Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đằng sau chiếc iPhone

Cơn sốt” iPhone đã nhanh chóng qua đi khi sự háo hức của người tiêu dùng không còn. Nhưng đằng sau “cơn sốt” này là sự phản ánh cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các mạng viễn thông cũng như cách thức bán hàng và truyền thông còn nhiều yếu kém của họ...

Việc phân phối chiếc iPhone chính hãng, suy cho cùng là cách tăng giá trị thương hiệu, thu hút khách thuê bao mới và giữ chân khách cũ. Nếu một sản phẩm đầu cuối như iPhone có gói cước dịch vụ hấp dẫn cùng chính sách chăm sóc khách hàng tốt, chắc chắn các nhà mạng sẽ gia tăng được doanh thu từ phân khúc khách hàng có khả năng chi tiêu cao. Đặc biệt, các khách thuê bao trả sau vốn trung thành, mang lại doanh thu cao và ổn định.

Việc phân phối các thiết bị cao cấp thành công sẽ giúp các nhà mạng nhanh chóng tăng doanh thu từ các dịch vụ 3G vốn thời gian qua không được như kỳ vọng, trong khi chịu áp lực doanh thu trung bình trên mỗi số thuê bao (ARPU) ngày càng giảm và các cuộc cạnh tranh về giá cước ngày càng phức tạp.

Thông tin đánh đố

Phù hợp nhất với chiếc iPhone hiện nay là những khách thuê bao trả sau đang thật sự có nhu cầu thay đổi điện thoại. Với cơ chế bảo hành và nhập khẩu chính thức, iPhone có ít nhiều lợi thế nhưng phân khúc này lại khá hẹp. Không phải tất cả những người có nhu cầu sử dụng iPhone đều có đủ khả năng chi trả một lần cho dù gói cước có nhiều ưu đãi. Những người có khả năng và thật sự cần loại thiết bị cao cấp như iPhone thì đã sử dụng nó từ lâu. iPhone chia sẻ một tỷ lệ nhỏ trong phân khúc điện thoại cao cấp từ 10 triệu đồng trở lên hiện chỉ chiếm khoảng 1% thị phần.

Còn nhiều lý do khác làm chiếc iPhone chưa thật sự hấp dẫn. Nhìn lại cách xuất hiện của iPhone, người tiêu dùng không khỏi đặt câu hỏi về phương thức tiếp cận thị trường của các nhà mạng. Lẽ ra cần hướng dẫn cho người tiêu dùng về các chi tiết của dịch vụ thay cho việc quảng bá rầm rộ thì thông tin xung quanh chiếc điện thoại này lại đánh đố và mập mờ, tạo ra “cơn sốt” trong khi không đánh giá được nhu cầu thật của thị trường.

Thông thường, các hãng mới vào Việt Nam đều quảng bá kênh phân phối, bảo hành nhưng người tiêu dùng có quyền băn khoăn rằng liệu các nhà mạng có đảm nhận được vai trò bảo hành ủy quyền tốt hay không. Khi chính sách bảo hành chung trên toàn cầu của Apple là 12 tháng thì các gói dịch vụ trả sau cam kết bảo hành trong vòng 24 tháng!

Các nhà mạng cũng không đưa ra được những điều cam kết rõ ràng về việc có đạt được thỏa thuận cho các phiên bản mới hay không; trong khi đến nay, nhà sản xuất chưa có bất cứ thông điệp nào gửi đến người tiêu dùng Việt Nam. Điều này làm cho thị trường liên tưởng đến một nhà bán lẻ bán theo giá sỉ của chiếc iPhone hơn là cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ thật sự đã linh động hơn rất nhiều, khi cơn sốt đi qua họ cũng nhanh chóng hạ giá chiếc iPhone nhập khẩu không chính thức để tồn tại song song với các nhà mạng. Rõ ràng là các nhà mạng đã không “dễ ăn” với chiếc iPhone.

Sau vài ngày háo hức, thị trường đã trở lại bình thường. Nhà mạng cũng bắt đầu để “rò rỉ” thông tin rằng có thể điều chỉnh chính sách bán iPhone. Mạng MobiFone cũng phải dè dặt trong việc tung ra dịch vụ, dù trước đó công bố sẽ ra mắt vào đầu tháng Tư. Thậm chí, với cách đón nhận của thị trường như hiện nay, nếu tranh nhau ầm ĩ trên chiếc iPhone như thời gian qua không chừng lợi bất cập hại.

