Tin mới nhất là General Motors (GM) vào ngày 17.8 đã nộp hồ sơ về cổ phiếu phát hành lần đầu (IPO) lên uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC). Theo kế hoạch, GM sẽ chính thức phát hành IPO vào trước tháng 11.2010.
Xe Chevrolet của GM được bày bán ở một nhà phân phối tại thành phố Miami, bang Florida của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Điều này được đánh giá không chỉ là thắng lợi của GM mà còn có thể là chiêu bài của Tổng thống Obama nhằm dành phiếu bầu cho đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp đến. Một số nguồn tin cho hay IPO của GM sẽ dao động từ 15 – 20 tỉ USD, một số hãng tin uy tín đều cho rằng giá trị IPO sẽ là 16 tỉ USD.
Tới hồi thái lai
Báo cáo tài chính quý 2/2010 của GM cho thấy trong quý hãng này đã đạt mức doanh thu 33,2 tỉ USD và đạt mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2004, lên đến 1,3 tỉ USD. Tổng lợi nhuận nửa đầu năm 2010 của GM đạt 2,2 tỉ USD. So sánh với năm trước, khi GM lỗ đến gần 13 tỉ USD chỉ trong quý 2/2009, kết quả kinh doanh hiện nay của GM là hết sức ấn tượng.
Năm ngoái, sau khi GM chính thức phá sản, Chính phủ Mỹ đã bơm 50 tỉ USD cho hãng này và hiện nắm giữ 61% cổ phần của GM. Hai cổ đông lớn khác của GM là Nghiệp đoàn công nhân ôtô Mỹ chiếm 17,5% cổ phần, và Chính phủ Canada chiếm 11,7% cổ phần. Tuy có đến ba cổ đông lớn, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng lần phát hành IPO tới chủ yếu là để giảm đến 50% cổ phần mà chính phủ đang nắm giữ, theo một số phân tích.
Khi GM chính thức phá sản, không ít chuyên gia từng cho rằng giới đầu tư sẽ có một “ký ức dài” về thất bại của GM và ngại mua cổ phiếu sau này của GM, nhưng nay thì dường như niềm tin dành cho nhà sản xuất xe hơi này lại rất khả quan, khi 10 ngân hàng lớn tuyên bố sẽ hậu thuẫn khoản tài chính trị giá 5 tỉ USD để đảm bảo cho cổ phiếu GM trở lại sàn giao dịch.
Chiêu của Obama?
GM đã trả lại được cho chính phủ 6,7 tỉ USD nên số vốn chính phủ còn lại trong GM đã giảm xuống còn 43,3 tỉ USD. Khi chính phủ giải cứu GM, không ít chỉ trích cho rằng nguồn vốn đổ vào GM là không hiệu quả. Thương hiệu General Motors bị nhại thành Government Motors (Government có nghĩa là chính phủ), một cách bóng gió về chính phủ đã trút quá nhiều tiền cho GM. Cựu chủ tịch vừa từ nhiệm của GM, ông Edward E. Whitacre cho biết điều này khiến ông cảm thấy hổ thẹn.
Giới bình luận cho rằng cổ phiếu của GM nhanh chóng trở lại sàn giao dịch là để xua tan các bóng gió này. Quan trọng hơn, điều đó có thể đem lại kết quả tích cực hơn cho đảng Dân chủ của Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11.2010. Mới đây, khi đến thăm thủ phủ Detroit của ngành công nghiệp ôtô Mỹ, ông Obama tuyên bố rằng chính phủ đã giải cứu GM thành công. Scott Sweet, sở hữu công ty IPO Boutique chuyên nghiên cứu về IPO, cho rằng chính quyền Obama có thể đã yêu cầu GM sớm tung ra IPO để tạo thuận lợi cho cuộc bầu cử giữa kỳ. Suy đoán này không phải là không có căn cứ, khi nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra GM nên chờ thêm một quý kinh doanh có lãi nữa rồi tung IPO ra thì sẽ thuyết phục hơn.
6.2009: GM chính thức nộp hồ sơ xin phá sản. 7.2009: GM tái lập với bốn thương hiệu chính. Phần lớn cổ phần do chính phủ Mỹ nắm giữ. 9.2009: GM đồng ý bán 55% cổ phần trong chi nhánh Opel (ở châu Âu). 11.2009: GM quyết định giữ lại cổ phần trong Opel để tái cấu trúc. 16.6.2010: GM thông báo cơ cấu lại Opel mà không cần trợ giúp của chính phủ các nước châu Âu. 22.7.2010: GM thông báo đạt thoả thuận mua lại dịch vụ tín chấp ô tô AmeriCredit. 5.8.2010: hồ sơ phát hành IPO của GM được hoàn tất. |
(Theo Ngô Minh Trí // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com