Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đế quốc Microsoft với cuộc chiến giữ ngôi chúa tể

Ông Steve Ballmer, Tổng giám đốc điều hành Microsoft đã biết hy sinh lợi ích nhỏ trước mắt, biết mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để giành lấy lợi ích lâu dài to lớn.

Các nhân viên tiếp thị của Microsoft trong 23 năm trước đã đi mòn lốp ôtô, mòn đế giày tới các công ty để quảng cáo và rao bán các chương trình phần mềm nhưng hầu như ở đâu họ cũng bị từ chối. Lý do chủ yếu bị từ chối do các phần mềm cồng kềnh giá cao trong khi các thiết bị phần cứng của các khách hàng chưa được nâng cấp đáp ứng tiêu chuẩn mới.

“Báo cáo tài chính năm 2009” của Microsoft công bố cuối tháng 6/2009 cho biết  tổng thu nhập tới gần 60 tỉ USD, lợi nhuận 15,2 tỉ USD, gấp 4 lần năm 1998, nhưng so với trước bắt đầu giảm sút. Hầu hết dư luận đều cho rằng “Đế quốc Microsoft bắt đầu suy vong” và phải nhường ngôi cho các công ty máy tính mới đang trỗi dậy. Các nhà phân tích máy tính cho rằng “Đế quốc La Mã sau thời kỳ cực thịnh vẫn giữ được địa vị cường quốc tới 400 năm, nhưng Đế quốc Microsoft khó có thể thực hiện được khả năng này. Vì nó đã bắt đầu suy vong.”

Những thông tin trên làm ông Steve Ballmer, Tổng giám đốc điều hành Microsoft bắt đầu lo ngại. Ông cho rằng để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh và giữ ngôi chúa tể hiện nay, phải nhanh chóng áp dụng những biện pháp cải cách cấp bách. Steve Ballmer nói: “Bí quyết thành công của một doanh nghiệp ở chỗ phải luôn luôn tính toán giữa cái lợi và cái hại, nhất là cái lợi trước mắt và lâu dài. Để đảm bảo lợi ích lâu dài, doanh nghiệp phải biết hy sinh lợi ích nhỏ trước mắt, phải biết mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để giành lấy lợi ích lâu dài to lớn hơn.”

Từ suy nghĩ đó, Ballmer đã nhanh chóng áp dụng những biện pháp chiến lược như sau:

1 - Nhanh chóng thay đổi phương thức bán hàng và thanh toán làm sao thuận lợi cho khách hàng. Cùng với việc tiếp tục cung cấp giá rẻ thậm chí miễn phí cho khách hàng một số chương trình nhất định, Microsoft đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức tiêu thụ trên thị trường hiện nay theo kiểu “tiền trao cháo múc” chắc chắn, ít rủi ro, sang phương thức cho thuê và thanh toán sau các chương trình cũng như các thiết bị hỗ trợ của Microsoft. Nội dung chính của phương thức mới này là cho các khách hàng thuê các chương trình mới cũng như thiết bị hỗ trợ sử dụng vào các nghiệp vụ của khách hàng.
Các dịch vụ như lắp đặt, cài đặt và bảo dưỡng duy tu đều do Microsoft chịu trách nhiệm miễn phí, thanh toán trả theo tháng hoặc quý để tiết kiệm chi tiêu cho khách hàng. Phương thức mới sau khi áp dụng đã được rất nhiều công ty hoan nghênh và ký hợp đồng với Microsoft.

2 - “Thời đại PC đã qua rồi”, hiện nay là thời đại của mạng internet ngày càng cao, vì vậy Ballmer quyết định cùng với việc duy trì những sản phẩm đã có cho PC, Microsoft phải nhanh chóng chuyển sang các sản phẩm hỗ trợ mạng, lấy công ty, nhất là các công ty lớn làm đối tượng phục vụ chủ yếu. Nhanh chóng cải tiến và cho ra đời các sản phẩm mới phù hợp, theo kịp với sự phát triển của thời đại, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mới của Apple, IBM và các hãng công nghiệp điện tử khác.

