Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghề “lai”

Nước Mỹ đang cần thêm những người như Tiến sĩ John Halamka. - tinkinhte.com
Nước Mỹ đang cần thêm những người như Tiến sĩ John Halamka.

Điện toán kết hợp với một lĩnh vực chuyên môn khác đang mở ra một chân trời mới cho những nghề tưởng như rất bình thường, đôi khi nhàm chán. Ở Mỹ, những công việc có sự kết hợp như vậy gọi là nghề “lai” và được xem là xu hướng trong tương lai.

Lớn lên trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, John Halamka là một người ham đọc sách, yêu thích khoa học và đam mê điện tử. Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi thường bị gọi là một con mọt sách”.

Thay đổi hình ảnh điện toán

Giờ đây, cuộc sống của John Halamka không hề chán ngắt như suy nghĩ trước đó của nhiều người. Ông có một sự nghiệp thành công, kết hợp sự quan tâm mạnh mẽ đối với y học, điện toán với những thú vui lúc rãnh rỗi như leo núi, chèo thuyền… Ở tuổi 47, tiến sĩ Halamka đang là Giám đốc công nghệ thông tin tại Trường Y Harvard, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề hồ sơ y tế điện tử.

Các chuyên gia về lao động cho rằng những sự nghiệp “lai” như của ông Halamka, kết hợp điện toán với những lĩnh vực khác, sẽ trở thành loại công việc phổ biến ở Mỹ trong tương lai. Nói cách khác, nước Mỹ cần thêm những người như ông Halamka. Dù vậy, có một khó khăn hiện nay là không có nhiều thanh niên theo đuổi lĩnh vực điện toán ở Mỹ, thường vì họ không thích bị gọi là “mọt sách”.

Để cải thiện tình trạng này, các nhà sư phạm và chuyên gia công nghệ cho rằng có hai thứ cần phải thay đổi: hình ảnh của công việc điện toán và việc giảng dạy môn khoa học máy tính tại trường trung học. Các tổ chức giáo viên và nghề nghiệp, gồm Hiệp hội Máy tính và Tổ chức Khoa học quốc gia (NSF), cùng với các đại gia công nghệ, như Google, Microsoft, Intel…, đang thúc đẩy những thay đổi này. Một trong những nỗ lực của họ là sự kiện Tuần lễ giáo dục khoa học máy tính vừa diễn ra vào đầu tháng 12-2009, trong đó các sự kiện được tổ chức tại trường học và trên mạng.  

Theo bà Janice C. Cuny, một giám đốc chương trình tại NSF, các khóa học mở đầu về khoa học máy tính thường chỉ tập trung vào việc dạy cho học sinh dùng những phần mềm như xử lý văn bản và bảng tính. Bà nói: “Chúng ta không giới thiệu và giảng dạy cho học sinh điều kỳ diệu của điện toán”. Để thay đổi điều này, NSF đang tìm cách cải tiến chương trình hiện nay, đồng thời biên soạn chương trình mới. Họ hy vọng sẽ đào tạo 10.000 giáo viên trung học về những giáo trình được hiện đại hóa này vào năm 2015.

Mục tiêu của điều đó, theo các chuyên gia, là giải thích về vai trò ngày càng lớn của điện toán trong các ngành khoa học, công nghiệp, văn hóa và xã hội. Giới trẻ cần phải biết rằng công cụ điện toán không chỉ là e-mail, tin nhắn, mạng xã hội Facebook – những thứ họ dùng hằng ngày – mà còn là những thành tựu do điện toán mang lại trong những lĩnh vực như di truyền, khí hậu…

Alfred Spector, Phó chủ tịch về nghiên cứu và các sáng kiến đặc biệt của Google, nhận định: “Chúng ta cần phải giúp mọi người hiểu khoa học máy tính vừa cực kỳ quan trọng vừa vô cùng hấp dẫn. Đã có mối lo ngại rằng nếu bạn theo đuổi ngành khoa học máy tính, bạn sẽ suốt ngày chỉ ở dưới hầm và viết mã. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy”.

Phát triển tư duy điện toán

Một số trường học đang thử nghiệm một chương trình mới – gọi là “Khám phá khoa học máy tính” – trong nỗ lực giúp học sinh phát triển tư duy điện toán. John Landa, người giảng dạy khóa học này tại trường Trung học South East ở bang California, cho biết: “Ý tưởng không phải là khiến cho tất cả, hoặc hầu hết, các em đi vào con đường khoa học máy tính. Khóa học chủ yếu tạo cơ hội để học sinh cảm nhận về tư duy điện toán mà không cần quan tâm các em sẽ làm gì với nó sau khi học”.

Các chuyên gia cho rằng việc có được một nền tảng điện toán vững chắc hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về sau. Ông Robert Reich, một giáo sư tại Đại học California Berkley, lý giải rằng hầu hết việc làm mới trong nền kinh tế hiện đại sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ.

Ông nói: “Phần lớn việc làm mới trong tương lai sẽ không chỉ là những công việc công nghệ đơn thuần, như thiết kế phần mềm máy tính hoặc sản phẩm phần cứng. Chúng sẽ đòi hỏi những kỹ năng liên quan đến điện toán và công nghệ”. Chẳng hạn như, theo ông Reich, lĩnh vực năng lượng hoặc chăm sóc sức khỏe có thể cần đến một lượng lớn nhân viên để cài đặt, cung cấp dịch vụ, nâng cấp và sử dụng công nghệ máy tính.

Nằm trong nỗ lực nhằm kích thích kinh tế hồi phục trở lại, Chính phủ Mỹ đã tăng cường ngân sách liên bang dành cho giáo dục khoa học và công nghệ. Sự hỗ trợ này là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Vấn đề quan trọng không kém là làm sao cho các chương trình giảng dạy ở trung học đủ sức lôi cuốn giới trẻ theo đuổi sự nghiệp khoa học máy tính.

Tại Trường Trung học South East, Mario Calleros, 18 tuổi, có lẽ là một người trong số họ. Nhờ chương trình “Khám phá khoa học máy tính”, Calleros nhận thấy sự hấp dẫn của lĩnh vực này và dự định chọn nó là môn học chuyên ngành ở đại học. Ông Landa, giáo viên của Calleros, ghi nhận rằng chương trình giảng dạy mới đã có những thành công nhất định. Ông nói: “Mọi chuyện chỉ mới bắt đầu nhưng tôi cho rằng chúng tôi đang đi đúng hướng”.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Gấu ở ngoài cửa
  • Ford đã kinh doanh có lãi sau 4 năm
  • Những dự báo “biết nói”
  • Chu kỳ bong bóng đầu tư trong kỷ nguyên tới?
  • M&A: Doanh nghiệp Việt Nam cầm trịch
  • Cổ phần hóa: Lợi lớn, lo nhiều?
  • Không liên kết được vì thiếu niềm tin
  • Những quy định “bất khả thi”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com