5 năm gần đây, thị trường VN chứng kiến sự trở về "ao nhà" mạnh mẽ của các thương hiệu thời trang như May 10, Việt Tiến, Hanosimex... Tuy nhiên, đây mới là những bước đi đầu tiên.
Sản phẩm Việt đã khai thác được một số phân khúc tiêu dùng khác nhau như doanh nhân, giới trẻ, dân văn phòng, bước đầu cạnh tranh được với hàng Trung Quốc |
Tín hiệu tích cực
Cũng trong thời gian này, hệ thống cửa hàng thời trang của Ninomax, Blue Exchange, Foci, PT 2000... tấp nập khách mua sắm. Với những thiết kế trẻ trung, năng động, thương hiệu này đang chiếm lĩnh lượng khách hàng ổn định là lớp trẻ, học sinh - sinh viên. Tương tự như vậy, dân văn phòng đang đổ về các thương hiệu thời trang công sở Việt đã được định hình như Ivy, Nem, N&M, Alcado, Jojo... trong khi, May 10, Việt Tiến, An Phước, Đức Giang... lại là địa chỉ dành cho nam giới với những mặt hàng truyền thống đã "đóng đinh" như áo sơmi, quần âu, veston, áo choàng dài...
Chuyên gia nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu Trần Anh Tuấn nhìn nhận: Thời trang Việt đang có ưu thế nhất định về thời trang công sở (cổ điển), thời trang trẻ cùng một số thương hiệu thời trang cao cấp. Còn PGS TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương gọi đó là "sự chuyển mình của thời trang Việt Nam". Theo TS Phạm Tất Thắng, sản phẩm Việt đã khai thác được một số phân khúc tiêu dùng khác nhau như doanh nhân, giới trẻ, dân văn phòng... Đặc biệt, tuy chưa đẩy lùi nhưng sự trụ vững, cạnh tranh được của các thương hiệu Việt trong mảng thời trang phụ nữ và thời trang bình dân có giá thành hợp lý - hai "thành trì" vững chắc của hàng Trung Quốc là những nỗ lực đáng ghi nhận.
Chặng đường xa
TS Phạm Tất Thắng và chuyên gia Trần Anh Tuấn đều cho rằng, thời trang Việt đang tập trung vào những tên tuổi lớn và chưa thấm vào đâu so với sức tiêu thụ hàng may mặc của thị trường hơn 80 triệu dân. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ nhiệm CLB hàng Việt Nam chất lượng cao thì gọi đó chính là hệ quả của chuỗi từ thiết kế, sản xuất đến phân phối mà khâu nào cũng đang vướng, đang khó. Những nhà thiết kế được nhìn nhận như là nghệ sĩ, dừng lại ở việc bán sự sáng tạo mà chưa có sự kết hợp với vế còn lại nhưng rất quan trọng: làm kinh doanh. Hạn chế này cũng đang khiến lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đau đầu. Thiết kế còn nặng về sân khấu, chỉ để xem chứ chưa gắn kết với đời sống xã hội. Trong khi người Việt từ lâu đã giàu lên và nhu cầu mặc đẹp hơn là rất lớn. Chưa nói đến thời trang cao cấp, ngay cả người dân bình thường vẫn đang khoác lên mình những sản phẩm hoặc không rõ nguồn gốc hoặc được thiết kế theo những mẫu mã cóp nhặt chứ không thể có ứng dụng từ những sàn diễn thời trang, những bộ sưu tập của các nhà thiết kế.
Sẽ là một chặng đường rất xa để thời trang Việt sống trên thị trường Việt. Tuy nhiên, đây cũng không phải là việc quá tầm tay nếu có được một sự đầu tư bài bản và nghiêm túc. Để làm được điều này dệt may VN phải làm chủ rất nhiều công đoạn trong toàn ngành công nghiệp thời trang, bao gồm cả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
(Theo Hạnh My // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com