Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp làm gì để đối phó với vật giá tăng cao?

Trong khi điện, xăng dầu, than và nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất đồng loạt tăng giá, với tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90%, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đã yếu nay còn yếu hơn. Ngay thời điểm này, các doanh nghiệp buộc phải lên phương án đối phó với mặt bằng giá tăng cao.

Tiết giảm tối đa chi phí


Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải tính toán rất kỹ bài toán tỷ giá, tính sát giá trị mọi kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, về hệ số trượt giá, dù tính toán kỹ đến bao nhiêu đều khó có thể chuẩn xác trong thời điểm này. Bộ phận kế hoạch của các doanh nghiệp đang phải rà soát, tính toán kỹ để có phương án đối phó với tình hình mới. Chủ trương đẩy mạnh công tác thu hồi vốn và khối lượng công việc dở dang, tăng cường việc hạch toán kinh doanh, xây dựng và ban hành các định mức đơn giá nội bộ nhằm quản lý chặt chẽ chi phí, và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh việc bám sát kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp cũng tăng cường marketing để phát triển thị trường đối với những dịch vụ đã có và mở rộng thị trường, lĩnh vực dịch vụ mới; đồng thời triển khai và kiểm soát chặt chẽ quy chế giao việc nội bộ; các đơn vị phải đảm bảo đủ năng lực, điều kiện, biện pháp thi công, nhân lực, quản lý, tài chính mới được giao việc.

Ngoài ra, thay vì cắt giảm nhân công, tìm nguyên liệu rẻ hơn và tăng giờ làm, Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học Trương Công Phú - Chủ nhiệm hội đồng tư vấn kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: “Các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư nâng cao thiết bị sản xuất ít tiêu hao năng lượng, tận dụng tối đa các nguyên vật liệu có sẵn phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, để giảm thiểu tối đa chi phí, doanh nghiệp nên tập trung sản xuất vào giờ có mức tăng giá điện thấp nhất”.

Mới đây, nói về một trong những nỗ lực đưa doanh nghiệp vượt khó và phát triển kinh doanh bền vững, bà Nguyễn Thanh Giang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Thế Kỷ (212 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu USD nhập thiết bị hiện đại nhất, tiết kiệm tối đa lượng điện năng sử dụng... để có được giá thành tốt nhất và tìm thị trường mới cho sản phẩm của mình”.

Điều đáng lo ngại là giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng không chỉ kéo theo chi phí trực tiếp mà cả giá các vật liệu sản xuất khác. Trong bối cảnh lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng, nếu việc làm ăn không thuận lợi, doanh nghiệp phải cố gắng tiết giảm tối đa chi phí mới có thể bù được phần tăng thêm do tác động tăng giá của thị trường.

Quay nhanh vốn lưu động

Quay nhanh vốn lưu động là giải pháp được nhiều doanh nghiệp thương mại lựa chọn. Một công ty chuyên về xuất khẩu hàng nông sản mới đây đã mở rộng xuất khẩu sang mặt hàng sắn lát, thay vì tập trung cho xuất khẩu gạo như trước kia. Cạnh tranh trong xuất khẩu gạo khiến doanh nghiệp phải đưa điều kiện ưu đãi thanh toán trả chậm cho đối tác quen khiến đọng vốn, mỗi năm xuất khẩu được 3 lần. Mặt hàng sắn lát có nguyên liệu dồi dào, dễ thu mua và sơ chế, ít cạnh tranh, tốc độ quay vòng vốn nhanh, đỡ chi phí lãi vay đang đắt đỏ.

Ứng phó với tình huống bất lợi trong nhiều trường hợp đòi hỏi doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn. Năm 2008-2009, nhìn thấy trước bài toán thiếu nguyên liệu xuất phát từ việc đầu tư và nuôi tôm theo phong trào của người nông dân, Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú đã đầu tư cho vùng nguyên liệu, tạo thành quy trình khép kín từ con giống, nuôi trồng, đến chế biến xuất khẩu.

