Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giao dịch hàng hóa ảo

Nhà đầu tư không có hàng hóa nhưng vẫn được mua - bán với các sàn giao dịch hàng hóa thế giới.

Ngoài các hình thức buôn tiền thông qua việc giao dịch ngoại tệ,mua – bánvàng qua sàn, hiện nay không ít công ty mở thêm các giao dịch hàng hóa như nông sản, kim loại qua mạng. Hai mặt hàng đang thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia “cuộc chơi” là cà phê và bạc.

“Đánh” cà phê quốc tế
 
Tại công ty D.H.P (TPHCM), khi tôi ngỏ ý tìm hiểu về giao dịch cà phê, lập tức anh L.V.Đ, nhân viên phụ trách kinh doanh của D.H.P, đề nghị gặp nhau tại quán cà phê, rồi cung cấp văn bản về quy cách “đánh” cà phê qua mạng.
 
Theo đó, hàng hóa là cà phê robusta, thời gian giao dịch từ 15 giờ đến 23 giờ 30 phút của các ngày thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Với số tiền ký quỹ tối thiểu là 1.000 USD, nhà đầu tư được đặt lệnh mua - bán tối thiểu 10 tấn (1 lot), tính ra tỉ lệ ký quỹ tương đương 5%-7% (hiện tại giá cà phê khoảng 1.890 USD/tấn).
 
Trường hợp giá cà phê biến động, số tiền ký quỹ xuống dưới 1.000 USD, khách hàng có 4 giờ để bổ sung tiền ký quỹ. Khi tiền ký quỹ giảm còn 50%, hệ thống giao dịch sẽ tự động tất toán...
 
So với ngoại tệ, vàng và các loại hàng hóa khác, điểm khác biệt là cà phê giao dịch theo các kỳ hạn vào tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11 hằng năm và xác định trước thời điểm tất toán.
 
Ví dụ: Hợp đồng của tháng 11-2010 được ấn định ngày tất toán là 10-11, còn hợp đồng của tháng 1-2011 sẽ tất toán vào ngày9-1-2011... Nếu đến thời điểm đó, khách hàng không hoàn tất lệnh mua - bán thì hệ thống sẽ tự động tất toán.

Cà phê là mặt hàng được giới đầu tư giao dịch qua mạng khá rầm rộ hiện nay. Ảnh: FANPOP

“Ai thực hiện lệnh giao dịch? Tại thời điểm tôi đặt lệnh bán cắt lỗ nếu lại có quá nhiều nhà đầu tư bán với số lượng lớn, khi đó lệnh bán số lượng nhỏ có khớp được không?” - tôi thắc mắc.
 
“Lệnh do khách hàng đặt thông qua công ty D.H.P làm trung gian cho đối tác nước ngoài là thành viên của sàn giao dịch hàng hóa London. Sàn này có đến 70 ngân hàng mua - bán nên người “đánh” cà phê không phải lo ngại lệnh của mình không khớp” - anh L.V.Đ giải đáp.
 
Anh Đ. còn khẳng định: “Cứ yên tâm, D.H.P đã hợp tác bài bản với nước ngoài. Để làm đầu mối cho đối tác ngoại, công ty đã phải mở tài khoản ở nước ngoài 10 triệu USD và D.H.P cũng đã công bố danh tính đối tác nước ngoài trên website của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kinh doanh”...
 
Một số người chuyên “đánh” cà phê thông qua công ty D.H.P cho biết phí giao dịch 20 USD/lot, phí chênh lệch giá mua - bán 30 USD/lot. Như vậy, với lệnh mua – bán 1 lot cà phê, chi phí ban đầu của người chơi lên tới 100 USD (khoảng 2 triệu đồng).
 
Nếu giá cà phê chỉ biến động 10 USD/tấn, tức 1 lot tăng hoặc giảm 100 USD là không có lời. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê cho rằng giao dịch không cần hàng thật tạo cơ hội sinh lời nếu dự báo đúng xu hướng thị trường, bởi DN sẽ bán cà phê qua sàn quốc tế rồi mua lại trong nước hưởng chênh lệch...
 
Canh vàng “chơi” bạc
 

Môi giới hay nhà cái?

