Kéo dài cả tháng, xét về độ dài, ngày hội toàn cầu quanh trái banh tròn chắc không thua kém các sự kiện một ngày như lễ Tình nhân. Chỉ còn chưa đầy ba tuần là tới ngày khai mạc, các nhà kinh doanh ở thị trường Việt Nam không có các hoạt động gì lớn, ngoại trừ một vài chương trình khuyến mãi.
Theo bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark, các công ty cũng chỉ tham gia bằng chương trình bán hàng có quà tặng, giảm giá trên từng món hàng.
Đến thời điểm hiện nay, chương trình của Nguyễn Kim được xem là hoành tráng nhất trong mùa World Cup này. Ảnh: Hồng Thái |
Khuyến mãi là chính
Tính đến thời điểm này, chỉ có hệ thống Big C tung ra đợt bán giảm giá 200 mặt hàng điện tử, điện máy, thực phẩm với mức giảm giá tối đa 30%. Hệ thống này có thêm chiêu thu mua tivi cũ khi khách mua tivi mới. Theo bà Lê Quang Thục Quỳnh, giám đốc tiếp thị Co.opmart thì do ngày Quốc tế thiếu nhi diễn ra vào đầu tháng 6, nên chương trình mua hàng giá ưu đãi, mua hàng trúng vé đi Nam Phi xem bóng đá… sẽ bắt đầu từ 9.6.2010! Ông Nguyễn Đăng Hiến, tổng giám đốc công ty Bidrico đánh giá: “Bây giờ là mùa hè, mùa tiêu thụ nước giải khát nên những mặt hàng mới đã tung ra ngay từ dịp lễ 30.4. Còn World Cup chỉ là điểm nhấn, công ty tạo niềm vui cho khách mua hàng bằng những chiêu khuyến mãi thông thường như mua một thùng tặng thêm một lon…”
Ngoài những chiêu bán hàng giảm giá trên những thiết bị nghe nhìn như tivi LCD, tivi CRT, loa…, một số hệ thống bán lẻ hàng kỹ thuật số như Thế Giới Di Động có chương trình bán hàng được bốc thăm trúng thưởng với số lượng mỗi tuần là 40 tivi LCD 32 inch. Được xem là hoành tráng nhất, Nguyễn Kim cùng với các nhà sản xuất hàng điện tử như Sony, Panasonic, Toshiba, JVC, Sharp, LG, Samsung…
tổ chức chương trình “Đi tìm ẩn số World Cup 2010” với hình thức dự đoán kết quả World Cup. Phần thưởng của chương trình này là hai chiếc Limousine, trị giá 6 tỉ đồng. Acer cũng có chương trình bán hàng trúng vé đi Nam Phi. Intel chuẩn bị thực hiện chương trình sôi động cùng World Cup với nhiều show diễn tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ…
Nghèo tiền hay thiếu ý tưởng?
So với hai kỳ World Cup gần đây ở châu Á và ở châu Âu, mùa World Cup 2010 như các chuyên gia nhận xét là “buồn hiu hắt”. Khi trao đổi với các doanh nghiệp trong nước về khả năng tận dụng cơ hội này để kinh doanh, phần đông doanh nghiệp cho hay, họ không biết làm gì. Giám đốc tiếp thị của một kênh phân phối hàng công nghệ thông tin thú nhận: “Chưa nghĩ ra trò mới để làm. Những gì mà các doanh nghiệp đang làm đều đã quá cũ, cũ đến độ nhạt, không còn hấp dẫn với khách hàng”. Ông Trần Quang Trí, giám đốc công ty MMC chuyên kinh doanh các thiết bị kỹ thuật số thật lòng: “Không biết phải làm gì cho những sản phẩm mà công ty đang kinh doanh”. Ông Trí cho hay, công ty còn đang đàm phán với nhà sản xuất về chương trình tiếp thị cho một sản phẩm card bắt tín hiệu truyền hình kỹ thuật số.
Bà Nhung, giám đốc chi nhánh công ty Thiên Ngân tại TP.HCM nhận xét: “Không khí về World Cup năm nay khá lặng lẽ. Cũng có doanh nghiệp xem đây là cơ hội kinh doanh nhưng với mức độ vừa phải nên không hấp dẫn người tiêu dùng. Mặt khác, có thể do hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Cộng vào đó hình thức khuyến mãi chưa có gì mới hơn, vẫn là giảm giá, bốc thăm trúng thưởng… Khách hàng bây giờ khôn lắm. Họ không đánh cược với may mắn như trước đây”.
Một chuyên gia về tiếp thị (đề nghị không nêu tên) cho rằng, năng lực về tiếp thị của nhiều doanh nghiệp còn yếu. Có thể họ không có đủ năng lực về tài chính cũng như sáng tạo những sản phẩm mới để thu hút khách hàng. Theo vị chuyên gia này, nếu một doanh nghiệp không đủ sức để làm thì có thể hợp lực với những doanh nghiệp khác để tiết giảm chi phí mà vẫn đạt hiệu quả.
Các hãng nước ngoài tỏ ra có ưu thế về các nguồn lực để biến ngày hội bóng đá toàn cầu thành cơ hội kinh doanh tại các nước khác. Hình ảnh các danh thủ bóng đá nước ngoài đã xuất hiện ở Việt Nam trong dịp này là điều dễ hiểu. Đằng sau hình ảnh thân thuộc đó, người dùng trong nước cũng dễ tiếp nhận hơn khi phương thức tiếp cận khá phù hợp. Thậm chí, các ngày lễ, tết truyền thống, các hãng nước ngoài cũng tỏ rõ họ là người am hiểu và nắm bắt cảm xúc của người dùng trong nước hơn. Khi một nhãn hiệu bột giặt của nước ngoài gợi ý về một cách giáo dục trẻ học điều tốt trong dịp tết hay một hương vị xa lắc xa lơ lại gợi nhớ về cảm giác sum vầy dịp tết thì doanh nghiệp trong nước ắt sẽ đặt lại câu hỏi về nguồn lực nào giúp họ cạnh tranh: tiền hay ý tưởng? Giới kinh doanh hiểu rõ, để tạo ra một nghi thức tiêu dùng hay một cảm nhận riêng biệt về sản phẩm hay nhãn hiệu mất rất nhiều tiền, nên cách thường sử dụng là khơi gợi những gì sẵn có.
( Theo Gia Vinh – Minh Thành // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com