Sau 2 năm xây dựng, trong năm 2011, Công ty sẽ đưa nhà máy mới Minh Phú - Hậu Giang vào hoạt động, với công suất lớn hơn công suất toàn bộ các nhà máy chế biến hiện tại cộng lại. Tầm nhìn xa đang giúp Minh Phú nâng cao cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nhà máy chế biến tôm đang hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Ngoài ra, ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng các doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào vật tư, nguyên liệu bên ngoài thì “lợi - hại” là tương đương. Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp năng động, thích nghi với hoàn cảnh mới thì không ít doanh nghiệp cho biết họ có thể phải chuyển hướng sản xuất, “lánh nạn” sang các ngành ít cạnh tranh hơn, hoặc chi phí đầu ra chấp nhận mặt bằng giá mới.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp vốn có ngành nghề cốt lõi là xây dựng chia sẻ, trước đây việc làm chủ yếu phụ thuộc vào các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm tới 80% đầu việc. Năm 2008-2009, khó khăn về kinh tế khiến giải ngân các dự án FDI giảm mạnh, hợp đồng nhận được đếm trên đầu ngón tay. Nếu không mạnh dạn chuyển đổi, tìm hướng sang các dự án trong nước, các dự án của công ty mẹ và các công ty thành viên trong tập đoàn, doanh nghiệp đã không thể tồn tại như ngày hôm nay.

"Cái khó của những người đi tiên phong đôi khi lại dựa vào độ nhạy bén kinh doanh rất lớn của lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không đơn thuần ở những con số tính toán chi li. "Tính toán thật kỹ và không dám mạo hiểm lại chưa hẳn đã thành công. Tôi đã bỏ qua 3-4 dự án sau khi tính đi tính lại và sau này đều thấy hối tiếc", vị tổng giám đốc này nói.

Cũng có ý kiến lại cho rằng, không nên mở rộng đầu tư mà tập trung cho những dự án đã triển khai để tránh lãng phí, nhanh chóng tạo ra lợi nhuận thực là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ông Dương Anh Hiến – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ quảng cáo Báo chí và Truyền hình Việt Nam, cho biết: “Ở thời điểm hiện tại nên lắng nghe thông điệp điều hành vĩ mô và diễn biến của thị trường. Và chỉ có thể đầu tư thận trọng, chờ đợi những tín hiệu khả quan trong quý II".

Trong bối cảnh như hiện nay, khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang đối diện xuất phát từ yếu tố nội tại khác như: giá cả biến động khôn lường; một số chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong cả nền kinh tế quốc dân như tỷ giá, kiềm chế lạm phát  chưa có tác dụng ngay tức thì. Do đó, để kịp thời ứng phó với những tình huống bất lợi, doanh nghiệp cần một sự chuyển hướng mạnh mẽ và dứt khoát.

Các giải pháp đối phó được chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai tuy có chậm nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ giúp giải nhiệt thị trường. Về lâu dài, các doanh nghiệp cho rằng để hạn chế tình trạng thua lỗ và đẩy mạnh phát triển kinh doanh bền vững cần có những “chiến thuật” vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.

(tamnhin)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Hướng tới ngành bán lẻ "thông minh" hơn
  • Chúng ta đã giàu lên như thế nào: Cạnh tranh thúc đẩy tiến hóa
  • Chúng ta đã giàu lên như thế nào: Chỉ người nông dân tự do mới nuôi nổi nhân loại
  • Boeing và Airbus tiếp tục chiếm thị trường máy bay
  • Lợi nhuận Prudential tăng gấp đôi trong năm 2010
  • Chúng ta đã giàu lên như thế nào: Tủ lạnh đưa thực phẩm đi xa
  • Vì sao Best Buy không trụ nổi ở Trung Quốc?
  • Nhà máy Nokia nhìn từ thị trường trong nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com