Giám đốc Trung tâm Giao dịch ngoại hối và hàng hóa của một ngân hàng thương mại cho biết các tổ chức làm môi giới mua - bán hàng hóa cho đối tác nước ngoài thường là DN có vốn hàng ngàn tỉ đồng, được cấp phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Trong khi đó, mức vốn của DN tự xưng làm trung gian cho đối tác nước ngoài thường chỉ 200 - 300 tỉ đồng, lại không chứng minh được yếu tố hợp tác quốc tế nên nhiều khả năng các DN đó chỉ là nhà cái. Nếu DN kinh doanh thua lỗ, nhà đầu tư giao dịch hàng hóa quốc tế sẽ không biết kêu ai.

Để mở rộng kênh đầu tư, mới đây Nhà nước đã cấp phép thành lập Sở Giao hàng hóa Triệu Phong (TPE), cung cấp các giao dịch cà phê, cao su, thép trong nước theo hướng không cần có hàng trong kho.

Do lạ lẫm với thị trường cà phê nên nhiều người đã từng “chơi” vàng qua sàn, nay sàn vàng bị cấm giao dịch nên đã âm thầm chuyển hướng sang giao dịch bạc.
 
Theo chỉ dẫn của họ, chúng tôi đến công ty H.H (TPHCM) để tìm hiểu. Chị T., giám đốc tiếp thị công ty H.H, tiếp thị: “Tỉ lệ ký quỹ chỉ 1%, khối lượng giao dịch ít nhất 500 ounce bạc (1 lot).
 
Với số vốn ban đầu 1.000 USD, khách hàng có thể giao dịch tối đa 10 lot (5.000 ounce bạc). Công ty H.H là môi giới nên chỉ thu phí giao dịch 100.000 đồng/lot, phí chênh lệch mua - bán 300.000 đồng/lot (thực chất là lãi suất cho vay 99% số lượng bạc giao dịch), công ty chuyển giao cho đối tác nước ngoài.
 
Khách hàng ký hợp đồng môi giới, nộp và rút tiền trực tiếp tại công ty. Lệnh giao dịch do đối tác nước ngoài xử lý, mọi thông tin liên quan đều được hiển thị trên máy tính... nên nhà đầu tư cứ yên tâm”. Để trấn an khách hàng, chị T. còn cho biết: Trong quá trình khách hàng giao dịch, nhân viên công ty sẽ luôn theo sát để sẵn sàng tư vấn kịp thời xu hướng thị trường...
 
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư cho biết giá bạc không “sốc” như giá vàng nên người giao dịch khối lượng nhỏ khó “cháy” tài khoản. Anh T., một nhà đầu tư khá rành rẽ thị trường vàng, bạc trên mạng, cho hay giá bạc thường biến động theo giá vàng. Nếu trong 24 giờ, vàng thường tăng, giảm giá 10 USD/ounce thì bạc biến động khoảng 5-7 cent/ounce (100 cent = 1 USD).
 
Còn nếu vàng biến động 30-50 USD/ounce thì bạc sẽ tăng, giảm khoảng 50 -70 cent/ounce... Do đó, người “chơi” bạc cần dự báo đúng xu hướng thị trường vàng thế giới để chọn thời điểm nhảy vô thị trường bạc.
 
Tuy nhiên, do mức độ biến động của giá bạc nhỏ, lợi nhuận thấp nên nhiều người thường có tâm lý “ăn cả, hoặc ngã về không” giao dịch một lệnh 10 lot nhưng chỉ ký quỹ 1.000 USD. Chẳng may giá bạc biến động ngược chiều 10 cent/ounce, lập tức tài khoản bốc hơi ngay 500 USD và lúc đó nhà đầu tư phải rời bỏ thị trường.

(Theo nld online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Google ra sức giành giật nhân tài với Facebook
  • Doanh thu quảng cáo năm nay dự báo khoảng 840 triệu đô la
  • “Con đường 4G” tại Việt Nam có dễ đi?
  • Kinh doanh casino tại Việt Nam: Nhìn từ những chuyển động mới
  • Rời rạc trong liên kết nhà mạng
  • Tiêu thụ xăng dầu nội: Đầu xuôi, đuôi chưa lọt
  • Phân khúc thị trường nào cho giới trẻ Việt Nam?
  • GM thu về 20,1 tỷ USD từ đợt IPO “khủng”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com