Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp CNTT - truyền thông: Mới mạnh ở sân nhà

Khá nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đã có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa, nhưng hình ảnh của họ trên thị trường quốc tế còn rất mờ nhạt.
 
Những thương hiệu như Viettel, VNPT, FPT, CMC, FAST, Misa, Bkav... đã trở nên thân thuộc tại thị trường Việt Nam. Trong cuộc điều tra mới đây của Viện Tin học doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) về ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn dùng hàng Việt, đặc biệt là các giải pháp phần mềm.

Ví dụ, với phần mềm diệt virus, có trên 73% doanh nghiệp lựa chọn dùng phần mềm Bkav; còn với phần cứng như máy chủ, máy tính xách tay và để bàn, FPT Elead đã lọt vào danh sách các sản phẩm được ưa chuộng, cùng với các tên tuổi lớn như IBM, Acer, Samsung...

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp này chỉ mạnh ở “ao nhà”, thì Việt Nam sẽ khó có thể trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông theo như Dự thảo Đề án sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông vào năm 2020 đã trình xin ý kiến Chính phủ trong tháng 4/2010.

Theo ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, muốn trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông, Việt Nam phải có những doanh nghiệp mạnh, giống như “quả đấm thép” của ngành.

Một số doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông trong nước cũng cho rằng, nên coi thị trường nội địa như sàn tập, tạo tiền đề cho việc gây dựng thương hiệu mang tính toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp mạnh hay không là do thị trường quyết định và thị trường nội địa chính là nền tảng để hình thành và nuôi dưỡng doanh nghiệp. Ông Hùng cho biết thêm, sản phẩm và cách ứng xử của doanh nghiệp sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của thương hiệu.

Còn theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (Bkis), Bkis hiện chiếm 85% thị phần về phần mềm diệt virus tại thị trường Việt Nam và điều mong muốn hiện nay của Bkis là trở thành một công ty sở hữu phần mềm diệt virus có thương hiệu toàn cầu, cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Ông Quảng cũng khẳng định, sau nhiều nỗ lực, trong lĩnh vực an ninh mạng, Bkis đã được ghi nhận trên thế giới.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông có thể tạo dựng được thương hiệu mang tính toàn cầu, cũng cần có những chính sách hỗ trợ nhất định. Theo ông Hùng, thị trường trong nước nuôi dưỡng doanh nghiệp, vì thế cơ quan quản lý cần quy hoạch tốt thị trường trong nước để tránh xé nhỏ thị trường. Còn việc ra nước ngoài tạo dựng thương hiệu, theo ông Hùng, cần phải có tiền và điều này cũng cần có sự hỗ trợ mang tính chiến lược quốc gia.

“Với những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, có thể thực thi chính sách hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ, với Viettel hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Số tiền này có thể đủ để Viettel đầu tư vào một thị trường viễn thông nước ngoài”, ông Hùng nói.

(Theo Huyền Anh // Báo đầu tư)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Đầu tư vào giá trị bền vững
  • Apple qua mặt Microsoft thành công ty công nghệ lớn nhất
  • Lấy túi nọ bỏ túi kia
  • Thị trường thiết bị điện cao cấp: Cuộc đua thương hiệu
  • Trạng thiệt, Chúa cũng trắng tay
  • Chỉ có ăn theo World Cup
  • eBay tranh thủ giành lại thị trường Trung Quốc
  • Chớp thời cơ kinh doanh từ biến đổi khí hậu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com