốc này. Trải nghiệm cá nhân đang ngày càng trở nên quan trọng ở Trung Quốc”, ông Koenig nói.

Ông Koenig không tiết lộ tỷ lệ doanh thu tại thị Trung Quốc từ những khách hàng “nặng ký” như thế. “Chúng tôi chỉ có thể nói rằng, nỗ lực hết sức để phục vụ họ là việc làm rất quan trọng”, ông Koenig phát biểu.

Burberry là một trong số những thương hiệu thượng lưu đang “trải thảm đỏ” dưới chân những khách hàng cỡ bự ở Trung Quốc. Các hãng đồ hiệu đang đua nhau đem đến cho khách VIP Trung Quốc những ưu đãi đặc biệt, chẳng hạn sản phẩm đặt làm riêng hay những trải nghiệm độc quyền để giành tình cảm và lòng trung thành của những vị khách lắm tiền nhiều của này.

Hãng Christian Dior đang có kế hoạch đưa những khách hàng Trung Quốc sộp nhất sang Paris tham dự chương trình biểu diễn thời trang mùa thu của hãng. Công ty bất động sản cao cấp Jinlin Group thậm chí còn thuê máy bay để đưa khách hàng tiềm năng tới các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Trước đây, các hãng đồ hiệu cũng đã sử dụng những chiến lược như vậy trên khắp thế giới để thu hút khách VIP. Tuy nhiên, chiến lược này đang phát triển nóng ở Trung Quốc cùng với sự nở rộ của các cửa hiệu cao cấp và cuộc chiến leo thang nhằm tranh giành khách hàng giữa các thương hiệu.

Mặc dù thị trường đồ hiệu nói chung của Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, một số lĩnh vực như đồng hồ và nữ trang đã bắt đầu cho thấy sự suy giảm tốc độ tăng trưởng doanh số. Trong quý 1 năm nay, doanh số của thị trường đồng hồ cao cấp Trung Quốc tăng 15%, so với mức tăng 40% đạt được cùng kỳ năm 2010 và 2011, theo số liệu mới nhất từ hãng tư vấn Bain & Co.

Mấy năm trước, Wang Ying, một “tín đồ” thời trang 26 tuổi ở Thượng Hải rất “kết” đồ Louis Vuitton và Gucci. Tuy nhiên, gần đây, Wang chuyển sang mua sắm thường xuyên ở cửa hiệu Villa ở Thượng Hải. Wang cho biết, nhân viên bán hàng ở cửa hiệu Villa đã trở thành bạn bè thân thiết của cô, thường xuyên trò chuyện với cô và cho cô xem trước sản phẩm “độc” của các nhà thiết kế ít tên tuổi hơn. “Không phải ai cũng mặc đồ của các nhà thiết kế này. Tôi cảm thấy mình nổi bật hơn”, Wang nói.

Tuy nhiên, Wang cho biết, các thương hiệu lớn mà cô hay mua đồ trước đây vẫn thường gọi điện cho cô mời tham gia những chương trình mua sắm dành riêng cho cá nhân. Trong những chuyến mua sắm như thế, cô được một nhân viên phục vụ riêng, tư vấn cách kết hợp trang phục và phụ kiện.

“Mỗi lần như thế, tôi lại tiêu nhiều hơn là tự mình mua sắm”, Wang cho biết. Theo Wang, cứ mỗi 2 tháng, cô lại mất khoảng 20.000 Nhân dân tệ, tương đương 3.150 USD, tiền mua sắm.

Hãng đồ hiệu pháp Louis Vuitton mới đây đã đưa 10 khách hàng VIP người Trung Quốc tới Mông Cổ bằng máy bay trực thăng, nghỉ tại một resort hạng sang, và xem giải đấu polo lạc đà. Louis Vuitton có kế hoạch tổ chức thêm nhiều sự kiện tương tự để đãi ngộ khách VIP.

Tháng 7 vừa qua, Louis Vuitton khai trương một cửa hiệu 4 tầng ở Thượng Hải, trong đó có một phòng dành riêng cho các sự kiện khách VIP. Trong phòng lớn nhà có một phòng nhỏ nơi khách VIP có thể tự đưa ra những chi tiết thiết kế riêng cho giày và túi của mình.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cửa hàng đồ hiệu ở Trung Quốc, cùng với sự giàu có ngày càng tăng ở nước này, đã đưa sự xa xỉ đến gần hơn và đại chúng với người Trung Quốc. Chính điều này khiến những người trước đây xem việc mình có thắt lưng Gucci hay túi Dior trở nên “khó chịu”.

Tháng 6 năm nay, hãng đồ hiệu Giorgio Armani của Italy công bố kế hoạch mở thêm 100 cửa hiệu ngoài 289 cửa hiệu đã có ở Trung Quốc đại lục. Trước đó, vào tháng 5, hãng Hugo Boss tuyên bố sẽ có tổng số 150 cửa hiệu ở Trung Quốc trong vòng 3 năm tới.

“Các hãng đồ hiệu đang tự hỏi, làm thế nào để khách hàng lại cảm thấy đặc biệt như trước”, ông Max Magni, một chuyên gia tư vấn của McKinsey & Co. ở Trung Quốc, nhận định. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng ở Trung Quốc vì những khách hàng giàu có nhất ở nước này đang là động lực tăng trưởng đối với thị trường đồ hiệu. Theo số liệu của McKinsey, những hộ gia đình có thu nhập trên 300.000 Nhân dân tệ/năm hiện chiếm 70% chi tiêu vào đồ hiệu ở nước này.

Theo ông Aaron Fischer, nhà phân tích của hãng môi giới CLSA Asia-Pacific Markets, việc các hãng đồ hiệu đãi ngộ khác VIP cho thấy tầm quan trọng của việc “tạo bộ mặt” ở Trung Quốc. Ông Fisher cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc luôn muốn biết là mình được đề cao và họ cũng muốn người khác biết điều đó.

Hãng bán lẻ đồ hiệu Affinity China có trụ sở ở New York thường xuyên tổ chức các chuyến mua sắm cho các nhóm khách hàng Trung Quốc giàu có. Đầu năm nay, hãng này tổ chức hẳn một buổi trình diễn thời trang riêng tại cửa hiệu của Bergdorf Goodman trên Đại lộ số 5 ở New York và một buổi gặp gỡ với nhà thiết kế nổi tiếng Oscar de la Renta dành cho khách VIP Trung Quốc.

Chris Noble, người đồng sáng lập Affinity Trung Quốc, cho biết, công ty này phát hiện ra rằng, nhiều khách hàng giàu có Trung Quốc không thích mua sắm trong đám đông và thường rời tay không những sự kiện đặc biệt. Bởi thế, ông Noble hiện đã bắt đầu tổ chức những sự kiện đặc biệt hơn, chỉ dành cho khoảng 6-8 khách VIP Trung Quốc.

(Theo Vneconomy)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com