Giày dép nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... bán ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Từ đầu năm đến nay, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các quốc gia khác đã có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế theo các FTA. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hàng hóa nước ngoài đã tràn vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau...
Hàng ngoại tràn vào theo FTA... “Doanh thu sáu tháng đầu năm của công ty vào thời điểm này đã tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2009”, ông Ngô Hữu Bình, Giám đốc doanh nghiệp Bảo Bình, hồ hởi khoe về kết quả nhập khẩu hàng hóa của công ty. Là công ty thương mại, chuyên nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng về phân phối ở thị trường Việt Nam, Bảo Bình đã thành công trong việc nắm bắt cơ hội cắt giảm thuế mà Việt Nam phải thực hiện theo cam kết với ASEAN. Hiện những mặt hàng mà công ty nhập khẩu từ ASEAN như bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, bát đĩa, đồ chơi trẻ em...đã được miễn thuế nhập khẩu. Nhiều công ty sản xuất hàng hóa ở Thái Lan, Malaysia đã đề nghị với Bảo Bình làm đại diện phân phối cho họ tại thị trường Việt Nam. Những công ty này sẵn sàng ứng hàng trước cho các nhà nhập khẩu Việt Nam bán, rồi sau đó mới thu tiền. Hiện giá cả nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng từ Thái Lan, Malaysia, Singapore... rẻ hơn 15-20% so với cách đây hai năm. So với các mặt hàng cùng loại, giá những mặt hàng này rẻ hơn hàng sản xuất trong nước đến 20%, chất lượng cũng không thua kém hàng trong nước. “Không có thuế nhập khẩu, cộng với giá rẻ hơn, đây chính là lợi thế của những nhà nhập khẩu như chúng tôi”. Ông Bình nói hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam được chia ra làm hai loại, những mặt hàng cao cấp từ Asean được đưa vào các chợ sỉ, siêu thị, cửa hàng lớn ở những thành phố lớn thông qua một đại lý phân phối khác. Những mặt hàng phẩm cấp thấp hơn sẽ được đưa về các chợ đầu mối ở các tỉnh thành khác. Với đường đi này, hàng hóa từ Asean đã bắt đầu “len lỏi” khắp ngóc ngách ở thị trường Việt Nam. Trung Quốc đã bắt đầu “lót ổ” Làm ăn với Trung Quốc, ông Bình cho biết, mỗi ngày ông nhận không dưới mười cuộc điện thoại và e-mail đề nghị hợp tác mở đại lý phân phối hàng hóa từ những công ty sản xuất hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Theo nhà nhập khẩu này, hiện Việt Nam chỉ mới cắt giảm 30% dòng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2011-2012 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm sâu để hoàn thành các cam kết mở cửa trong giai đoạn 2016-2018. “Họ muốn hợp tác với những nhà nhập khẩu trong nước để nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam. Trung Quốc đang “lót ổ” nhằm chuẩn bị thời điểm khi thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm về mức 0%, khi đó hàng hóa của Trung Quốc sẽ dễ dàng cắm rễ ở thị trường Việt Nam”, ông Bình phân tích. Chiến thuật “đi tắt đón đầu” của những công ty Trung Quốc thực hiện thông qua những nhà nhập khẩu từ Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm qua. Đây là thời điểm để Việt Nam cải thiện cán cân thương mại thông qua việc tận dụng ưu đãi thuế từ những hiệp định FTA, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được... “Nguy hiểm hơn, nếu không có chiến lược đúng, Việt Nam có nguy cơ là thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các đối tác của mình”, một chuyên gia thương mại nhận định. Từ tháng 1-2010 đến năm 2012 là thời điểm thuận lợi cho việc Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc theo lộ trình cắt giảm thuế theo FTA Asean - Trung Quốc. Theo đó, với 90% mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thuế đã giảm về 0-5%. Tương tự, với những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), trên 7.000 mặt hàng Việt Nam xuất sang Nhật, mức thuế cũng là 0% từ ngày 1-10-2009. Tuy nhiên, những con số thống kê nhập khẩu của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2010 lại cho thấy tình hình nhập siêu của Việt Nam với các quốc gia đã ký FTA không được cải thiện nhiều. