Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luận đàm về doanh nhân

Thế nào là doanh nhân? Doanh nhân khác nhà quản lý ra sao? Câu hỏi không mới, nhưng dường như mỗi đáp án đưa ra có thể mang một sắc thái mới.

Trải qua chuỗi biến thiên của lịch sử, lúc này, từ tầng lớp “con buôn”, doanh nhân Việt Nam đã trở thành lớp người được trọng thị và cũng được nhắc đến nhiều trong đời sống xã hội. Có nhiều giải thưởng được đề ra để tôn vinh các doanh nhân và những đóng góp của họ cho cộng đồng. Tuy nhiên, cách hiểu thế nào là doanh nhân thì dường như vẫn chưa phải đã rành rẽ, ngay cả chính trong tầng lớp doanh nhân.

Ông Phạm Xuân Phương - Chủ tịch sáng lập, Ủy viên HĐQT Công ty bê tông, xây dựng A&P cho rằng, cần sớm có một định nghĩa chuẩn về doanh nhân. Tuy nhiên, định nghĩa chuẩn về doanh nhân là một đề tài khá mới mẻ, đang còn nhiều tranh cãi và do đó mà rất thú vị.

Theo định nghĩa của từ điển Bách khoa Việt Nam, doanh nhân là người làm nghề tổ chức sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho thị trường, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Doanh nhân xuất hiện và tồn tại trong lịch sử loài người cùng với sản xuất hàng hóa và thị trường. Đó là cách hiểu bao trùm. Nhưng nếu hỏi những người xung quanh ta hay hỏi chính những người được gọi là doanh nhân thì sẽ có khá nhiều cách để cắt nghĩa khái niệm doanh nhân.

Cuộc sống tự thân đã là dòng chảy, vậy nên, việc khơi gợi ra những lớp ngữ nghĩa mới cho một khái niệm không mới cũng là điều dễ hiểu. Và do vậy, định nghĩa về doanh nhân càng trở nên phong phú hơn theo thời gian. Mới đây, người viết có cơ hội tham gia diễn đàn “Chia sẻ cơ hội đầu tư và quản lý dòng tiền” với diễn giả chính là tỷ phú người Singapore, ông Bellum Tan - người có hơn 30 năm thành công trong lĩnh vực điều hành tổ hợp các công ty nhờ ứng dụng khái niệm đầu tư của Rich Dad.

Tại diễn đàn, nhà tỷ này đặt vấn đề: Hãy so sánh giữa doanh nhân và nhà quản lý doanh nghiệp? Hội trường hơn 200 trăm thính giả gồm những nhà doanh nghiệp, những người quan tâm đến kinh doanh rất hào hứng với câu hỏi này. Cả chục cánh tay đưa lên đề nghị được cắt nghĩa. Có người cho rằng, không phải cứ là người điều hành doanh nghiệp thì là doanh nhân. Và doanh nhân không nhất thiết là người điều hành doanh nghiệp… Cũng có ý kiến, đã là doanh nhân thì ngoài kiếm tìm lợi nhuận phải có trách nhiệm xã hội. Nhưng dường như chưa có được sự lý giải có tích thuyết phục cho sự khác biệt giữa doanh nhân và người quản lý doanh nghiệp.

Nhưng, ông Bellum Tan thì lại có cách giải thích khá thú vị, xin được nêu lên cùng bạn đọc như một sự chia sẻ trên con đường cùng tìm kiếm những khái niệm mới về doanh nhân. Sự khác biệt giữa một doanh nhân và một người quản lý doanh nghiệp, theo ông Bellum Tan, chính là ở việc:“Doanh nhân nhìn thấy doanh nghiệp trước cả khi nó được hình thành. Doanh nhân sinh ra đã phải có phẩm chất này. Vậy nên, có thể đào tạo được người quản lý doanh nghiệp nhưng doanh nhân thì không”.

