Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài học sặc tiền của một đại gia tài chính

Công bằng mà nói cuộc khủng hoảng tín dụng đã làm hàng loạt tên tuổi đều rơi vào vòng xoáy chứ không chỉ có Lehman. Các ngân hàng UBS, Citi, Merrill Lynch, Bear Steans, Morgan Stanley, Freddie Mac, Fannie Mae đều gánh chịu các khoản lỗ nặng nề với tổng số lên tới hàng trăm tỷ USD. Số nhân viên sa thải tại các trung tâm tài chính lên tới hàng ngàn.
a
Ảnh ceoworld
Ngay trước lúc Lehman hấp hối, hàng loạt các tên tuổi như Merrill Lynch, AIG, Washington Mutual cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vậy tại sao chỉ có Lehman lại chịu một cái chết thảm như vậy? 

Đó chính là cách thức giải quyết khủng hoảng thiếu sáng suốt và thiếu quyết đoán của Ban lãnh đạo Lehman đã đẩy Lehman vào thế chân tường. Phải nói rằng vấn đề của Lehman là vấn đề không mới và đã được cảnh báo trong một thời gian dài. Trong 6 tháng gần đây, đã một vài lần tình hình của Lehman dậy sóng. Đặc biệt sau khi Bear Stearns ra đi thì thị trường đã đặt câu hỏi “Ai là người kế tiếp?”.
 
Nếu tính theo thứ tự quy mô Top 5 của ngân hàng đầu tư trên phố Wall, ai cũng biết đó là Lehman rồi mới đến Merrill Lynch, Morgan Stanley và cuối cùng Goldman Sachs. Ban lãnh đạo Lehman cũng đã có nhiều biện pháp giảm quy mô bảng cân đối một cách mạnh mẽ. Trong quý 2 và quý 3, quy mô tài sản của Lehman giảm khoảng 150 tỷ USD nhằm giảm hệ số đòn bẩy tài chính và áp lực lên vốn. Riêng trong quý 3, Lehman đã giảm được 17 tỷ USD tài sản rủi ro liên quan đến bất động sản. Các biện pháp tăng vốn được thực hiện song do không dự đoán được mức độ nghiêm trọng nên việc này đã chỉ được làm theo kiểu "catch-up".
 
Bỏ qua cơ hội tự cứu mình?

Cơ hội thứ nhất là cơ hội tăng vốn khi có thể làm dễ dàng. Sau khi Bear Steans thất thủ, Lehman đã tiến hành tăng vốn vào đầu tháng 4 để chuẩn bị cho cuộc chiến. Lehman đã huy động thêm 4 tỷ USD vốn thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi. Mặc dù tỷ lệ đăng ký mua cổ phiếu của nhà đầu tư rất cao, vượt xa số vốn 4 tỷ USD cần huy động song Lehman đã từ chối phát hành thêm vốn, cho rằng như thế đã đủ. 
 
Cơ hội thứ hai cũng là cơ hội tăng vốn sau khi báo cáo kết quả quý 2 bị lỗ 2,8 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Lehman báo cáo kết quả kinh doanh lỗ từ khi niêm yết. Ngay lập tức, Lehman tiến hành huy động thêm 6 tỷ USD vốn trong đó có 4 tỷ USD cổ phiếu phổ thông và 2 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi nhằm bù đắp số lỗ quý 2. Lần này tỷ lệ đăng ký mua cổ phiếu cũng rất cao song Lehman cũng từ chối không phát hành thêm, cho rằng thế là đủ.
 
Cơ hội thứ 3 đến khi kết quả quý 3 chuẩn bị đến ngày công bố và thị trường đồn đoán số lỗ 4 tỷ USD. Lần này Lehman thực sự nhận ra sự nghiêm trọng và tiến hành tìm nhà đầu tư chiến lược để bán 25% ngân hàng. Đồng thời Lehman cũng đưa ra hàng loạt kế hoạch tái cơ cấu bao gồm bán một phần mảng quản lý tài sản để tăng tiền mặt, chia tách ngân hàng thành 2 công ty (spin off), công ty tốt và công ty xấu. Dự kiến công ty xấu (bad bank) sẽ nắm giữ toàn bộ tài sản xấu liên quan đến bất động sản và không niêm yết nhằm tránh áp dụng kế toán giá trị hợp lý (fair value). Tuy nhiên, lúc này tình thế đã thay đổi và khó khăn hơn nhiều. Cuộc đàm phán với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) đáng lẽ ra có thể kết thúc song Lehman đã không làm được điều đó do sự bất đồng về giá.
 
Về khía cạnh này, Dick Fuld đã kém hơn John Thain, CEO của Merrill Lynch với thành tích “bán mình” cho BOA trong chỉ một ngày Chủ nhật. Lehman đã đánh mất cơ hội thứ 3, và cũng là cơ hội cuối cùng để tự cứu mình.

Hồi tháng 3 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ cung cấp những khoản vay lớn cho các ngân hàng đầu tư đủ tiêu chuẩn trong trường hợp có sự cố xảy ra. Chính sách mới này được đưa ra sau khi FED và Bộ Tài chính Mỹ dàn xếp để JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns nhằm tránh một vụ đổ vỡ gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu của tập đoàn này.