Giá rẻ là bao nhiêu?

Khó có thể kỳ vọng iPhone sẽ có giá rẻ vì giá của nó sẽ bằng giá mua tại Mỹ cộng với chi phí nhập khẩu. Về mặt kinh doanh cũng không thể có chuyện nhà mạng miễn phí hoặc “bán giá 0 đồng” theo cách hiểu của người tiêu dùng về những gì đã được thông tin. Nhưng gói cước thì có thể quyết định sức thu hút khi phù hợp với nhu cầu. Vấn đề khó là các nhà mạng áp dụng cách thức thanh toán trước trọn gói làm người sử dụng khó có thể linh hoạt.

Dù gói cước ưu đãi là rẻ nhưng người tiêu dùng vẫn phải dè dặt trong nhiều trường hợp, ví dụ khi mất máy sẽ phải thanh toán chi phí, hoặc nếu giá trị gói cước hằng tháng cao quá mức hoặc thấp hơn mức cam kết thì được giải quyết ra sao, hoặc trong thời gian cam kết muốn chuyển đổi dịch vụ vẫn phải chịu những ràng buộc...

Ở một góc nhìn khác, chiếc iPhone là cơ hội thử nghiệm sức cạnh tranh của các nhà mạng. Trong một ngày đồng loạt cả ba công ty công bố đạt được thỏa thuận phân phối iPhone, rồi cũng trong một ngày họ đồng loạt công bố bán iPhone với những chính sách giá “khá mù mờ”.

Tư duy theo kiểu “hàng xóm có, mình có” còn khá nặng trong tâm lý tiêu dùng của người dân Việt Nam. Và các nhà mạng đã cạnh tranh bán chiếc iPhone cũng theo phương thức này. Tuy nhiên thực tế cho thấy nó chỉ phù hợp với số ít người tiêu dùng chạy theo “cảm giác thời thượng” chứ không phải cho những người biết tiêu dùng hợp lý và khôn ngoan.

Trong nhiều năm nữa Việt Nam vẫn chưa phải là thị trường lớn cho các dòng điện thoại thông minh. Nhưng công bằng mà nói thì sự xuất hiện của iPhone đã tạo thêm sự chọn lựa cho người tiêu dùng. Phân khúc điện thoại cao cấp hiện cũng có không ít sản phẩm để chọn lựa.

Chiếc “iPhone chính hãng” đã vừa cạnh tranh với các nhà bán lẻ iPhone không chính thức vừa thúc đẩy việc cạnh tranh ở phân khúc điện thoại cao cấp. Các hãng khác ngay sau đó đã tăng cường chiến dịch truyền thông nhận diện thương hiệu và giảm giá các sản phẩm cùng phân khúc từ 5 đến 10%, cá biệt có dòng đến 20%.

Trong dài hạn, đích cạnh tranh của các nhà cung cấp mạng viễn thông di động vẫn là dịch vụ 3G gắn liền với thiết bị đầu cuối. Nhưng để thành công, họ phải vượt qua được những rào cản lớn nhất hiện nay là sự yếu kém trong việc quản lý khách thuê bao và các phương thức thanh toán.

Điều này tạo ra nhiều rủi ro trong quản lý, vì thế chưa cho phép nhà mạng tung ra những chính sách phân phối với một cơ chế thoáng hơn trong việc kinh doanh thiết bị gắn liền với dịch vụ. Mà một khi chính sách thiếu linh hoạt, thì không chỉ chiếc iPhone giá cả ngàn đô-la Mỹ mà bất cứ thiết bị nào cũng sẽ kém hấp dẫn.

(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Thú vị “dân buôn online”
  • Apple vượt Motorola trở thành nhà sản xuất di động lớn nhất Mỹ
  • Từ làm ăn phi vụ tới nhà phân phối chuyên nghiệp
  • Royal Dutch Shell đạt lợi nhuận vượt trội
  • Tạm ứng... tương lai
  • Những ông chủ mới
  • Bài học qua cuộc chiến Amazon - Barnes & Noble
  • Đằng sau cuộc đua khuyến mãi di động?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com