Một doanh nhân giỏi không nhất thiết phải là người giỏi nhất trong công ty. Điều quan trọng là ông ta có được một đội ngũ giỏi xung quanh mình hay không? Cũng từ cách nhìn nhận này, ông Bellum Tan cho rằng, một nhà quản lý doanh nghiệp thì không thể rời bỏ được vị trí dù chỉ trong một ngày. Nhưng một doanh nhân khi đạt được tự do tài chính có thể dùng các đòn bẩy tài chính một cách linh hoạt, có thể đạt được trạng thái tự do để tìm kiếm được lợi nhuận mà không cần thiết phải có mặt mỗi ngày tại nhiệm sở…

Cần phải giới thiệu rằng, ông Bellum Tan vốn trước đây đầu tư vào các công việc có liên quan đến khai thác khí. Nhưng kể từ năm 1992, khi được tiếp xúc và trở thành học trò của Robert Kiyosaki, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Dạy con làm giàu”, cha đẻ của thuyết đầu tư “Kim tứ đồ tiền bạc”, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã hoàn toàn thay đổi. Giờ đây ông đi các nước, gặp gỡ và giới thiệu về cách để đạt được tự do tài chính. Việt Nam là điểm đến lần thứ hai của ông.

Vậy khi nào thì đạt được sự tự do tài chính? Trả lời cho câu hỏi này, ông Bellum Tan cho biết, theo Robert Kiyosaki, đó là khi số tiền kiếm về lớn hơn tiền chi ra. Có tự do tài chính là để có thời gian chiêm nghiệm lại, tìm ra cách làm giàu hơn nữa. Người ta chỉ đạt được tự do tài chính khi đáp ứng được 3 điều kiện: Tiền - Thời gian - Lối sống. Một doanh nhân giỏi phải đạt được tự do tài chính thông qua việc huy động được các nguồn lực khác nhau.

Trong kinh doanh, đích đến của một doanh nhân là kiếm tìm lợi nhuân. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Ngoài việc làm giàu cho chính mình, doanh nhân còn mang trên mình những trách nhiệm với đội ngũ của mình, với cộng đồng và xã hội. Và đó chính là cách mà ông lý giải về lối sống của một doanh nhân thực thụ.

Bellum Tan đã đưa ra một nhận xét khá thú vị, đó là các doanh nhân hiện nay mới chỉ chú trọng đến việc phát triển công việc kinh doanh của mình theo mô hình các doanh nghiệp gia đình, kiểu cha truyền con nối. Ông cho rằng, các doanh nhân cần phải biết rút lui đúng cách, đúng lúc - đó cũng là cả một nghệ thuật.“Hãy suy nghĩ theo cách: xây dựng doanh nghiệp là để bán nó - như một kế hoạch rút lui để phát triển và quản lý dòng tiền hiệu quả. Với bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, 10 năm là khoảng thời gian để biến đổi, có thể từ tiên tiến trở nên lạc hậu. Vậy nên, cơ hội cho các doanh nhân chính là việc phải suy nghĩ nhiều hơn, nhanh hơn và sáng tạo hơn” - Bellum Tan chia sẻ.

Dù được định nghĩa thế nào, doanh nhân vẫn luôn là lớp người mang trách nhiệm tạo nên những giá trị cả về vất chật lẫn xã hội. Mỗi ngày, trách nhiệm ấy càng cao hơn, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn. Một ngày Doanh nhân Việt Nam 13 - 10 lại đến, giới thiệu cách suy nghĩ của một doanh nhân quốc tế đã thành danh như một sự chia sẻ cùng những con người luôn phải nhanh, nhạy.

 

(Theo Mặc San // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Trung Quốc: Bất chấp khủng hoảng người giàu càng giàu thêm
  • Google không thắng được Baidu
  • Bỉ: Thị trường đồ chơi "miễn dịch" khủng hoảng
  • Dấu ấn "thảm họa" Lehman Brothers vẫn in đậm
  • Netbook dần mất thị phần
  • TT Putin “nhờ” Renault-Nissan cứu AvtoVAZ
  • Android chinh phục giới doanh nhân
  • "Cuộc chiến" xe cỡ nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com