Ông Paul Jacobs, Giám đốc điều hành Qualcomm. |
Khi chiếc điện thoại di động ngày càng giống máy tính và ngược lại, những người khổng lồ trong ngành sản xuất chip cho máy tính và điện thoại di động bỗng nhiên... lại đối đầu nhau. Intel và Qualcomm đang trong một cuộc “chạm trán” không thể né tránh.
Những thành phần bên trong chiếc máy tính đã là lãnh địa của Intel trong nhiều năm qua, và nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất thế giới này đã nhắc khách hàng nhớ về họ bằng chiến dịch “Intel Inside”. Tương tự, thị trường điện thoại di động là nơi Qualcomm, một trong những nhà cung cấp chip lớn nhất cho thiết bị này, thống trị.
Tuy nhiên, khi chiếc điện thoại di động ngày càng giống máy tính và ngược lại, một cuộc đối đầu giữa hai nhà sản xuất chip này trong nay mai là không thể tránh khỏi. Intel đang muốn xâm nhập vào bên trong chiếc điện thoại thông minh, trong khi Qualcomm muốn tiến vào những mẫu máy tính xách tay nhỏ gọn.
Qualcomm tự tin
Qualcomm, công ty bán khoảng 22% tổng số lượng chip dùng trong các thiết bị không dây như iPhone, BlackBerry Storm và T-Mobile G1, tin rằng trong lịch sử 24 năm của mình, đây là thời điểm không thể nào tốt hơn để tấn công vào thị trường dành cho các thiết bị điện toán.
Máy tính cá nhân đang dần “tiến hóa” thành máy tính bảng và máy tính xách tay nhỏ vốn luôn được mở và kết nối Internet với pin hoạt động cả ngày.
Nói tóm lại, những thiết bị này không khác gì một chiếc iPhone hoặc BlackBerry nhưng có kích thước lớn hơn. Qualcomm gọi những thiết bị này là “smartbook”, vì chúng có thiết kế không khác gì một chiếc điện thoại thông minh lớn.
Ông Paul E. Jacobs, Giám đốc điều hành Qualcomm, tin rằng công ty ông đang ở trung tâm của một ngành công nghiệp không ngừng thúc đẩy những phát minh sáng tạo nổi bật nhất, như những gì được nhìn thấy trong các thiết bị như iPhone và BlackBerry Storm.
Chiếc điện thoại T-Mobile G1 sử dụng hệ điều hành Android của Google và chip của Qualcomm. |
Ông Jacobs nói: “Nguồn năng lượng đó hiện đang được phát ra từ ngành công nghiệp điện thoại. Máy tính cá nhân đã trở nên quá chuẩn đến nỗi mức độ phát minh sáng tạo không còn sánh bằng ngành công nghiệp điện thoại”.
Tuy nhiên, Intel, công ty có doanh số nhiều gấp ba lần Qualcomm, không đồng tình với nhận định ấy. Suzy Ramirez, một người phát ngôn của Intel, nhận định: “Khi các thiết bị di động trở nên thông minh hơn và có những tính năng như một máy tính cá nhân, đây chính là nơi Intel thể hiện sức mạnh của mình.”
Qualcomm đang dựa vào chip Snapdragon để cung cấp sức mạnh cho những thiết bị di động nói trên. Được thiết kế bởi một nhóm kỹ sư từng làm việc cho IBM, Snapdragon là loại chip đầu tiên thuộc loại này đạt tốc độ 1 gigahertz. Đây là một cột mốc đáng kể cho ARM, một thiết kế xử lý nổi tiếng vì tiêu thụ ít năng lượng đến mức pin của thiết bị có thể hoạt động cả ngày.
Snapdragon đã được sử dụng trong chiếc điện thoại thông minh siêu mỏng TG01 của Toshiba đang được bán ở châu Âu. Ông Jacobs cho biết sẽ có thêm nhiều thiết bị sử dụng chip này được tung ra thị trường từ nay đến cuối năm.
Dựa vào phần mềm
Dù vậy, chỉ phần cứng thôi sẽ không đủ để mang đến chiến thắng trong trận chiến này. Hiểu được điều này, Qualcomm đã bắt tay với Google, tác giả của hệ điều hành Android dành cho điện thoại di động. Kết quả của sự hợp tác này là sự ra đời của T-Mobile G1, chiếc điện thoại thông minh đầu tiên dùng Android và chip Qualcomm.
Máy tính cá nhân đang dần "tiến hóa" thành máy tính bảng và máy tính xách tay nhỏ vốn luôn được mở và kết nối Internet với pin hoạt động cả ngày. Những thiết bị này không khác gì một chiếc iPhone hoặc BlackBerry nhưng có kích thước lớn hơn. |
Đóng vai trò có thể còn quan trọng hơn Android là phần mềm mà Google dự định tung ra vào năm tới: hệ điều hành Chrome, vốn dành cho các thiết bị di động giống máy tính và có kích thước lớn hơn để thách thức chiếc máy tính xách tay chạy hệ điều hành Windows. Qualcomm đang đặt cược rằng Google sẽ trở thành một công ty phần mềm điều hành lớn trong thời gian tới.
Bill Davidson, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ với nhà đầu tư và tiếp thị toàn cầu của Qualcomm, nhận định: “Google đang hướng đến tương lai của điện toán, tức là tận dụng sức mạnh tính toán đã tồn tại trên Internet. Chip của Qualcomm sẽ được thiết kế để tương thích với hệ điều hành Chrome nhằm chuyển một số tính năng điện toán từ thiết bị lên chiếc máy tính nhanh hơn được đặt tại các trung tâm dữ liệu – một mô hình được ngành công nghiệp gọi là điện toán đám mây.
Ông Jacobs nhận định: “Tôi nghĩ rằng một mô hình lai sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Một số ứng dụng sẽ được tải về thiết bị và hoạt động từ đó. Những ứng dụng khác sẽ nằm trên đám mây và chỉ được tải về khi nào cần. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cả hai mô hình này.”
Tuy nhiên, không dễ để bỏ qua sự hợp tác giữa Microsoft và Intel, vốn được xem là sự hợp tác mạnh mẽ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp máy tính. Mathew Wilkins, nhà phân tích tại công ty iSuppli, đánh giá: “Một trong những vấn đề quan trọng là thương hiệu. Hệ điều hành Chrome, Android và ARM chưa hoặc ít xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ máy tính. Vì thế, chúng sẽ phải cạnh tranh với những thương hiệu đã thành danh và được nhiều người biết đến là Intel, Microsoft và Windows”.
(Theo Th. Phương // Thời báo kinh tế Sài Gòn // The New York Times)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com