Sau những cuộc chạy đua về giá cước, khuyến mãi, từ tháng 3-2010, các nhà cung cấp dịch vụ di động tại Việt Nam bắt đầu vào một cuộc cạnh tranh ở lĩnh vực mới: phân phối chiếc điện thoại thông minh iPhone của nhà sản xuất có tên "Quả Táo" Apple. Cuộc đua mới có hai nhà mạng là Vinaphone và Viettel nhưng không kém phần quyết liệt…
Không như nhiều người tưởng
Đầu năm nay, thị trường đón nhận thông tin cả 3 "đại gia" của làng di động (dù Mobifone chưa chính thức công bố) sẽ phân phối chiếc điện thoại Quả Táo tại Việt Nam. Từ đó trở đi, dư luận và trên các diễn đàn mạng, cộng đồng công nghệ thông tin và giới trẻ bàn tán xôn xao về mức giá và thời điểm các nhà phân phối này đưa ra… Lời "bàn ra tán vào" càng khiến cho iPhone thêm hấp dẫn và đó cũng dễ hiểu vì tại Việt Nam, điện thoại iPhone được bày bán ở không ít cửa hàng, nhưng đó là hàng "xách tay". Trái ngược với dư luận, các nhà mạng lại "im hơi lặng tiếng", từ chối bất kỳ câu hỏi nào của báo giới liên quan đến iPhone mà chỉ giải thích là do quy định trong điều khoản cam kết với Apple nên không được phép tiết lộ. Phải đợi đến tháng 3, cả Vinaphone và Viettel đồng loạt gửi thông cáo báo chí đến các cơ quan truyền thông công bố mức giá iPhone. Đáng chú ý, cách công bố thông tin của hai nhà mạng trên cũng quyết liệt cạnh tranh đến "từng cen-ti-mét". Vinaphone tiên phong công bố mức giá iPhone (thấp nhất là 4 triệu đồng và dùng theo cam kết), thì chỉ sau đó vài giờ, Viettel thông báo mức giá còn thấp hơn với 0 đồng và hơn 3 triệu đồng cho 1 chiếc iPhone (tất nhiên là khách hàng phải dùng theo cam kết cho từng gói cước). Cả hai nhà mạng cũng đưa ra các mức giá dành cho khách hàng có khả năng "mua đứt".
Khách hàng lựa chọn mua iPhone tại một cửa hàng trên phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Đàm Duy |
Cuối cùng thì thắc mắc về giá iPhone đã được giải tỏa. Đã có giá, nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, iPhone rẻ mà không hề rẻ. Rẻ như công bố của các nhà mạng chỉ xảy ra trong trường hợp khách hàng đã được một loạt ưu đãi như: tặng cước, tặng dung lượng truy cập internet… và quy ra thành tiền nhà mạng tặng cho thuê bao trong một số tháng, sau đó lấy số tiền mua máy trừ đi số tiền ưu đãi được tặng để tính ra số tiền mua điện thoại. Hoặc thuê bao mua iPhone chỉ trả tiền (vài triệu đồng) nhưng phải dùng theo cam kết 12-24 tháng và mỗi tháng sẽ phải thanh toán một mức tiền nhất định do nhà mạng đưa ra… Tóm lại, không có chuyện như khách hàng lầm tưởng là vài triệu đồng để được dùng iPhone.
Sẽ thêm cuộc đua giá?
Trước thời điểm công bố giá iPhone, một vài phương tiện truyền thông đưa tin lượng người đặt mua iPhone tương đối lớn, lên tới vài trăm nghìn. Thông tin số người mua xác thực đến đâu có lẽ chỉ có nhà mạng mới biết! Và quả thực, trong một, hai ngày sau khi bán hàng chính hãng, lượng người đến các cửa hàng của Vinaphone, Viettel đông hơn thường lệ, song phần lớn chỉ để tham khảo và nghe hướng dẫn về cách sử dụng theo cam kết. Được biết, lượng người mua máy thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nhà mạng.
Thực tế, dòng máy Apple được coi là điện thoại cao cấp, dùng phổ biến ở những nước phát triển, giới trẻ đặc biệt ưa thích bởi có nhiều chức năng thiên về giải trí. Mà đã là điện thoại loại sang thì không thể có giá "bình dân" và đương nhiên, chỉ dành cho những người có thu nhập cao. Trong khi đó, ở Việt Nam, người có thu nhập cao phần lớn là những người trung tuổi, doanh nhân hoặc một vài nhóm đối tượng khác… có lẽ không nhiều! Nói như vậy, không có nghĩa là giới trẻ và nhiều người khác phải từ bỏ giấc mơ sử dụng iPhone Apple. Nhưng tâm lý tiêu dùng theo cam kết (một hình thức mua trả góp) vẫn chưa được nhiều người đón nhận! Song, có một thực tế là, khi đã có 3 nhà mạng phân phối iPhone, ắt thị trường sẽ có cuộc đua chiếm giữ thị phần phân phối để bán được nhiều hàng. Mà như vậy, ngoài chính sách ưu đãi sẵn có của các nhà mạng, ưu đãi về giá sẽ được đặt ra. Cho dù cả hai Vinaphone và Viettel cho biết giá iPhone của họ rẻ hơn quốc tế 5-10% và trong khi cuộc chiến về giá chưa ngã ngũ ai rẻ hơn, thì tuy chưa cung cấp, Mobifone cũng "hùa" theo khi cho biết iPhone do họ phân phối sẽ chỉ bằng 2/3 giá của hai nhà mạng trên. Chẳng biết thực hư thế nào, song các chuyên gia cho rằng khó xảy ra chuyện giá rẻ hơn vì các nhà phân phối phải tuân theo giá của nhà sản xuất và giá chung trên toàn cầu.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com