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, sáu tháng qua Việt Nam tiếp tục nhập siêu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với con số kỷ lục trên 6 tỉ đô la Mỹ. Hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường chủ yếu khác cũng đều tăng so với cùng kỳ năm 2009, trong đó nhập từ Asean đạt 7,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,4%; từ Nhật Bản đạt 4 tỉ đô la, tăng 31%. Không tận dụng được, vì sao? Đã có nhiều ý kiến phân tích việc các doanh nghiệp chưa tận dụng được những ưu đãi về thuế quan do các hiệp định FTA mang lại. Tựu trung là do những yếu kém nội tại của ngành xuất khẩu trong nước, từ cơ cấu các mặt hàng cho đến chất lượng an toàn vệ sinh sản phẩm. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, hàm lượng chế biến thấp, do đó giá trị không cao. Ngoài ra, những mặt hàng này vốn đã có mức thuế suất rất thấp hoặc 0%, nên không hưởng lợi nhiều từ các FTA. Dù đã cảnh báo và khuyến nghị nhiều năm qua, nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn đơn điệu. Điều này khiến doanh nghiệp bị động khi xảy ra những biến động từ những thị trường nhập khẩu. Trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, có trên 40 mặt hàng chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu đô la Mỹ và nhóm này chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, ở thị trường Nhật Bản, theo Tiến sĩ Trịnh Minh Anh, Phó vụ trưởng kiêm Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, cơ cấu hàng xuất khẩu sang Nhật còn quá đơn giản, trên 50% là nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào Nhật chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và thời gian giao hàng. Dù VJEPA đã có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này, hai nước vẫn chưa có thỏa ước về vệ sinh, kiểm dịch và các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế. Đơn cử, mặt hàng gạo của Việt Nam, dù có nhiều lợi thế nhưng vẫn không thâm nhập được vào thị trường Nhật do vướng phải Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, quy định dư lượng chất acetamiprid (chất tồn dư khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) ở mức dưới 0,01ppm. Hay mặt hàng rau quả lại bị vướng quy định của Bộ Y tế và Lao động Phúc lợi Nhật về kiểm tra dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Những lô hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Nhật như rau cải chân vịt, hạt điều, ngò tây, mùi tàu đều bị kiểm tra 100% lô hàng. Với thị trường Trung Quốc, những mặt hàng của Việt Nam cũng lâm vào tình trạng tương tự. Nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm tỷ trọng trung bình 15-20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong ba năm qua. Chủ yếu vẫn là nguyên liệu sơ chế có giá trị không lớn như trái cây, cao su, cà phê, hạt điều, thủy hải sản... Rau quả Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc bị nhiều rào cản liên quan đến các quy định về quản lý xuất nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì, giám định hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không thích ứng được với những thay đổi liên tục về chính sách của nước này. Đáng buồn hơn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không đủ thông tin và kỹ năng cần thiết để tận dụng các hiệp định FTA. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TPHCM, thừa nhận “có những hội viên vẫn chưa biết cách làm chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để được hưởng ưu đãi về thuế quan. Nhà nước cần tuyên truyền và thông tin cụ thể hơn cho các doanh nghiệp về các hiệp định FTA đã ký kết. “Chúng tôi muốn tìm toàn văn biểu thuế VJEPA hay ACFTA cũng khó. Sẽ dễ dàng hơn nếu Nhà nước lập một website tập trung đăng tải những thông tin này và hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện”, ông Mạnh đề xuất. Việc này sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới thành lập có cơ hội tiếp cận thị trường. Hiệp hội các doanh nghiệp ngành nghề cũng cho rằng trước khi ký kết những hiệp định FTA, Nhà nước cần lấy ý kiến hiệp hội ngành nghề. Điều này sẽ hạn chế điểm yếu của các ngành hàng xuất khẩu “non trẻ” của Việt Nam khi bắt đầu lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, tham vấn và công bố thông tin sớm cũng giúp hiệp hội và doanh nghiệp chủ động thâm nhập các thị trường mới khi những hiệp định FTA có hiệu lực.
(Theo Sơn Nghĩa // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com