Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đấu giá mua hay bán

Mặc dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn thực hiện hình thức đấu giá bán đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất để tìm ra được khách hàng trả giá cao nhất, nhưng nhiều đầu mối phân phối xăng dầu lại đang mua hàng theo hình thức đấu giá mua để chọn được đối tác chào giá thấp nhất.

 

 Theo bà Vũ Bích Ngọc, Trưởng ban Ban Phát triển thị trường của PVN, các sản phẩm của NMLD Dung Quất sẽ được đưa ra đấu giá bán từ năm 2010 để chọn đối tác mua hàng. Việc đấu giá bán này xuất phát từ thực tế đấu giá bán sản phẩm khí hóa lỏng LPG của Nhà máy Dinh Cố của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) - thành viên của PVN, từ đầu năm nay. 

Khi đó, 36 nhà mua hàng – tức là gần hết các doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng LPG hiện có trong nước, đã tham gia đấu giá bán để mua LPG của Dinh Cố trong 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9/2009. Tuy nhiên, việc đấu giá LPG Dinh Cố chỉ thực hiện với phần premium (chi phí vận chuyển cho các thị trường khác nhau tính từ thị trường chuẩn là Ả rập). Còn giá LPG mà các doanh nghiệp thực mua bao gồm giá LPG công bố của Ả rập cộng với premium. 

Cũng ngay trong lần đấu giá LPG đầu tiên này, quy định được đặt ra là chỉ đấu giá 50% sản lượng LPG mà Nhà máy Dinh Cố sản xuất. 50% còn lại sẽ được ưu tiên bán cho các đơn vị trong PVN theo giá đấu bình quân trúng thầu. 

Với sản lượng LPG Dinh Cố hiện chỉ 22.000- 25.000 tấn/tháng, khoảng 300.000 tấn/năm, chỉ chiếm 30% nhu cầu LPG của cả nước hiện nay thì không phải ai cũng mua được LPG Dinh Cố. Tuy nhiên, bà Ngọc cũng cho hay, có đơn vị thuộc PVN dù được quyền mua trong 50% lượng LPG theo giá bình quân của đấu giá, nhưng đã từ chối vì không thuận về chi phí vận chuyển do Nhà máy Dinh Cố nằm ở miền Nam, trong khi thị trường tiêu thụ của các công ty kia lại ở phía Bắc. 

Quay trở lại NMLD Dung Quất, với kế hoạch đạt 100% công suất trong năm 2010, tức là đạt công suất lọc 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, thì cũng mới đáp ứng hơn 30% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Con số này vượt xa năng lực của hệ thống tiêu thụ thuộc PVN do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hiện đảm nhiệm, nên việc bán cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác là tất yếu. 

Chưa kể, trong tương lai không xa, khi NMLD số 2 và số 3 đi vào hoạt động thì cung chắc chắn sẽ dư so với cầu trong nước. Tuy nhiên, bà Ngọc cũng cho hay, trong khi PVN mong muốn bán được xăng dầu của NMLD Dung Quất cho đối tác nào trả giá cao nhất thông qua đấu giá bán, thì đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn nhất hiện nay là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại đang mua xăng dầu với phương thức ngược lại. Tức là đấu giá mua để chọn nhà cung cấp có hiệu quả nhất. “Thực tế này khiến PVN phải nghiên cứu quy trình để hai bên có thể khớp nhau”, bà Ngọc nói. 

Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, giá chỉ là một trong những yếu tố lựa chọn. Các điều kiện đi kèm theo phải là cung cấp ổn định và chất lượng. 
Hiện tại, các NMLD trên thế giới thường gắn liền với hệ thống phân phối xăng dầu của chính mình, nên trước tiên họ sẽ đảm bảo cân đối hàng cho mình, sau đó mới bán ra ngoài theo hình thức đấu thầu chọn người mua có giá cao nhất. Còn với một nhà nhập khẩu như Petrolimex thì lại muốn mua theo giá thấp nhất, nên tiến hành đấu giá mua. 

Với thực tế này, sẽ có những thời điểm thị trường tiêu thụ ở miền Nam đang cần mà nguồn xăng dầu từ Dung Quất chưa đủ lượng hoặc điều kiện thời tiết xấu nên nhà nhập khẩu sẽ nhập chứ không ngồi chờ mua xăng trong nước. 

Nhất là khi quãng đường vận chuyển từ Singapore, thị trường xăng dầu rất quen thuộc với các đầu mối nhập khẩu xăng dầu hiện có, về các tỉnh phía Nam lại thuận lợi và có thể chi phí thấp hơn so với từ NMLD Dung Quất vào. Đó là chưa kể tới thực tế các nhà máy mới đi vào hoạt động thường chi phí khấu hao cao và chỉ sau khi khấu hao xong, chính sách giá mới có thể linh hoạt. 

Dù hiện tại, Petrolimex với mạng lưới kinh doanh xăng dầu hiện chiếm gần 60% thị phần đã ký hợp đồng nguyên tắc với PVN trong việc mua xăng dầu của NMLD Dung Quất. Nhưng Petrolimex cũng chỉ là 1 trong 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, không kể PV Oil của chính PVN. Như vậy, PVN ngoài thỏa thuận với Petrolimex sẽ còn phải thỏa thuận nguyên tắc bán hàng với các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác, nhất là khi xăng dầu đang được chính các doanh nghiệp đầu mối này trông chờ được năng động hơn với cơ chế thị trường. 

Trong năm 2009, việc tiêu thụ sản phẩm của NMLD Dung Quất đang được PVN chủ động điều hòa trong hệ thống của mình, bởi nhà máy mới đi vào hoạt động, cũng như sản lượng vẫn còn thấp. Tuy vậy, trong 6 tháng cuối năm, NMLD Dung Quất cũng đã có kế hoạch xếp hàng cho Petrolimex các sản phẩm xăng, dầu DO và dầu hỏa.

 

 

(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư )

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bán đấu giá khách sạn Watergate
  • Khuyến mãi theo kiểu “treo đầu dê…”
  • Chè Tân Cương bị lập lờ xuất xứ
  • Nghệ thuật không chỉ là thưởng thức
  • Đến lúc thương hiệu lớn “hạ mình”
  • Học về đời từ cuộc sống tầm thường
  • 12 tháng nữa sẽ thu phí đọc báo online
  • Cổ đông khuyên ngân hàng CIT phá sản!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com