Nhà văn Peter Kurzeck đã kể lại rất hấp dẫn về thời niên thiếu của mình khi cuộc chiến tranh mới kết thúc trong cuốn sách "Một mùa hè, mãi mãi ở lại": Khi đó giá bơ rẻ không tưởng tượng nổi. Rồi xuất hiện tủ lạnh, thiên hạ cần có chúng, nếu không thì làm sao có thể ăn hết một lúc khối lượng bơ rẻ tiền đó.
Hơn nữa thời đó bắt đầu xuất hiện các Trung tâm thương mại nằm ở khu vành đai gần nông thôn. Ở đấy có tất cả, không phải chỉ có bơ rẻ, mà nhiều thứ đều khá rẻ và người ta cần có phương tiện để bảo quản. Từ đó xuất hiện trên thị trường các loại tủ đá. Thời đó cũng bắt đầu xuất hiện các đường tránh vào các khu đô thị, thế là người ta đánh xe ô tô đi các nơi để khảo giá, và để cho bõ bèn với công sức, tiền bạc đã bỏ ra khi khảo giá trên thị trường, người ta mua thật nhiều thứ cùng một lúc để tích trữ trong tủ đá ăn dần…
Một đặc trưng của lịch sử phát triển công nghiệp là đôi khi có những sáng chế phát minh gây những tác động nhiều mặt mà trước đó không mấy ai ngờ tới. Cái tủ lạnh là một trong những sáng chế có đặc trưng đó. Một trong những kỹ thuật, văn hóa cổ xưa nhất là văn hóa bảo quản thực phẩm, từ phơi, sấy khô cho đến ướp muối, hong khói cho tới ủ lên men, đến cuối thế kỷ 18 thì những công việc này thuộc diện công việc nội trợ. Nhưng những loại công việc mang tính chất tự lực cánh sinh này dẫn đến hai sự thay đổi: thứ nhất là một loạt kỹ thuật bảo quản này dần dần không còn là công việc của người nội trợ nữa. Ngày càng có nhiều loại thực phẩm được tung ra thị trường ở dạng dễ bảo quản hơn. Điều này có ý nghĩa đối với tổng sản phẩm xã hội vì những gì thuộc phạm vi nội trợ đều không thuộc diện tổng sản phẩm xã hội vì chúng không tạo nên giá trị.
Năm 1804 ông Nicholas Appert, một chuyên gia về sản xuất bánh ngọt và bảo quản hương liệu đã suy nghĩ nhiều về việc phải làm gì để có thể bảo quản thực phẩm mà không để hương vị và cấu trúc của chúng bị ảnh hưởng, từ đó ra đời nhà máy đồ hộp đầu tiên. Năm 1827 xuất hiện lần đầu tiên sữa đặc có đường trên thị trường.
Mặt khác với sự phát triển của môn vật lý và cơ khí người ta suy nghĩ có thể làm gì để các hộ gia đình có thể tự bảo quản được thực phẩm. Nói khác đi thì không phải chỉ có khâu sản xuất mà cả khâu tiêu dùng cũng cần phải được đầu tư nhiều hơn.
Đắt gấp đôi chiếc xe ô tô đầu tiên
Như vậy là con người phải trải qua một quá trình gồm 4 bước: Đầu tiên kiến thức cho chúng ta biết cái gì có thể góp phần vào việc bảo quản như nhiệt độ thấp giúp cải thiện khả năng bảo quản, mặc dù khi đó chưa có sự giải thích khoa học về vấn đề này.
Sau đó là khoa học và giải pháp công nghệ giúp giải quyết khâu cơ khí hóa quá trình này. Trước khi phát minh ra máy làm lạnh người ta chỉ biết tích trữ nước đá thiên nhiên trong các nhà hầm hoặc trong hang động. Các nhà kho của Carl Bolle ở Köpenick, một nhà buôn sữa và kem, hồi cuối thế kỷ 19 có thể chứa tới 3 triệu m3 nước đá. Giờ đây có thể lấy cái lạnh từ ổ cắm điện.
Sau đó có ai đó đã nghĩ đến việc không chỉ sử dụng những máy móc cỡ lớn phục vụ công nghiệp mà làm máy cỡ nhỏ phù hợp với việc sử dụng ở các hộ gia đình. Năm 1911 bản quyền sáng chế đầu tiên của tu sỹ người Pháp Marcel Audiffren được ứng dụng, khi đó máy lạnh không còn nặng cỡ tấn nữa nhưng giá lại gấp 2 chiếc xe ô tô du lịch đầu tiên thời đó và tương đương 1/5 khoản lương bình quân trong một năm của một người.
