Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư thời trang nội địa - Đường dài mới đến thành công!

Việt Nam, một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới được các tổ chức kinh tế trên thế giới nhìn nhận và đánh giá cao đã và đang tạo ra một động lực lớn cho các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước chọn hướng quay về sân nhà. Đã có nhiều thương hiệu thời trang (THTT) trong nước tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng nội địa. Thế nhưng, dù có lợi thế sân nhà, nhiều THTT được đầu tư lớn cũng lao đao vì không xác định được chiến lược dài hơi trong đầu tư.

Chọn mua áo tại cửa hàng Sanding. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Người tiêu dùng bớt “sính ngoại”?

Hiện nay, không có một nghiên cứu hay thống kê chính xác nào khẳng định người tiêu dùng Việt Nam (VN) bớt “sính ngoại” trong chi tiêu, chọn mua đồ thời trang. Tuy nhiên, việc ăn nên làm ra của nhiều THTT trong nước cùng với doanh số bán hàng tăng cao trong thời gian gần đây cũng là một lý do tin cậy để chúng ta tin rằng người tiêu dùng VN đã bắt đầu chuộng hàng tiêu dùng trong nước. Điều này không chỉ là dấu hiệu tích cực từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trong hơn 1 năm qua, mà còn là sự khẳng định chất lượng, uy tín của các THTT VN đối với người tiêu dùng.

Doanh số bán hàng của An Phước - Pierre Cardin trong những tháng gần đây tăng cao, đặc biệt là ở các trung tâm thương mại lớn tại TPHCM. Tuy nhiên, để có được sự tin tưởng của khách hàng, An Phước - Pierre Cardin phải chăm chút từng đường kim mũi chỉ vì đối tượng khách hàng của họ là những người có thu nhập khá, rất dễ bỏ đi nếu họ không hài lòng. Khi khách hàng đã chuyển sang sử dụng một nhãn hiệu khác, sẽ rất khó lôi kéo họ trở lại. Chính vì vậy, việc giữ được khách hàng ở lại và trung thành với sản phẩm của mình là điều mà DN cố gắng gìn giữ.

Với định vị sản phẩm chiến lược là áo sơ mi dành cho nam giới, trong hơn 10 năm qua, áo sơ mi thương hiệu Việt Tiến dường như đã ăn sâu vào trí nhớ người tiêu dùng VN và Việt Tiến đã có được chỗ đứng vững chắc. Trong năm 2009, doanh thu nội địa của Tổng Công ty CP May Việt Tiến đạt 500 tỷ đồng, dự kiến năm 2010, doanh thu nội địa của Việt Tiến sẽ tăng lên 650 tỷ đồng và mốc 1.000 tỷ đồng sẽ là con số trong tầm tay 3 năm tới.

Đầu tư dài hơi

TS Phạm Xuân Lan, giảng viên bộ môn Quản trị học và Quản trị chiến lược Trường ĐH Kinh tế TPHCM khẳng định, nếu các DN dệt may VN không xác định được chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường nội địa thì khó mà xây dựng được một THTT và có được chỗ đứng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Các DN dệt may VN có kinh nghiệm trong sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi sản xuất, tiêu thụ nội địa, DN phải làm từ A đến Z. Khâu sản xuất DN dệt may hiện tại chỉ chiếm 10% trong chuỗi giá trị, 90% giá trị còn lại nằm ở khâu thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu, phân phối sản phẩm, đây là khâu yếu nhất của DN VN. Để thành công trên thị trường nội địa, DN phải xác định được sản phẩm của mình sẽ vào phân khúc thị trường, phân khúc khách hàng nào để ưu tiên đầu tư.

Xây dựng thương hiệu và tạo được một chỗ đứng là quãng đường đi lâu dài. Dù tiêu tốn cả núi tiền nhưng không phải DN nào cũng thành công. Thực tế, tại TPHCM hiện nay đã có nhiều DN thất bại trong đầu tư xây dựng THTT nội địa. Ngay như Việt Tiến cũng chỉ có mỗi nhãn hiệu áo sơ mi Việt Tiến thành công nhất. Ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 2 và Hãng thời trang Sanding, chia sẻ: “Trải qua 15 năm tham gia thị trường nội địa, Sanding đã gặp nhiều thất bại. Khi mới bắt đầu, chúng tôi chỉ bán những cái mà chúng tôi có sẵn chứ không có cái mà người tiêu dùng cần mua. Trải nghiệm một thời gian dài, nhận ra sai lầm và chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, bán những thứ mà người tiêu dùng cần”. Hiện Sanding tăng trưởng hàng năm khoảng 20%.

Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Gia Định, cho biết, với lợi thế khi có nhiều đơn vị thành viên sản xuất hàng xuất khẩu, với sản phẩm đa dạng, đơn vị đang nghiên cứu hình thành một công ty chuyên về thời trang nội địa, đầu tư xây dựng các trung tâm thời trang, biểu diễn thời trang. Trước mắt, đơn vị sẽ tăng dần tỷ trọng doanh thu nội địa lên 30% trong thời gian tới. Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean) cũng đã có bước đột phá với chiến lược mới trong xây dựng THTT.

(Theo Mỹ Hạnh // SGGP Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Giải mã thành công vượt trội của Toyota
  • "Lội ngược dòng" trong biến cố thu hồi sản phẩm
  • Tính xác thực, công khai và lợi thế cạnh tranh
  • 10 điều tối kỵ đối với doanh nhân
  • Chăm sóc tốt để khách hàng thực sự là thượng đế
  • Đặt lại câu hỏi về những điều tưởng như đúng
  • Tư duy xanh trong thời khủng hoảng
  • Tại sao họ chọn công ty bạn? (Phần 2)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com