Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyển bớt đầu tư cho công nghiệp sang dịch vụ

Trong bài viết dưới đây, các tác giả phân tích vai trò của khu vực dịch vụ (khu vực III) trong việc tái cấu trúc nền kinh tế những năm tới. Để tiện phân tích, các tác giả đã giả thiết coi bảng I-O năm 2000 đại diện cho cấu trúc kinh tế trong giai đoạn 2000-2005, thời kỳ phục hồi sau khủng hoảng Đông Á và bảng I-O năm 2007 đại diện cho giai đoạn 2007-2012, khi Việt Nam bắt đầu là thành viên của WTO.

Cấu trúc kinh tế nhìn từ bảng I-O

Trong bảng I-O 2007 (bảng cân đối liên ngành năm 2007) tổng cung hàng hóa và dịch vụ là khoảng 3.911 ngàn tỉ đồng, trong đó 72,92% là sản phẩm sản xuất trong nước, phần còn lại 27,08% là nhập khẩu. So với năm 2000, sản phẩm sản xuất trong nước giảm 6,33 điểm phần trăm trong khi nhập khẩu tăng 6,33 điểm phần trăm.

Xét về phía cầu, tỷ trọng tiêu dùng trung gian hàng hóa và dịch vụ trong tổng cầu tăng nhẹ từ 42,99% trong năm 2000 lên 44,92% trong năm 2007. Mặt khác, tỷ trọng sử dụng cuối cùng trong tổng cầu giảm từ 57,01% trong năm 2000 xuống 55,08% trong năm 2007 do tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu đều giảm so với giai đoạn trước, trong khi đó không chỉ quy mô mà cả tỷ trọng đầu tư lại tăng lên (tỷ lệ vốn đầu tư so GDP năm 2000 là 34,2% và năm 2007 là 46,5%).

Xét về phía cung, khi phân tích cấu trúc chi phí của toàn nền kinh tế có thể thấy, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế đã tăng lên nhanh, năm 2000 là 0,55% và đến năm 2007 là 0,62%. Hệ quả là, tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế giai đoạn hiện nay thấp hơn giai đoạn trước khá nhiều.

Hơn thế, trong xu thế nền kinh tế tăng tỷ lệ chi phí trung gian như vậy, khi đi sâu phân tích các ngành, thì tỷ lệ chi phí trung gian của nhóm ngành dịch vụ hầu như không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể; trong khi tỷ lệ này của các ngành công nghiệp lại tăng lên đáng kể, do sản xuất các ngành công nghiệp chế tác chủ yếu là gia công và lắp ráp.

Thêm vào đó, việc mở rộng sản xuất của khu vực này trong mấy năm gần đây lại thiên về mở rộng các phân ngành dựa nhiều vào gia công, lắp ráp với nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy có thể thấy quy mô sản xuất càng tăng thì tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất ngày càng nhỏ đi, từ mức trên 40% nhiều năm trước đây, nay chỉ còn dưới 30%.

Vai trò lan tỏa kém của khu vực dịch vụ ở thời điểm hiện nay

Tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong những năm gần đây (không bao gồm ngành xây dựng cơ bản) chiếm khoảng 38-40% trong GDP, thấp hơn so với các nước có mức thu nhập trung bình (khoảng 45%). Nhưng quan trọng hơn, theo tính toán từ các bảng I-O cho thấy trong 10 năm gần đây hệ số lan tỏa (1) của nhóm ngành dịch vụ không lớn hơn mức bình quân chung của nền kinh tế và gần như không thay đổi.

Điều này hoàn toàn không tương xứng với tỷ trọng khá cao của nhóm ngành này trong GDP. Như vậy có thể thấy nếu tái cấu trúc nền kinh tế mà chỉ làm tăng số lượng dịch vụ, và làm thay đổi tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP thì không có ý nghĩa lớn lắm vì nó không lan tỏa nhiều đến các ngành khác trong nền kinh tế.

Nói cách khác, đó có thể là sự thay đổi về số lượng ngành này, ngành khác, nhưng không tạo được sự thay đổi về chất lượng của nền kinh tế. Vấn đề là làm sao tạo ra được sự chuyển dịch tích cực về độ lan tỏa của nhóm ngành dịch vụ này lớn hơn mức bình quân chung, thì sự phát triển của dịch vụ sẽ không chỉ tạo thêm giá trị gia tăng của ngành mà còn kích hoạt nền kinh tế phát triển theo.

