Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư như đầu cơ = Chúa Chổm

Cty Nông súc sản Xuất nhập khẩu Cần Thơ (CATACO) trực thuộc Thành ủy TP Cần Thơ, một thời khá nổi tiếng bởi được hưởng nhiều ưu đãi, nay đang mang nợ lớn.

Khu đất “vàng” 7.000m2 từ BGI về CATACO gần 10 năm nay bỏ hoang, chỉ cho thuê vài ki-ốt bên đường Nguyễn Trãi.. Ảnh: Sáu Nghệ

Không biết làm dự án

CATACO hoạt động trong bốn lĩnh vực chính: Chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất thức ăn chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản, kinh doanh thương mại-nhà hàng khách sạn, xây dựng-kinh doanh địa ốc. Hiện nay, hai lĩnh vực đầu đã được cổ phần hóa và CACEAMEX nằm trong khối này, từng được cả nước biết đến qua vụ nhập rùa tai đỏ năm 2010.

Kinh doanh nhà hàng khách sạn sau thời gian trì trệ, nay một vài cơ sở đã bứt phá đi lên. Còn xây dựng-kinh doanh địa ốc, lĩnh vực chủ yếu đẩy CATACO vào cảnh khó khăn gay gắt hiện nay, gây ra món nợ gần 170 tỷ đồng tính đến đầu năm 2009.

Gần chục năm trước, dư luận Cần Thơ xôn xao vụ “quỹ đen” ở Cty Rượu bia Nước giải khát Hậu Giang (BGI) và nữ giám đốc Khưu Ngọc Thanh bị khởi tố bị can. Qua nhiều lần điều tra, đầu năm 2009, có cáo trạng cho rằng “quỹ đen” đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 532 triệu đồng, tuy nhiên đến nay chưa xét xử được. Nhưng mở ra vụ này thì 7.000 m2 đất cùng nhà xưởng của BGI ở vị trí “vàng” giữa trung tâm TP Cần Thơ, lọt vào tay CATACO.

Khu đất vuông vức, một bề hàng chục mét mặt tiền đường Nguyễn Trãi nhộn nhịp người xe, bề đối diện là sông Cần Thơ; năm 2002 theo giá nhà nước quy định trị giá khu đất vàng xấp xỉ 50 tỷ đồng; còn theo giá thị trường khu đất này trị giá đến 100 tỷ đồng. CATACO chỉ bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng để có khu đất này, tính cả tiền nhà xưởng và trợ cấp nghỉ việc cho hơn trăm công nhân của BGI.

CATACO lấy được đất vàng với giá rẻ nhưng bỏ hoang đến nay, chỉ cho thuê mấy ki-ốt bán hàng bên đường Nguyễn Trãi.

CATACO triển khai nhiều dự án bất động sản trong và ngoài địa bàn Cần Thơ, hầu hết không hiệu quả, nhưng nổi bật nhất phải kể đến dự án khu tái định cư Metro Hưng Lợi-Cần Thơ.

Dự án này đặc biệt ở chỗ, thông tin về diện tích đất cũng mập mờ, mỗi khi mỗi khác, nên nhiều kết luận của các cơ quan chức năng khẳng định: “CATACO không biết làm dự án”. Mở ra từ năm 2004, đến nay người dân tái định cư chưa thể vào ở nhưng đã có hai vụ kiện ở đây.

Doanh nghiệp xây dựng hệ thống điện ở khu tái định cư Metro Hưng Lợi-Cần Thơ từ năm 2007 nhưng không được CATACO trả tiền nên phải kiện ra tòa. Bản án phúc thẩm giữa năm 2010 Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ tuyên buộc CATACO trả hơn 1,3 tỷ đồng, đến nay CATACO mới trả được 500 triệu đồng và doanh nghiệp chủ nợ đang kiến nghị cưỡng chế thi hành án.

Cuối năm 2010, CATACO lại khiến dư luận ở Cần Thơ xôn xao khi Cty này nhận công trình san lấp mặt bằng nhà khách Thành ủy Cần Thơ. Nhà khách này được quy hoạch “khoảng 10 ha tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền”, nay là thị trấn Phong Điền. Giữa năm 2010, Văn phòng Thành ủy Cần Thơ giao cho CATACO san lấp mặt bằng và CATACO giao lại cho xí nghiệp xây dựng trực thuộc.

