Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gấu ở ngoài cửa

Nokia đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng. - tinkinhte.com
Nokia đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng. Ảnh: Lê Toàn.

Tập đoàn điện thoại di động lớn nhất thế giới Nokia có thể nào tái sinh lần nữa?

Cứ hỏi bất kỳ người Phần Lan nào, tính cách dân tộc của họ là gì, thì câu trả lời thường là “sisu” - một từ ngữ chỉ sự kiên định, cần cù và ngoan cường, có phần dữ tợn. Một câu tục ngữ địa phương nói: “Phải có sisu khi con gấu đứng đợi bên ngoài cửa”.

Nhiều đối thủ “dữ dằn”

Hiện có rất nhiều gấu đứng ngoài cửa hãng Nokia. Dù Nokia vẫn đang dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh (smart-phone), sản phẩm của họ đang dần mất lợi thế so với điện thoại iPhone của Apple (Mỹ) và Blackberry của Research in Motion (RIM - Canada).

Ngày 5-1 vừa qua, tập đoàn Google (Mỹ) bước vào thị trường này bằng việc đưa ra Nexus One, loại điện thoại thông minh do Công ty HTC của Đài Loan chế tạo theo thiết kế của Google và chạy hệ điều hành Android do Google tạo ra. Ở Mỹ, nơi sản phẩm điện thoại của Apple và RIM đang thống trị, Nokia bị coi như đã hết thời.

Vị trí đặt quảng cáo

Các nhà phát triển phần mềm đang nỗ lực viết ra các chương trình phần mềm cho iPhone và Android nhưng lại né tránh Symbian, hệ điều hành điện thoại di động do Nokia phát triển để cạnh tranh với Windows Mobile.

Những ngày này Nokia xuất hiện trên trang nhất của báo chí là nhờ những vụ kiện đòi bản quyền chống lại Apple, mà nhiều người coi như những dấu hiệu cho thấy Nokia thừa nhận thất bại về thương mại. Vụ kiện tụng gần đây nhất bắt đầu vào cuối tháng 12-2009, theo đó Nokia yêu cầu Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cấm buôn bán một số sản phẩm của Apple tại Mỹ, kể cả điện thoại iPhone.

Tuy Nokia đánh bại Apple về doanh thu hàng năm (Nokia đạt 57 tỉ đô la Mỹ so với 37 tỉ đô la của Apple) và thị phần trong thị trường điện thoại thông minh (Nokia 39% so với 17% của Apple), nhưng lợi nhuận của Nokia rất thấp.

Theo tính toán của ông Brian Modoff, nhà phân tích của Ngân hàng Deutsche Bank, lợi nhuận của Nokia giảm từ 64% doanh thu năm 2007 xuống còn 32% trong năm 2009 - không nhiều hơn Apple và ít hơn RIM. Trên thị trường chứng khoán, nhiều người ngạc nhiên rằng mức vốn hóa thị trường của Nokia chỉ bằng một phần tư so với Apple.

Tuy nhiên tại tổng hành dinh của Nokia ở Espoo, gần thủ đô Helsinki, tinh thần của nhân viên vẫn rất cao. Trong cuộc gặp gỡ các nhà phân tích tài chính hồi tháng 12, ông Olli-Pekka Kallasvuo, ông chủ của Nokia, cam kết trong năm nay sẽ cải tổ triệt để hệ điều hành Symbian để biến điện thoại Nokia thành “cỗ máy kỳ diệu”, và đến cuối năm 2011 sẽ thu hút được 300 triệu người sử dụng các dịch vụ di động của Nokia.

Và những thách thức của thời đại

Trong quá khứ Nokia đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng tương tự. Nhưng lần này thì vấn đề nghiêm trọng hơn. Theo Jay Galbraith, một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, về nhiều phương diện Nokia phải trở thành một công ty khác.

Từ trước đến nay, Nokia rất giỏi trong việc chế tạo ra và phân phối sản phẩm phần cứng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh, phần mềm và dịch vụ trở nên quan trọng hơn phần cứng. Phát triển phần mềm và dịch vụ đòi hỏi các kỹ năng khác với sản xuất phần cứng.

Chu kỳ phát triển sản phẩm không tính theo từng quí, từng năm như trước mà tính theo tháng, thậm chí tính theo từng tuần. Các dịch vụ mới không cần phải hoàn hảo vì chúng có thể được nâng cấp sau khi ra đời; các nhóm làm việc phải cộng tác với nhau mật thiết để cho ra các dịch vụ và phần mềm có thể chạy trên nhiều dòng điện thoại khác nhau; Nokia cũng phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng sử dụng cuối cùng như Apple hay Google đang làm.