Làm sao để nhóm ngành dịch vụ là nhóm ngành chủ lực?

Trước hết phải nói về tư duy sai lầm của không ít nhà quản lý về biện pháp đẩy mạnh một ngành nào đó.

Thông thường khi muốn thúc đẩy một nhóm ngành (hoặc một ngành) nào đó phát triển, người ta nghĩ ngay đến tăng cường nguồn lực đầu tư cho nó.

Điều này đã khiến mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua quá thiên về đầu tư, hay nói cách khác là Việt Nam dường như đã đầu tư quá mức khi so sánh giữa thu nhập về vốn trong nền kinh tế và vốn đầu tư thuần (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

Nếu trong một số năm liên tục mà thu nhập từ vốn trong sản xuất luôn nhỏ hơn tổng đầu tư, điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang đầu tư quá mức, hiệu quả không đảm bảo vì toàn bộ lợi tức sinh ra từ vốn không bù đắp nổi chi phí đầu tư.

Như vậy có thể thấy nếu chỉ đơn thuần tăng tổng đầu tư để đầu tư thêm cho nhóm ngành dịch vụ nữa là không nên và không có lợi cho nền kinh tế. Nhưng lại có thể chuyển một phần đầu tư của khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ và theo ước lượng sơ bộ tỷ lệ này cũng không nên quá 15% (để vẫn duy trì tăng trưởng cho khu vực công nghiệp). Ngay với kịch bản này, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP vào năm 2020 cũng chỉ biến chuyển một chút, còn hệ số lan tỏa và độ nhạy của ba khu vực không thay đổi. Điều này cho thấy, cần phải có một sự thay đổi về chất chứ không phải về lượng (2) .

Như vậy, để nền kinh tế hiệu quả hơn có thể thấy không chỉ cần làm cho tỷ trọng của khu vực dịch vụ cao hơn, mà điều quan trọng là cấu trúc thực sự của nền kinh tế, với chất lượng tăng trưởng mới của các phân ngành dịch vụ và nền kinh tế, làm cho hệ số lan tỏa của dịch vụ phải cao hơn 1, để tạo ra sự phát triển và lan tỏa mạnh mẽ của khu vực này. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng trì trệ của nền kinh tế trong những năm gần đây, với một số chính sách quá thiên về “quảng canh”, nhất là phát triển công nghiệp thiếu hiệu quả.

Muốn khu vực dịch vụ chiếm trên 50% GDP và hệ số lan tỏa của nhóm ngành này lớn hơn 1 cần làm đồng thời một số việc.

- Từng bước tăng cường tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ so với xuất khẩu sản phẩm công nghiệp vì khá nhiều con số xuất khẩu của khu vực công nghiệp có tình trạng “ảo” như xuất khẩu các ngành nhập khẩu lớn dệt, da, may... hay bị tình trạng “chuyển giá” của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thay thế dần từng phần tiêu dùng cuối cùng hàng nhập khẩu bằng hàng trong nước sản xuất (3-5% trong tổng tiêu dùng).

- Thay thế tích lũy tài sản bằng sản phẩm được sản xuất trong nước (khoảng từ 6-8%).

___________________________________________

(*) Giáo sư kinh tế học.

(1) Hệ số lan tỏa (BL) phản ánh mức độ thúc đẩy sản xuất các ngành kế cận để cung ứng sản phẩm cho ngành đang xét.

(2) Một điều cần cảnh báo thêm là với hệ số lan tỏa của khu vực I khá cao mà tỷ trọng trong GDP quá thấp sẽ dẫn tới khả năng phải tăng nhập khẩu sản phẩm khu vực I để đáp ứng nhu cầu chế biến của khu vực II.

(Theo Nguyễn Quang Thái (*) - Bùi Trinh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Tín ngưỡng iPhone
  • Xe tay ga: Tới thời xác định giới tính
  • Mạng xã hội nghề nghiệp hút khách
  • Mạng 3G đối mặt nguy cơ mất an toàn thông tin
  • Cạnh tranh bằng định vị sản phẩm
  • Đầu tư PE: Lựa chọn của 2010
  • Kinh doanh sự "không hoàn hảo"
  • Nhiều công ty muốn “thâu tóm” tài sản của BP
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com