Chỉ một ngày sau khi nhận được công trình, ngày 5-8-2010, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Ngô Tấn Tộ ký quyết định “giao khoán” cho Phó giám đốc Võ Minh Tuân làm “đại diện tổng đội thi công”, cái tổng đội không có trong thực tế. Liền sau đó, xuất hiện Cty Cổ phần Công nghiệp Xây dựng Tín Phát (Cty Tín Phát) cung cấp cát cho công trình. Tín Phát bán cho ông Võ Minh Tuân 100.000 m3 cát, trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

Cty Tín Phát có trụ sở ở phường An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ), gồm 3 cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT là bà Ngô Thu Nguyệt. Bà Nguyệt chính là vợ của ông Võ Minh Tuân, 2 người còn lại là anh ruột và cháu của ông Tuân. Như thế, công trình trị giá hơn 15 tỷ đồng đã về “sân sau” của lãnh đạo Xí nghiệp Xây dựng thuộc CATACO.

Gian nan thoát nợ

CATACO được giao nhiều nhà cửa ở trung tâm TP Cần Thơ, với những cơ sở kinh doanh nhà hàng khách sạn: Khách sạn Hòa Bình (trên đại lộ Hòa Bình), khách sạn nhà hàng Cửu Long, nhà hàng Thái Bình Dương.

Khách sạn Hòa Bình cao 6 tầng, kiến trúc rất đẹp, một thời phòng nghỉ ở đây giá đắt bậc nhất Cần Thơ. Sau này khách sạn này đã mở ra những phòng karaoke kinh doanh không hiệu quả. Năm 2009, Văn phòng Thành ủy đã lấy lại, cho Ngân hàng Ngoại thương-Chi nhánh Cần Thơ thuê mỗi năm 5 tỷ đồng, trong 15 năm. Hiện ngân hàng này đã phá bỏ phòng ốc khách sạn, đang sửa lại thành văn phòng làm việc.

Nhà hàng Thái Bình Dương nhộn nhịp thời đất nước mới mở cửa, bây giờ thì đìu hiu. Khu du lịch Phù Sa rộng 30ha, mở ra trên cồn Ấu rộng 177ha giữa sông Hậu, nơi có cầu Cần Thơ đi ngang nên rất hấp dẫn du khách.

CATACO bắt đầu xây dựng khu du lịch Phù Sa năm 2003, ngày 2-9-2006 khánh thành, lúc đó nhiều người đã ca ngợi tầm nhìn xa của lãnh đạo Cty. Tuy nhiên, khu du lịch này đầu tư xây dựng 20 tỷ đồng mà không hiệu quả.

Lợi thế du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, song chủ đầu tư lại đầu tư trò chơi cho trẻ em nghèo lẫn mô tô nước, ca nô kéo phao, ca nô kéo dù bay; xây dựng ki-ốt bán hàng vặt lẫn nhà cổ. Không phát triển được nên cuối năm 2010, TP Cần Thơ đã mời một doanh nghiệp nước ngoài vào đây tính đầu tư khu đô thị hiện đại có nhiều cao ốc, vốn khoảng 1,6 tỉ USD. Khu khách sạn nhà hàng Cửu Long vài năm gần đây đã làm ăn có lãi.

CATACO xây dựng Khách sạn Cửu Long-Phú Quốc từ năm 2004 đến ngày 19-5-2008 thì khánh thành. Khách sạn này nằm trên 2 ha bên bãi biển đẹp ở xã Dương Tơ của đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Khách sạn hồi đầu mang tên Thái Bình Dương, vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, quang cảnh để như bãi hoang nên doanh thu một năm chỉ gần 4 tỷ đồng.

Từ tháng 2-2010 chuyển sang trực thuộc khách sạn nhà hàng Cửu Long ở Cần Thơ và đổi tên thành khách sạn Cửu Long-Phú Quốc, doanh thu năm 2010 vọt lên 8 tỷ đồng. Đầu năm 2011, doanh thu mỗi tháng khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Võ Hồng Phụng, Tổng giám đốc CATACO, cho biết, muốn đầu tư cải tạo những cũ kỹ của quá khứ để lại nhưng thiếu vốn, do nợ nần quá lớn. Khó vay vốn ngân hàng và hơn thế, còn vướng mắc ở cơ chế khai thác các nguồn lực của một doanh nghiệp trực thuộc tổ chức Đảng.

(Theo Tienphong Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Google đang dần mất “đất” tại Trung Quốc
  • Audi đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử
  • Giải bài toán tồn kho
  • Dễ mất đơn hàng lớn nếu thiếu trách nhiệm xã hội
  • Lãnh đạo Mercedes-Benz ‘kiếm đậm’ năm 2010
  • Dán nhãn so sánh năng lượng Việt : Tăng sức cạnh tranh sản phẩm
  • CEO trẻ nhất thế giới mới 14 tuổi
  • 10 công việc 'hot' nhất năm 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com