Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chặng đua mới trên thị trường máy tính

Máy tính Dell được bày bán tại một điểm giao dịch của Viettel. Ảnh: Tuyết Ân.

Sức tiêu thụ máy tính xách tay trong những tháng đầu năm nay vẫn còn khá chậm. Nhưng thị trường đang hứa hẹn một giai đoạn mới sôi động hơn khi ngày càng có nhiều nhà cung cấp mới tham gia thị trường cùng với những cuộc đua mở rộng các phân khúc tiêu dùng.

Thu hút sự quan tâm của thị trường là sự xuất hiện của thương hiệu máy tính xách tay Samsung cách đây hai tuần, sau khi ViewSonic cũng ra mắt được vài tháng.

Trong khi đó, Viettel vừa nhảy vào khu vực bán lẻ máy tính trong chiến lược mở kênh phân phối sâu rộng của hãng Dell. Mặc dù người ta chưa thể đánh giá mức độ thành công của các kênh này nhưng những tên tuổi này đang tạo ra những động lực mới thúc đẩy mạnh hơn sự cạnh tranh.

Đa dạng thương hiệu và kênh phân phối

Samsung vừa mới gia nhập thị trường máy tính xách tay đã đặt ngay mục tiêu đạt thị phần 10% trong năm nay. Tổng giám đốc Je Hyoung Park tỏ ra tự tin trước mục tiêu này vì Samsung đã rất thành công với các mặt hàng điện tử tại Việt Nam. Việc người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, kênh phân phối và bảo hành sẵn có cùng những kinh nghiệm thị trường tại Việt Nam sẽ giúp họ thành công trong phân khúc mới.

Mặt khác, máy tính Samsung với 75% linh kiện cấu thành do chính Samsung sản xuất sẽ giúp họ kiểm soát tốt chất lượng và giá thành khi đưa sản phẩm ra thị trường. Với 6 triệu máy được tiêu thụ trên toàn cầu trong năm 2009 – một thị phần còn khiêm tốn – Samsung cũng đã thành công tại các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ…, vì thế việc chinh phục thị trường Việt Nam rõ ràng đang có nhiều lợi thế.

Trong khi đó, việc bắt tay với Viettel để mở rộng chuỗi phân phối trên toàn quốc được xem là bước tiếp cận mang tính đột phá của Dell. Trước Viettel, Dell đã bắt tay với Thế Giới Di Động để đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến song song với kênh trực tiếp tại chuỗi 40 siêu thị của công ty này.

Nếu như Thế Giới Di Động sở hữu kênh bán hàng trực tuyến hàng đầu hiện nay và chuỗi siêu thị có mặt chủ yếu ở các thành phố lớn, thì Viettel đã khá thành công với mô hình phát triển các dịch vụ viễn thông ở thị trường nông thôn. Việc bắt tay với Viettel là cách giúp Dell phổ rộng kênh bán lẻ đến các địa phương, tương tự mô hình phân phối Dell Kiosk mà Dell đã rất thành công ở Ấn Độ.

Theo ông Trần Đức Trung, Giám đốc kinh doanh của Dell Việt Nam, Dell hy vọng mô hình nói trên sẽ thành công ở Việt Nam vì hai thị trường có nhiều điểm tương đồng. Trước khi có hệ thống Dell Kiosk, thị phần của Dell tại Ấn Độ khoảng 8% nhưng sau một năm đã tăng lên 18% và hiện nay là 22%.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc hệ thống bán lẻ Viettel, cho biết việc hợp tác với Dell là bước tiến quan trọng của Viettel trong việc xây dựng một hệ thống bán lẻ các sản phẩm công nghệ gắn liền với các dịch vụ mạng viễn thông. “Chúng tôi nhắm đến việc cung cấp một giải pháp toàn diện cho khách hàng từ sản phẩm cho đến dịch vụ – xu hướng kinh doanh mới ngày nay”.

Hiện máy tính xách tay chủ yếu được tiêu thụ ở các thành phố lớn, trong đó chỉ TP.HCM và Hà Nội đã chiếm hơn 85%. Thị trường Việt Nam với hơn 85 triệu dân với tỷ lệ máy tính trong các hộ gia đình mới chỉ khoảng 7% đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp. Trong khi đó, sự tăng trưởng máy tính cũng đi liền với nhu cầu truy cập Internet và các dịch vụ băng thông mới như 3G ra đời đang thúc đẩy nhu cầu này tăng trưởng nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, một kênh phân phối sâu rộng và đáp ứng được cho khu vực nông thôn đang là thách thức đối với các nhà cung cấp máy tính xách tay, sản phẩm vốn được xem là cao cấp trên thị trường công nghệ, và để phổ cập được cần có sự tăng trưởng về kinh tế lẫn khả năng tiếp cận của người dân với Internet và các dịch vụ công nghệ nói chung.