Phần lớn công việc nội trợ thường không được chuyên môn hóa. Như vậy là quá trình này bước vào bước thứ tư: các loại sản phẩm như bánh pizza đông lạnh hay mỳ sợi "tươi" đông lạnh được bán trên thị trường. Những thứ đó phải đun nóng nhưng không dùng người giúp việc mà là thực hiện tại các nhà máy, các hãng. Trên thị trường xuất hiện máy làm đông lạnh và máy làm tan giá để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
Thay đổi toàn diện cấu trúc khu dân cư
Nhà y học William Cullen người Scottland là người đầu tiên, từ năm 1756 đã phát hiện ra rằng thông qua bốc hơi có thể tạo ra lạnh, ông biết khi đưa khí Dimethylether vào hệ thống chân không sẽ bị bốc hơi và tạo ra lạnh. Đầu thế kỷ 19 xuất hiện bằng sáng chế đầu tiên về hệ thống làm lạnh, năm 1834 xuất hiện máy nén khí đầu tiên, sau khi khí bị nén lại và trở lại dãn nở bình thường sẽ tạo ra lạnh. Hai anh em người Pháp tên là Carré đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên với khí làm lạnh là Ammoniak. Nguyên tắc này đã được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1851 và hiện vẫn còn ứng dụng đối với các quầy rượu trong gia đình (minibar). Năm 1895 Carl von Linde đã có bản quyền sáng chế về việc biến một lượng lớn khí hỗn hợp thành chất lỏng. Linde đã phối hợp với các nhà máy sản xuất bia chế tạo loại thiết bị làm lạnh này.
Việc làm lạnh bằng thiết bị máy móc ảnh hưởng lớn nhất đến không gian kinh tế (Raumökonomie). Vì tủ lạnh không những chỉ khắc phục được nhiệt độ tự nhiên mà chủ yếu còn ảnh hưởng tới khoảng cách của tuyến đường. Nhờ nó tiết kiệm được thời gian. Nếu như không có phát minh ra tủ lạnh thì cấu trúc đô thị của xã hội hiện đại chỉ có thể duy trì được, khi chúng ta lại quay trở lại với lối sống tự cung tự cấp về sản phẩm nông nghiệp. Không có kỹ nghệ lạnh thì làm sao có thể có nền thương mại thế giới đối với hàng thực phẩm: điều gì sẽ xảy ra nếu như New Zealand không có thiết bị lạnh? Ngay từ năm 1876 một người Pháp tên là Charles Tellier đã đố ai có thể chuyển một súc thịt cừu vượt Đại tây dương nhưng vẫn bảo đảm để có thể ăn được, khi đó chiếc tầu biển chạy bằng hơi nước "Frigorifique" đã được trang bị máy nén khí và đã có phòng lạnh. Vậy mà cuối cùng tảng thịt cừu đó khi tới đích vẫn bị nặng mùi. Nhưng khoảng từ 1900 thì công nghệ lạnh đã được cải thiện đáng kể làm cho ngành chế biến thịt phát triển đến mức chưa từng có. Cơ sở làm lạnh ở Chicago "Meat-Packers" mỗi ngày có thể làm đông lạnh tới 90.000 tấn thịt.
Chỉ cần xem thời hạn sử dụng, không cần nếm
Đầu những năm 30 của thế kỷ 20 tủ lạnh trở thành dụng cụ dùng trong gia đình đã được sản xuất hàng loạt. Loại tủ lạnh "Monitor-Top" của hãng General Electric đã bán được hơn 1 triệu chiếc. Cùng thời gian đó đã có công nghệ làm máy điều hòa nhiệt độ, thoạt đầu thiết bị được lắp đặt ở các nhà hát, rạp chiếu phim. Trong khoảng thời gian từ 1926 đến 1929 số tủ lạnh bán ra đã tăng từ 315.000 lên 1,7 triệu chiếc. Đến năm 1955 đã có khoảng 80% hộ gia đình ở Mỹ có tủ lạnh còn hiện nay thì không nhà nào không có tủ lạnh.
Nhờ có tủ lạnh nên các hộ gia đình không còn bị lệ thuộc vào các mảnh vườn. Chỉ riêng điều này cũng đã làm thay đổi bộ mặt thành phố. Năm 1939 tạp chí "Fortune" khi đề cập tới sự phát triển vũ bão của "Fridges" (tủ lạnh) đã từng viết "Giờ đây các mùa trong năm hay vị trí địa lý không còn mấy ý nghĩa". Việc mua sắm không còn gắn vào thời hạn và nhu cầu, các gia đình cũng ít phải lên kế hoạch như trước. Trong một nhà bếp hiện đại thì không phải cái bếp mà tủ lạnh mới thực sự là trung tâm. Nhà xã hội học người Pháp Jean-Claude Kaufmann quan niệm như vậy. Từ khi có tủ lạnh người ta cũng không còn cần phải biết nhiều về thực phẩm. Thay cho nhìn ngó, lật đi lật lại thậm chí nếm thử, ngày nay người tiêu dùng chỉ còn cần để mắt tới thời hạn sử dụng.
Tác giả: Rainer Hand // Theo Tia Sáng
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com