Thực ra Nokia đã chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ và phần mềm sớm hơn các hãng đối thủ. Năm 2007, họ cho ra đời dịch vụ Ovi gần một năm trước khi Apple mở cửa hàng phần mềm trên mạng đầu tiên. Vài tháng sau đó, Nokia mua lại Navteq, một công ty sản xuất bản đồ điện tử với giá 5,7 tỉ euro (lúc đó gần 8,2 tỉ đô la Mỹ), để cải thiện việc cung cấp dịch vụ dựa theo địa điểm.

Nhưng những nỗ lực này không thành công, dù Nokia nói rằng có 86 triệu người đang sử dụng các dịch vụ của họ. Hãng vẫn đang cố gắng tập hợp các dịch vụ này vào một gói sản phẩm có thể truy cập được từ điện thoại di động. Thêm vào đó, phần lớn các dịch vụ của Nokia đã gặp phải sự cạnh tranh với các dịch vụ phổ biến khác như là Facebook, Apple iTunes và Google Maps.

Tệ hơn nữa, trong khi xử lý các vấn đề này, Nokia dường như sao nhãng việc kinh doanh chính. Phiên bản đầu tiên của loại điện thoại thông minh đầu bảng của họ, Nokia N97, là một sự thất vọng.

Phải sẵn sàng thay đổi

Tháng 2-2009, ban quản trị Nokia đã khởi động một chiến lược đổi nới toàn diện để giải quyết các vấn đề này. “Chúng tôi cần phải tiến triển nhanh hơn, chúng tôi cần cải thiện việc điều hành. Và chúng tôi cần thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa thiết bị và dịch vụ”, bà Mary McDowell, nhà chiến lược chính của Nokia, giải thích. Từ lúc đó công ty đã cơ cấu lại guồng máy tổ chức cho đơn giản hơn, giảm số mẫu điện thoại thông minh còn một nửa, loại bỏ các dịch vụ yếu kém. Vừa canh tân toàn bộ hệ điều hành Symbian, Nokia vừa nghiên cứu tạo ra một hệ điều hành mới, gọi là Maemo, cho các loại điện thoại thông minh cỡ lớn, giống như máy tính.

Chắc chắn những hoạt động này có thể giúp Nokia tạo ra sản phẩm tốt hơn. Hãng có thể đạt được mục tiêu 300 triệu thuê bao đến cuối năm 2011 vì các nỗ lực của Nokia không chỉ hướng đến các nước giàu, mà cả các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng, nơi mà Nokia vẫn là vua, chẳng hạn như Ấn Độ.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi hoàn toàn khác là liệu Nokia có tìm cách thống trị nền công nghiệp điện thoại di động một lần nữa hay không - không chỉ bằng số lượng điện thoại bán ra thị trường mà bằng lợi nhuận và sáng kiến. Trường hợp của nền công nghiệp máy tính, mà trọng tâm chính đã chuyển từ phần cứng sang phần mềm và dịch vụ chỉ trong vòng hai thập kỷ, cho thấy một tấm gương không mấy sáng sủa: trong các gã khổng lồ trước đây của nền công nghiệp máy tính chỉ có mỗi tập đoàn IBM là thật sự thành công trong cuộc chuyển đổi này.

Đành rằng Nokia đã nhiều lần tự tái sinh từ khi khởi nghiệp là một xưởng giấy năm 1865 cho đến ngày nay song theo Dan Steinbock, tác giả của hai cuốn sách về hãng này, thành công đó không chỉ nhờ vào “sisu”, mà chủ yếu nhờ sự sẵn sàng chấp nhận thay đổi và đa dạng hóa hoạt động. Nokia sẽ cần thay đổi nhiều hơn nữa trong những năm tới.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // The Economist)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nghề “lai”
  • Ford đã kinh doanh có lãi sau 4 năm
  • Những dự báo “biết nói”
  • Chu kỳ bong bóng đầu tư trong kỷ nguyên tới?
  • M&A: Doanh nghiệp Việt Nam cầm trịch
  • Cổ phần hóa: Lợi lớn, lo nhiều?
  • Không liên kết được vì thiếu niềm tin
  • Những quy định “bất khả thi”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com