Nhiều công ty lâu nay đã gắn liền với thị trường máy tính xách tay, chẳng hạn FPT và Digiworld nắm kênh sản phẩm đa dạng nhất. Nhiều nhà phân phối khác cũng khá thành công với những kênh riêng như GCC, AceCom, Viễn Sơn, Petrosetco, CMC, Vĩnh Xuân, Hồng Quang…, chưa kể các công ty đang sở hữu các cửa hàng bán lẻ có sức tiêu thụ lớn như Phong Vũ, Hoàng Long, Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Trần Anh…. Tuy nhiên, mô hình phân phối sản phẩm cùng với dịch vụ viễn thông và Internet sẽ tạo ra sự cạnh tranh mới trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, “top 5” về thị phần máy tính là cuộc tranh giành vị trí giữa các hãng HP, Acer, Lenovo, Asus, Toshiba và Dell. HP sau khi soán ngôi số 1 của Acer đã giữ vững vị trí này trong nhiều năm liền. Gần đây, Toshiba đang vươn lên nhanh chóng nhờ thu hút người tiêu dùng bằng những dòng máy có mẫu mã và giá cả hấp dẫn. Với kênh phân phối năng động đang được thiết lập, Dell đang trở thành đối thủ đáng gờm, đe dọa vị trí của các nhà cung cấp thuộc top 5 trên thị trường.

Chia sẻ thị trường

HP đang là nhà cung cấp máy tính xách tay dẫn đầu thị trường về cả số lượng bán lẫn doanh thu. Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc nhóm máy tính cá nhân HP, cho biết đầu năm 2009 thị trường máy tính xách tay gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhưng đến nửa cuối năm đã phục hồi tốt. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của HP vẫn duy trì hai con số. “Trong xu thế công nghệ mới ra mắt thị trường khá nhanh cộng với việc tối ưu hóa chi phí sản xuất và phân phối, nên những dòng sản phẩm có giá từ 14-18 triệu đồng đã có tốc độ tiêu thụ tốt tại Việt Nam”, theo ông Lâm.

Các cuộc khảo sát thực tế tại một số nhà bán lẻ và phân phối trong sáu tháng gần đây cho thấy, phân khúc máy tính có mức giá từ 10 triệu đồng trở xuống vẫn đang chiếm hơn 27% số lượng tiêu thụ với gần 20% giá trị. Máy có phân khúc giá từ 10-14 triệu đồng chiếm gần 48% số lượng và hơn 44 % giá trị. Phân khúc giá từ 14-16 triệu đồng chiếm gần 13% số lượng nhưng mang lại hơn 17% giá trị, trong khi phân khúc từ 16-18 triệu đồng chỉ gần 5% số lượng nhưng nắm 7% giá trị.

Tương tự, dòng sản phẩm từ 18-30 triệu đồng chiếm hơn 6% số lượng nhưng xấp xỉ 10% về giá trị. Những dòng sản phẩm có mức giá trên 30 triệu đồng vẫn được tiêu thụ dù có số lượng khá khiêm tốn nhưng chiếm khoảng 1,5% về giá trị.

Như vậy, phân khúc máy có giá càng cao, dù mức tiêu thụ thấp hơn nhưng doanh thu mang lại cho nhà cung cấp cao hơn rất nhiều. Một xu hướng đáng chú ý là phân khúc máy dưới 10 triệu đồng đang giảm dần trong khi các phân khúc khác đều tăng lên, mức tăng cao nhất là ở hai phân khúc 10-12 triệu đồng và 16-18 triệu đồng.

Điều này được các doanh nghiệp lý giải là do sức mua chậm lại của các dòng netbook, và nhiều dòng máy đang giảm về mức giá thấp do nhiều yếu tố: công nghệ thay đổi, các dòng máy cũ được hạ giá để “chạy hàng”, hoặc nhờ các chương trình khuyến mãi liên tục của các hãng để thúc đẩy sức tiêu thụ.

Khoảng nửa triệu máy tính xách tay đã được tiêu thụ qua các kênh trong năm 2009, tương đương 42.000 máy mỗi tháng. Theo các nhà bán lẻ, doanh thu trung bình của một máy khoảng 12,5 triệu đồng. Như vậy khoảng 6.250 tỷ đồng (khoảng 320 triệu đô-la Mỹ) đã được thị trường chi tiêu cho sản phẩm này trong năm qua.

Dự báo, mức tăng trưởng của thị trường máy tính là khoảng 30%/năm trong những năm tới. Nếu đạt được tốc độ này thì đến giữa năm 2013 toàn thị trường sẽ tiêu thụ hơn 1 triệu máy tính xách tay cùng với hơn 2 triệu máy tính để bàn. Đây sẽ là một thị trường hấp dẫn cho tất cả các nhà cung cấp cùng chia sẻ thị phần.

(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Ở Tổng Cty Xây dựng Đường thủy: Lỗ ngàn tỷ, hòa cả làng
  • Sai phạm là do không chấp hành pháp luật
  • Ông chủ Trung Quốc mạnh tay chi tiền cho Volvo
  • Intel vẫn là nhà sản xuất chip số một thế giới
  • Các nhà cung cấp dịch vụ di động vào cuộc đua mới
  • VW, BMW làm ăn thua lỗ
  • Internet Explorer thất bại trên thị trường Châu Âu
  • Darwin – đi lên từ đổ nát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com