Lehman cũng đã từng hy vọng sẽ được FED cứu, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Và với Phố Wall, đây lại là một bài học nữa: FED và Bộ Tài chính Mỹ không phải là những “ông tiên”.

Những đổ vỡ của các ngân hàng đầu tư của Mỹ giai đoạn này cho thấy hệ thống đánh giá tài chính của Mỹ có khiếm khuyết lớn.

Các rủi ro không được đánh giá đầy đủ và phản ánh vào các báo cáo tài chính, như cho vay bất động sản và các công cụ phái sinh trên nền các tài sản rủi ro. Chỉ đến khi giá tài sản biến động bất lợi thì rủi ro mới bộc lộ.

Chính điều này dẫn đến việc những ngân hàng mới tháng trước được đánh giá ở mức A nhưng tháng này lại phải nộp đơn phá sản hoặc bị mua lại.
Thị trường tàn nhẫn

Ngoài những  nhân tố trên, cái chết của Lehman còn do một phần sự tàn nhẫn của thị trường.

 Cổ phiếu Lehman đã bị bán khống. Các nhà đầu cơ bán khống (short sale) Lehman đặt cược với việc cổ phiếu sẽ giảm giá mạnh. Việc bán khống được thực hiện thông qua vay cổ phiếu để bán trước và mua quyền bán cổ phiếu (put option). Tuy việc bán khống không có gì sai song nó chính là nguyên nhân tạo ra các tin đồn sai sự thật nhằm hạ giá cổ phiếu Lehman. Điều này làm mất lòng tin của thị trường vào Lehman và đẩy Lehman dần rơi vào thế bất lợi.

 Từ khi Lehman công bố kết quả lỗ quý 2 thì các hoạt động bán khống diễn ra mạnh mẽ. Cổ phiếu Lehman giảm thấp hơn nhiều so với giá trị ghi sổ là 30 USD. Vào tháng 7, cổ phiếu Lehman chỉ còn 15 USD tương đương mức vốn hoá 10 tỷ, ước tính bằng giá trị thị trường của công ty quản lý tài sản của Lehman là Neuberger Berman. Thị trường đã định giá Franchise còn lại của Lehman bằng 0? CEO Dick Fuld đã nhiều lần tức giận với những kẻ đầu cơ bán khống Lehman và kiên quyết phục thù. Song cuối cùng dân đầu cơ bán khống đã thắng.

Đoạn kết

Trước thông tin phá sản của Lehman Brothers, FED cũng đưa một tuyên bố khẩn về việc mở rộng chương trình cho vay đối với các ngân hàng đầu tư Phố Wall nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Theo đó, số tiền của chương trình bơm vốn vào thị trường được tăng thêm 25 tỷ USD lên mức 200 tỷ USD. Thêm vào đó, tài sản thế chấp mà các ngân hàng xin vay giao cho FED cũng được bổ sung thêm các loại cổ phiếu, thay vì chỉ các loại nợ hạng đầu tư như trước đây.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp 3 ngày của FED và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, kéo dài trong ngày thứ 6 và hai ngày cuối tuần qua. Giới phân tích cho rằng, động thái trên của FED cho thấy, FED có thể hành động xa hơn để cứu thị trường tài chính Hoa Kỳ, và rất có thể FED chuẩn bị hạ lãi suất đồng USD.
Cùng với những nỗ lực của FED, một nhóm gồm 10 ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, bao gồm JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Citigroup cũng quyết định thành lập một quỹ 70 tỷ USD để đảm bảo thanh khoản cho thị trường.

Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới thông báo đã "bơm" hàng chục tỷ USD vào thị trường tài chính, đồng thời khẳng định đang hợp tác chặt chẽ với nhau đề phòng khả năng xuất hiện một sự đổ vỡ mang tính toàn cầu sau khi ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ đệ đơn xin phá sản, tạo ra cú sốc mới trên thị trường.

Nhà kinh tế từng nhận giải Nobel Joseph Stgilitz cũng khẳng định vụ khủng hoảng đang gây rung chuyển thị trường tài chính thế giới hiện nay không nghiêm trọng như nguyên nhân dẫn đến vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 tại Mỹ, mở đầu thời kì Đại suy thoái trên thế giới.

Nhiều nhà phân tích nhận định một thời điểm bước ngoặt lịch sử đang diễn ra trong hệ thống tài chính Mỹ,  giai đoạn sắp tới sẽ có "ý nghĩa quan trọng đối với viễn cảnh kinh tế toàn cầu".

(Theo Anh Đào tổng hợp/ VietNamNet)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Hướng tới chiến lược cạnh tranh động
  • Thời trang Việt Nam : Cần sự đầu tư bài bản
  • Các hãng hàng không thế giới: Nhiều cái tên chung một nghĩa
  • Doanh số bán điện thoại di động toàn cầu giảm
  • Bài học mang tên Lehman Brother (phần 1)
  • Toyota: Vì đâu nên nỗi? (Phần 2): Thiếu bí quyết quản lý khủng hoảng
  • Toyota: Vì đâu nên nỗi? (Phần 1): Thiệt hại hơn 2 tỉ USD
  • Hành động kỳ lạ của một ông trùm Trung Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com