Cùng với việc cải tiến, nâng cấp những chương trình đã có như Office (gồm Word, Excel, PowerPoint, Outlook), Microsoft đã đưa ra sản phẩm mới là SharePoint và Exchange hỗ trợ cho mạng. Hệ điều hành Vista do nhiều thiếu sót, nên Microsoft nhanh chóng đưa ra hai sản phẩm mới là Windows- XP và Windows -7 thay thế.

Steve Ballmer cho biết do phương thức thanh toán thay đổi và tính ưu việt của Windows-7, hiện có tới hơn 40.000 công ty sử dụng và số lượng tới 177 triệu bộ, dự kiến tới 300 triệu máy PC sử dụng Windows-7 của Microsoft. Vừa qua, Microsoft lại đưa ra sản phẩm mới “Office-2010” với nhiều chương trình ứng dụng tiện lợi. Steve Ballmer nói: “Phải cho khách hàng thấy rằng những nhu cầu của họ mà các hãng máy tính khác không đáp ứng được thì Microsoft hoàn toàn có thể đáp ứng được, từ đó họ sẽ gắn bó với Microsoft”.

3 - Steve Ballmer cho rằng không có nhân tài thì Microsoft sẽ không thể cạnh tranh nổi với các công ty điện tử mới hiện đang mọc lên nhan nhản. Bởi vậy, tuyển mộ người tài là khâu then chốt để duy trì được sức mạnh cạnh tranh của công ty.

Microsoft không ngừng tiến hành săn lùng nhân tài từ các nơi, cuối năm 2007 đã “bắt được” Stephen Elop, người Canada năm nay 46 tuổi. Ông đã từng làm việc cho các hãng điện tử Adobe Systems và Juniper Neworks. Trước khi chính thức làm việc cho Microsoft vào tháng 1/ 2008, Stephen Elop đã từng nắm giữ công ty Macromedia với doanh số hàng năm khoảng 440 triệu USD. Làm việc cho Microsoft chưa đầy 1 năm, Stephen Elop lập tức trở thành nhân vật số 2 của Microsoft. Chính Stephen Elop đã tiến hành cải tiến các chương trình phần mềm cũ, đồng thời đưa ra các sản phẩm mới trong năm 2008 là SharePoint và Exchange. Chương trình mới này được hàng trăm hãng ở 14 quốc gia trên thế giới sử dụng, trong đó có những các hãng lớn như Westcom, GlaxoSmithKline, Coca Cola; tiếp đó lại đưa ra sản phẩm Office-2010 hiện được khách hàng ưa chuộng do tính ưu việt của chương trình này.

Steve Ballmer nói: “Để giữ được địa vị hàng đầu thế giới hiện nay, Microsoft đã không ngừng cải cách và tự hoàn thiện mình. Định ra được phương hướng chiến lược phát triển đã khó, nhưng để thực hiện nó lại càng khó. Trong tiến trình này chỉ có cải cách, luôn đổi mới thì mới thành công, chúng tôi không bằng lòng với quá khứ, nhưng để tiến kịp thời đại thì phải vắt óc tìm tòi, nghiên cứu.”

Steve Ballmer thừa nhận, hiện Microsoft đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty, như Apple, IBM. Tổng trị gía thị trường của Apple đầu năm 2010 đã đạt 222,1tỉ USD, vượt Microsoft trở thành Công ty có thị giá lớn thứ hai toàn nước Mỹ và trở thành Công ty kỹ nghệ cao có thị gía lớn nhất thế giới. Nhưng họ chưa thể thay thế được địa vị của Microsoft vì Microsoft vẫn có những chương trình ưu việt mà các công ty khác chưa thể có.

(Theo Kiều Tỉnh / Tamnhin)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Khoảng cách địa lý: Trở ngại trong mở rộng thị trường toàn cầu
  • Thoát khỏi khủng hoảng tăng trưởng?
  • Phá giá liên tục: 'cuộc chiến' trên thị trường điện máy
  • Hãng dược phẩm Pfizer mua lại King giá 3,6 tỷ USD
  • Cạnh tranh với các cường quốc trong kinh doanh
  • Trở về từ chiến trường (Phần 1)
  • Tự bơi hay chết chìm?
  • Amazon - eBay và cuộc chiến giá cả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com